Bác sĩ: Chỗ thiếu, chỗ thừa
- Sức khỏe
- 15:49 - 03/12/2015
Chỉ thiếu bác sĩ giỏi
Thống kê của Bộ Y tế, cả nước có hơn 400.000 nhân viên y tế, trong đó gần 66.000 bác sĩ, 17.400 dược sĩ. Ước tính tỷ lệ trung bình khoảng 7 bác sĩ/ 10.000 dân. Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tỷ lệ cao (hơn 5 bác sĩ/10.000 dân), nhưng phân bố mất cân đối theo vùng miền, tập trung đông nhất tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với tỷ lệ 14 bác sĩ/10.000 dân. Ở vùng nông thôn như Cao Bằng, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, có khoảng 4-5 bác sĩ/10.000 dân.Báo cáo tổng quan ngành y tế hàng năm cũng nhận định, chất lượng nhân lực y tế phân bố mất cân đối theo vùng miền. Nhóm có trình độ cao như bác sĩ, dược sĩ (đại học và sau đại học) chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị và trung tâm lớn thuộc tuyến Trung ương, trong đó nhân lực trình độ đại học là 57,8%, sau đại học là 95,2% so với cả nước. Ở các địa phương, cán bộ y tế cũng tập trung đông hơn tại thành phố, thị xã (36,8%), sau đó mới đến tuyến huyện (27,6%), xã (21,1%).
Sinh viên ngành y thực tập tại bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh xác nhận, nguồn nhân lực y tế nước ta thiếu nhưng lại thừa. Thiếu đội ngũ bác sĩ giỏi có tay nghề cao, ứng dụng công nghệ tốt, trong khi dư thừa nguồn nhân lực chất lượng thấp, chưa qua đào tạo lâm sàng bài bản tại các bệnh viện lớn. Lý giải sự chênh lệch nhân lực ngành y giữa các vùng miền, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng, đa phần người làm ngành y, nhất là các thầy thuốc giỏi sau khi học xong đều muốn có công việc ổn định ở một bệnh viện lớn trong thành phố. Vì không tìm được bác sĩ giỏi nên người bệnh ở các vùng xa lại đổ về thành phố để khám chữa bệnh, góp phần gây tình trạng quá tải bệnh viện vốn là vấn đề nhức nhối hiện nay.
Đào tạo bác sĩ: Thiếu còn hơn yếu
Việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được Bộ GD&ĐT cấp phép mở đào tạo ngành Y, Dược gây khá nhiều tranh cãi. GS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, đã bày tỏ sự không đồng tình với quyết định đó.
Theo GS Đặng Hanh Đệ, nên giao cho Bộ Y tế có cơ sở đào tạo chính thức, bởi đào tạo ngành Y bắt buộc phải có thí nghiệm, bệnh viện. Trong khi đó, ở các bệnh viện hiện nay, lượng sinh viên ngành y thực hành sau đại học đã rất đông, không thể đưa thêm sinh viên vào nữa. Bên cạnh đó, GS Đặng Hanh Đệ cũng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng đội ngũ giảng viên của trường Đại học công nghệ.
GS Trần Đông A (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc cho các trường có truyền thống điểm tuyển sinh đầu vào không cao được phép mở ngành y dược là đang làm trái với Nghị Quyết Trung ương VIII về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trong đó, nêu rất rõ: Chuyển đào tạo chủ yếu từ số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả. Giáo dục đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển. Việc cho phép trường đại học kinh doanh mở ngành y là bước lùi chứ không phải bước tiến.
“Chúng ta không thiếu y bác sĩ ở các thành phố lớn. Thực tế, cách đây 2 năm, Bộ Y tế đã cảnh báo về việc dư thừa nhân lực ngành y tế. Chúng ta thiếu là thiếu nhân lực ở vùng sâu, vùng xa. Và nếu đào tạo bác sĩ cho vùng sâu, vùng xa thì phải về đó đào tạo y khoa lâm sàng, đằng này lại đào tạo ở Hà Nội thì lập luận đó không hợp lý. Nếu không cho ra được các y bác sĩ chất lượng thì thà... thiếu còn hơn yếu”- BS Trần Đông A nhấn mạnh.
Để giảm sự chênh lệch nguồn nhân lực y tế, từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã triển khai Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng ban hành bộ Chuẩn năng lực cơ bản đối với thầy thuốc, là cơ sở để đánh giá chất lượng nhân viên. Ngoài ra, còn có một số chính sách ưu tiên phát triển các chuyên ngành đang thiếu nhân lực. |