THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:13

Bộ GD&ĐTphải chịu trách nhiệm việc cấp phép đào tạo ngành Y, dược

 

“Hãy đưa các tiêu chí ra và xem thử trường này đã đạt được các tiêu chí hay chưa. Nhưng nếu một khi Bộ Y tế kết luận chưa đủ tiêu chí mà Bộ GD&ĐT vẫn cho phép thì Bộ GD&ĐT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm…”.Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy về việc trường ĐH Kinh doanhCông nghệ Hà Nội được tuyển sinh Y- Dược trong năm học tới.

Thiếu trình độ nguy hại đến sinh mạng

PV: Không riêng Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ, hàng loạt trường khác trong vài năm gần đây tuyển sinh ngành Y- Dược với đầu vào chỉ khoảng 15 điểm trở lên. Ý kiến của bà ra sao?

 

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Ảnh: ​Trang web của ​trường.


Bà Phạm Khánh Phong Lan: Hiện nay, một số trường dân lập tuyển sinh ngành Y- Dược với số điểm đầu vào rất thấp. Không chỉ riêng trường ĐH Kinh doanh Công nghệ mà cả một số trường khác. Không hiểu họ chuẩn bị cơ sở đào tạo đến đâu nhưng sự thực chúng tôi rất lo ngại bởi đào tạo theo số lượng thì khó đảm bảo chất lượng.

PV: Bà nghĩ gì khi ĐH Công nghệ và một số trường cho rằng, mở đào tạo ngành Y- Dược là do nhân lực ngành này còn thiếu, giúp góp phần xã hội hóa giáo dục?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi thấy, hiện nay chúng ta đang quá lạm dụng cụm từ xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa ở đây là huy động mọi nguồn lực, xã hội tập trung vào giáo dục để giúp giáo dục phát triển chứ không phải hạ chuẩn bằng mọi giá để cho ai cũng có thể đào tạo được ngành này.

Tôi rất buồn vì giáo dục ngày càng chạy theo bằng cấp và số lượng nên tấm bằng đào tạo ra ở nhiều trường ngày càng mất giá trị.Hiện ai cũng chăm chăm vào đại học nên khi ra trường không kiếm được việc làm, hoặc tìm được việc làm nhưng không đủ trình độ để làm việc. Do đó mới có tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Điều này làm cho hiệu quả công việc chưa cao, năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, những điều này gây tác hại trường diễn, chưa thấy hậu quả ngay.

Nhưng riêng với ngành Y- Dược, nếu nhân lực không có trình độ sẽ gây hại ngay trước mắt, đó là sinh mạng, là sức khỏe của người dân đang nằm trong tay đội ngũ này nên rất nguy hiểm.

PV: Vậy nếu các trường vẫn cố đào tạo, theo bà, đội ngũ y bác sĩ này ra trường liệu có đủ năng lực để khám bệnh?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng ta cứ đổ lỗi bệnh viện này, bệnh viện kia quá tải. Trong khi đó, chúng ta xây dựng rất nhiều cơ sở y tế nhưng người dân không mặn mà vì một trong những lý do người dân chưa yên tâm với trình độ của bác sĩ và chưa yên tâm với chất lượng cán bộ y tế trong đó.

Vì thế, không nên làm thế nào để lấp cho đầy bác sĩ mà làm sao để đội ngũ nhân viên y tế có chất lượng. Thà một người chất lượng còn hơn 10 người không đủ chất lượng.

 Bộ Y tế cần phải có kết luận rõ ràng

PV: Theo bà, việc nhiều trường chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn đào tạo chuyên ngành Y- Dược đang khiến dư luận vô cùng lo lắng. Với vai trò một đại biểu Quốc Hội, theo bà có nên yêu cầu tạm thời dừng đào tạo Ngành Y- Dược của trường ĐH chưa đủ điều kiện?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Cũng như nhiều người, tôi rất lo lắng bởi nhiều năm gần đây, việc đào tạo ngành Y đang bị buông lỏng chất lượng. Trường nào cũng có thể đào tạo được nhưng lại không đầy đủ cơ sở vật chất kĩ thuật, đội ngũ giảng viên, thiếu cơ sở thực hành.

Thậm chí một số cơ sở trước nay có uy tín nhưng với cơ sở vật chất đó, đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh tăng hàng năm nên rất khó đảm bảo.

Tất nhiên nói như thế cũng không “vơ đũa cả nắm”. Tôi không nói trường dân lập thì không nên đào tạo Y- Dược, không nên đóng cánh cửa với những trường ngoài ngành nhưng cái chính trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ có đảm bảo chất lượng không? Việc thẩm định của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế đã được tiến hành bài bản hay chưa? Đã đáp ứng được các tiêu chí đã đưa ra hay không?

Tôi nghĩ cần có thẩm định kĩ, tránh tình trạng bằng một cách nào đó mà các đơn vị “du di” cho nhau để chưa đạt chuẩn thành đạt chuẩn. Nhất là sau đó, khâu hậu kiểm xem họ có duy trì chuẩn đó hay không lại càng quan trọng.

PV: Vậy theo bà, còn điểm nào chưa đúng quy trình khi cấp phép đào tạo Ngành Y- Dược cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Qua theo dõi tình hình trên báo chí thì thấy, phía Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, thời điểm bộ này thẩm định vào tháng 10/2015 đã có yêu cầu trường ĐH Kinh doanh Công nghệ phải khắc phục một số tồn tại mới cho phép mở hai ngành mới. Tuy nhiên, vừa qua như dư luận đã thấy, Bộ GD&ĐT đồng ý cấp phép tuyển 2 ngành Y- Dược thì thật khó hiểu.

Tôi nghĩ, Bộ Y tế phải có kết luận rõ ràng. Cái này chỉ đơn thuần về mặt kĩ thuật. Hãy đưa các tiêu chí ra và xem thử trường này đã đạt được các tiêu chí hay chưa. Nhưng nếu một khi Bộ Y tế kết luận chưa đủ tiêu chí mà Bộ GD&ĐT vẫn cho phép thì Bộ GD&ĐT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Đặc biệt, trước đó, Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu nhiều trường ngừng tuyển sinh ngành này vì chưa đủ tiêu chuẩn, vậy vì sao bộ GD&ĐT đồng ý cho trường này đào tạo? Và quan trọng nhất là trường này đã đạt chuẩn hay chưa, chứ không nên phân biệt trường trong ngành hay ngoài ngành.

 Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường y lớn vẫn thất nghiệp

PV: Theo bà, nhân lực của ngành Y tế có thiếu đến mức các trường dân lập phải lao vào tuyển sinh ngành này? Trong khi trước đó, Bộ GD&ĐT đã từng yêu cầu nhiều trường (chủ yếu là dân lập) ngừng tuyển sinh vì chưa đủ điều kiện?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi thấy, các bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y- Dược TP Hồ Chí Minh nhưng tìm được một chỗ ở bệnh viện công lập ở TP Hồ Chí Minh- nhất là bệnh viện có tên tuổi không hề đơn giản và sau đó các em này phải đi học nội trú, học chuyên khoa I, chuyên khoa II và các chương trình để nâng cao năng lực.

Một thực tế, hiện nay rất nhiều bác sĩ ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, họ ra mở hiệu thuốc hoặc làm ở các phòng khám ngoài. Việc này có thể giúp họ đủ sống nhưng về thực tế, rất đáng ngại về chất lượng.

PV: Với vai trò là lãnh đạo Sở Y tế, xin bà cho biết theo bà, các bệnh viện có nên tuyển nhân lực tốt nghiệp ngành Y từ các trường lấy đầu vào quá thấp?

Vào biên chế ngành thì không thể nói là nên tuyển hệ nọ, không nên tuyển hệ kia vì như thế là sai luật. Tuy nhiên, tôi thấy các bệnh viện công lập, số lượng biên chế dành cho bác sĩ rất là ít nên tỉ lệ “chọi” rất cao. Đối với bệnh viện ngoài công lập, họ cũng tính toán rất kĩ, không thể tuyển bừa vì không thể đùa giỡn với tính mạng bệnh nhân được.

Trước đây, khi còn đi học, tôi từng chứng kiến nhiều người do không lượng được sức mình, thi vào Y- Dược dù điểm thấp vẫn đậu vì được ưu tiên nhưng về sau họ không thể theo kịp nên rất khổ. Những đội ngũ bác sĩ này, cho dù có tốt nghiệp thì làm viện công hay viện tư hoặc bất cứ nơi đâu cũng đều rất đáng lo ngại.

Theo QUỐC HUY / Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh