THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:12

Người bác sĩ “kỳ lạ” nơi gian khó

 

Tất cả vì người bệnh

Đi qua những mùa rẫy, với bao biến cố về sức khỏe, ký ức có lúc lẫn lộn nhớ quên nhưng khi nhắc đến bác sĩ Võ Thanh Dũng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Yang Reh, huyện KRông Bông, tỉnh Đắc Lắc) gương mặt những người già ở xã Ea Trul, xã Yang Yeh mà tôi từng gặp lại như bừng sáng lên. Họ bảo; "Ông bác sĩ ấy được chúng tôi gọi là Ka Dũng đấy, là bác sĩ của những buôn làng mình".

Bác sĩ Võ Thanh Dũng,  sinh năm 1962, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, gia đình luôn hướng Võ Thanh Dũng đến những nơi đô thị để phát triển nghề nghiệp tốt hơn bởi từ nhỏ anh đã nổi tiếng về thông minh, học giỏi. Thế nhưng ngay từ khi là học sinh cấp 2, mỗi lần về các buôn sâu, cứ mấy ngày lại thấy có người bị “thần chết” kéo đi vì dịch bệnh nhất là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả mà các y-bác sĩ trẻ lại không dám về, trong lòng anh trỗi dậy khát vọng thành một bác sĩ giỏi chữa trị và chặn đứng những thứ dịch bệnh quái ác kia. Năm 1981 sau khi tốt nghiệp y sĩ, Võ Thanh Dũng xin về công tác ở Bệnh viện huyện Lắc, một nơi còn chồng chất khó khăn.  

 

                                                     Bâc sĩ Dũng tận tình chăm sóc bệnh nhân

Khi đã thông tư tưởng của người dân các buôn sâu ở huyện Lắc xong, tình cờ xem ti vi thấy các đơn vị bộ đội về các buôn làng giúp dân và hướng dẫn chống dịch. Với các kiến thức mình đã tích lũy được từ thực tiễn và trường học, cuối năm 1983 y sĩ Võ Thanh Dũng xin vào bộ đội để đến bản làng nào anh cũng tỉ mẫn hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh sốt rét vì thời điểm ấy sốt rét là nỗi ám ảnh nơi rừng thiêng nước độc này. Xuất ngũ, anh quay về Trạm y tế Ea Trul (huyện KRông Bông).  

Ấn tượng đầu tiên khi về xã đặc biệt khó khăn Ea Trul đó là những ca phẫu thuật ung nhọt. Hàng ngàn người dân vùng sâu này ngã bệnh, bị ung nhọt chỉ biết tin vào thầy cúng nhưng bác sĩ Dũng đã làm xoat chuyển mọi ý nghĩ. Nhiều ca phẫu thuật có một không hai khi toàn bộ quy trình do một mình y sĩ Dũng khi ấy thực hiện. Đó là vào những năm 1992-1993, người dân Ea Trul gần 100% làm rừng, làm rẫy bị cây đâm, đá chọc rách thân thể diễn ra thường xuyên.

Phẫu thuật, thăm khám bệnh dưới ánh đèn dầu được một thời gian thì trụ sở đơn sơ của trạm y tế Ea Trul bị thiên tai phá hỏng, Võ Thanh Dũng cùng các y tá, y sĩ trong trạm lại kéo nhau lên mượn chiếc chòi canh hồ thủy lợi của xã làm trụ sở. Hàng trăm ca đỡ đẻ thai nghịch, cho đến hàng loạt ca xử lí bệnh đau tim, đau ruột thừa lại được y sĩ Dũng xử lí dưới ánh đèn dầu trong căn chòi tạm quanh năm gió lùa thốc thác. Thế nhưng, thật kỳ diệu, tất cả các ca xử lí ấy đều không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Khả năng và kinh nghiệm độc đáo của anh vang xa. Võ Thanh Dũng kể; Điều quan trọng nhất là mình phải nắm thật vững thao tác, xử lí bằng tất cả trách nhiệm, nỗi lo và cái tâm của mình. Người đồng bào dân tộc thiểu số có đặc tính đẻ nhiểu và còn hạn chế rất nhiều về nhận thức. Tất cả các kiến thức thực tiễn và bí quyết rút ra y sĩ Dũng đều truyền đạt, hướng dẫn tỉ mẫn lại cho các y tá trong trạm y tế của mình.

Một trong những bí quyết để những đêm khuya bác sĩ Võ Thanh Dũng có thể bật dậy đến các buôn sâu cứu chữa bệnh cho người dân nhanh nhất từ khi bước vào ngành y đó là; anh đến từng nhà dặn từng người nếu người thân có bệnh dù bất kể thời gian nào hãy tìm đến anh ngay. Bất luận ngày đêm, cổng nhà bác sĩ Dũng luôn mở toang, túi dụng cụ phẫu thuật, các loại thuốc anh luôn chuẩn bị sẵn sàng để ở đầu giường ngủ của mình.

 Không chọn việc nhẹ nhàng

 

                                                   BS Dũng bảo chọn nơi gian khó là khát vọng của mình

Miệt mài cống hiến với tinh thần lương y như từ mẫu cho đến năm 2003, thấy trình độ dân trí dần được nâng cao, trạm y tế Ea Trul được xây dựng tốt, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc khám chữa bệnh nên Võ Thanh Dũng lên Đại học y Tây Nguyên học thêm và lấy bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ đa khoa Võ Thanh Dũng được nhiều phòng khám ở thành phố Buôn Ma Thuột mời gọi ở lại làm quản lý. Cảnh tượng phố thị phồn hoa hoàn toàn đối ngược với cảnh những căn nhà lụp sụp chìm trong tĩch mịch khi chiều kéo ánh sáng vào đêm cũng có lúc làm cho bác sĩ Dũng có chút xao lòng. Nhưng rồi, nỗi đau đáu trước thông tin trạm y tế xã đặc biệt khó khăn Yang Reh đang thiếu bác sĩ, mấy ngàn người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số liên tục đổ bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, bác sĩ lại xung phong về làm trạm trưởng trạm y tế xã Yang Reh. Ngay khi bước chân về, bác sĩ Dũng dùng tất cả kiến thức mình đã tích lũy xuyên ngày đêm đi thăm khám, chữa trị bệnh cho người dân. Bác sĩ Dũng còn nhanh chóng phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng huyện thực hiện các biện pháp tích cực để khống chế dịch kết hợp với việc chăm lo công tác vệ sinh, khoanh vùng, phòng ngừa và chấm dứt dịch bệnh. Nỗi hoang mang của của mấy ngàn người dân được trấn an trở lại.

Biết năng lực chuyên môn lẫn khả năng quản lý của bác sĩ Võ Thanh Dũng, ngành y tế Đắc Lắc cho người xuống bàn bạc để đưa bác sĩ Dũng lên làm lãnh đạo Bệnh viện huyện KRông Bông. Biết thông tin này, người dân từ các buôn sâu ùa đến vây quanh bác sĩ Dũng, với ánh mắt ừng ực nỗi niềm và thốt lên; Ka Dũng ơi đừng đi, Ka Dũng là bác sĩ của buôn làng,  là ruột thịt của các buôn làng mình mà. Cái bụng của chúng mình không muốn cho Dũng đi đâu cả. Cảm kích trước nghĩa tình này, lại một lần nữa bác sĩ Dũng từ chối thăng chức, từ chối về trung tâm huyện mà bám trụ ở trạm y tế xã Yang Reh cho đến tận bây giờ. 

Đằng đẵng bấy nhiều năm gắn bó, món quà bằng vật chất lớn nhất mà bác sĩ Dũng nhận được từ bệnh nhân chỉ là vài ki-lô-gam măng rừng hay vài chục cái bắp (bắp ngô) từ chính những bàn tay tần tảo của người dân trong các buôn đi kiếm được hoặc làm ra. Làm bằng tất cả nhiệt huyết cống hiến nên từ Trạm y tế thiếu thốn nhất, đến nay Trạm y tế Yang Yeh đã có sự kết nối của từng người dân với trạm y tết rất chặt chẽ. Tỷ lệ tiêm chủng hằng năm cho trẻ em dưới 5 tuổi tại xã đạt trên 98%, phụ nữ mang thai tiêm uốn ván, uống viên sắt đạt gần 100%, bà mẹ sinh con tại Trạm và sinh tại nhà do cán bộ y tế đỡ cũng đạt trên 90%. Để đạt được những chùm quả ngọt đó bác sĩ Dũng đã tiên phong tự nguyện làm thêm giờ, tiên phong lặn lội các buôn sâu tuyên truyền để làm gương và vận động các y tá-y sĩ trong trạm cùng làm theo. Bác sĩ Dũng còn sáng tạo lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trong các buổi khám chữa bệnh đồng thời quán triệt tất cả y tá-y sĩ thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Với các nỗ lực không mệt mỏi ấy đến nay Trạm Y tế xã Yang Reh được công nhận đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2001-2010, phấn đấu tiếp tục đạt chuẩn giai đoạn 2011-2020. Bản thân bác sĩ Dũng được tặng nhiều phần thưởng cao quý như; Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân, Bằng khen của Bộ y tế, nhiều bằng khen của Ngành y tế tỉnh Đắc Lắc... Nhưng như bác sĩ Dũng thổ lộ; phần thưởng quý giá nhất là tình cảm của những bệnh nhân, người dân. Đó là thứ hơn mọi bạc vàng. Còn 5 năm nữa mới đến tuổi về hưu nhưng anh bảo; dẫu có về hưu rồi, người dân đau bệnh anh vẫn đi thăm khám miễn phí cho họ và coi đó như là niềm hạnh phúc của mình vậy. 

Hà Văn Đạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh