THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

Bác sĩ của ngư dân

 

Gần 30 năm tuổi nghề và 8 năm làm bác sĩ cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Cứ, Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in từng chuyến theo tàu cứu nạn ra biển khơi. Từ lần đầu bỡ ngỡ, đến nay bác sĩ đã có hơn 15 lần vượt biển cứu nhiều ngư dân qua cơn nguy kịch.

 

Các y bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng trong một lần cấp cứu trên biển. 


Đầu năm 2015,  khi nhận lệnh ra biển cấp cứu ngư dân người Ấn Độ bị bệnh tim trong cơn nguy kịch tại vùng biển Hoàng Sa, vài phút sau, bác sĩ Cứ cùng đồng nghiệp của mình có mặt trên tàu SAR của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 2 Đà Nẵng vượt sóng to gió lớn ra biển khơi. Sau gần 4 giờ đồng hồ, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được tàu cá có ngư dân bị bệnh. “Khi tiếp cận với tàu cá, chúng tôi phải dùng thang dây từ tàu cứu hộ của mình đưa băng ca lên tầng 13 của tàu Ấn Độ mới tiếp cận được với bệnh nhân. Mọi việc lúc ấy hết sức khẩn trương, mọi người nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân rồi chuyển vào Bệnh viện C Đà Nẵng để điều trị.”.

Đầu năm 2016, một ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa bị viêm ruột thừa nặng. Được điều động đi cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Cứ lại cùng đồng nghiệp lên tàu ra biển cứu người. Không chỉ trực tiếp cứu mạng những ngư dân chẳng may bị bệnh nặng khi đang lênh đênh trên biển cả, bác sĩ Nguyễn Cứ còn cho biết, không biết bao nhiêu lần, bác sĩ và những đồng nghiệp của mình đã thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn sơ cứu cho ngư dân qua các phương tiện thông tin liên lạc.

Còn bác sĩ Nguyễn Đình Ngôn, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Phó Trưởng trạm cấp cứu 115 quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng không nhớ chính xác mình đã có bao nhiêu chuyến đi biển cứu người. Cách đây không lâu, một ngư dân quê ở Hội An, tỉnh Quảng Nam bị viêm ruột thừa nặng cũng đã được chính bác sĩ Ngôn và các đồng nghiệp kịp thời ra biển cứu người bệnh qua cơn hiểm nghèo.

 “Nhớ nhất với tôi có lẽ là chuyến tàu đầu tiên vượt biển cứu người. Lúc ấy chỉ có 30 phút để chuẩn bị có mặt ở cảng ra biển cách đó chừng 180 hải lý để cấp cứu một trường hợp bị bệnh nặng trên biển. Khi đến được nơi thì trời tối như mực, biển cả thì mênh mông, giữa thuyền lớn xuống thuyền nhỏ sóng dập dồn dữ lắm, vậy mà khi ấy mình được thả xuống thuyền nhỏ để tiếp cận bệnh nhân, cảm giác sợ lắm, nhưng bù lại rất vui vì bệnh nhân đã được mình cấp cứu thành công.”, bác sĩ Ngôn nhớ lại.

Trung tâm cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng là đơn vị 115 duy nhất trong cả nước tham gia cấp cứu trên biển trong suốt 15 năm qua, hàng năm đã thực hiện từ  20 đến 25 ca vừa tư vấn, hướng dẫn xử trí cấp cứu sơ bộ ban đầu trong khi chờ sự can thiệp của nhân viên y tế qua đài ICOM, vừa trực tiếp đi theo cùng tàu của các đơn vị như Trung tâm tìm  kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng thành phố để kịp thời cấp cứu cho các thuyền viên đang bị bệnh hoặc bị tai nạn thương tích trên biển trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của gió bão.

Ông Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng cho biết, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm luôn sẵn sàng lên đường tham gia cứu nạn trên biển không kể thời tiết khắc nghiệt, khi bão gió lớn. Bởi ngoài nhiệm vụ được giao, những y bác sĩ làm việc tại đây còn cần trái tim nhiệt huyết, hành động sắc bén, hết lòng với ngư dân, đến với ngư dân bằng cả tấm lòng, khi họ cần đến sự giúp đỡ của mình.    

Cứu ngư dân như cứu người thân của chính mình, nhiều năm qua, các y bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng đã ra khơi cấp cứu hàng trăm trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển. Với họ, đây không còn là nhiệm vụ mà là việc làm đầy tính nhân văn, giúp ngư dân vượt qua cơn nguy kịch, yên tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh