Bắc Ninh và Bắc Giang triển khai nhiều phương án để duy trì sản xuất
- Bài thuốc hay
- 16:48 - 13/07/2021
Tăng lương để kéo công nhân đến xưởng
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, được sản xuất trở lại đã khó, có công nhân đi làm còn khó hơn. Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang đã "tung ra" các chính sách tuyển dụng lao động mới hoặc kêu gọi công nhân cũ trở lại đi làm. Chẳng hạn, tăng lương 1-2 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ bữa ăn phụ, nước uống đóng chai trong giờ làm; chuyển tiền ăn ca 1 triệu đồng/người vào tiền lương; miễn phí đón từ ký túc xá, nhà trọ đến nhà máy.
Qua nắm bắt, số lượng công nhân đi làm trở lại mỗi ngày khoảng vài nghìn người. Chế độ đãi ngộ tốt, quy trình sản xuất an toàn… nên người lao động rất yên tâm.
Ông Ngọc cũng nhấn mạnh, đánh giá tình hình theo ngày và có chính sách hỗ trợ, nới lỏng cho doanh nghiệp là việc cần thiết. Chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp rà soát danh sách công nhân, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và xác nhận đủ điều kiện đi làm sớm.
"Đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp trở lại sản xuất nhanh nhất. Nếu tình hình khả quan, công ty chỉ cần gửi kế hoạch sản xuất an toàn lên cấp có thẩm quyền. Lực lượng chức năng sẽ hậu kiểm công tác sản xuất sau. Do vậy sau một tháng, từ 20.000 công nhân đi làm lại, con số này giờ đây lên gần 80.000 người", ông Ngọc cho biết.
Bài học từ Bắc Giang
Tại sao 400.000 công nhân Bắc Giang, Bắc Ninh trở lại làm việc dù vẫn phát sinh ca COVID-19 mới?. Ông Nguyễn Xuân Ngọc thông tin, có khoảng 80.000 công nhân trở lại làm việc so với 150.000 lao động trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Số doanh nghiệp đăng ký sản xuất trở lại cũng đạt 263 doanh nghiệp.
Hàng trăm ngàn công nhân Bắc Giang, Bắc Ninh trở lại xưởng nhờ chuẩn bị tốt
"Doanh nghiệp phải xét nghiệm tầm soát, thành lập tổ COVID-19 cộng đồng, chia nhóm lao động theo phân xưởng/bộ phận để nếu lây nhiễm có thể khoanh vùng ngay. Duy trì các nhóm Zalo giữa cơ quan y tế và doanh nghiệp nhằm nhận diện những người có triệu chứng ban đầu để bộ phận y tế kịp thời xử lý cũng rất cần thiết…"
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Pphó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang
Theo ông Ngọc, những đơn vị hoạt động trở lại phải đón và bố trí nơi trú cho công nhân từ "vùng màu xanh" (không phát sinh F0) có xét nghiệm âm tính với COVID-19. Đối với lao động ở "vùng màu vàng" (nguy cơ phát sinh F0), doanh nghiệp bố trí nơi lưu trú tập trung cho công nhân. Hiện, hơn 7.000 ký túc xá trên địa bàn đã và đang đón công nhân ở lại.
Để phòng dịch, các công ty có tổ an toàn COVID-19 sẵn sàng đánh giá nguy cơ lây nhiễm; xét nghiệm RT-PCR ngay ngày đầu làm việc; bố trí khu vực giao nhận hàng, cách ly y tế tạm thời… Sau đó, tất cả lao động xét nghiệm định kỳ 72 giờ/lần với lao động đi về nhà hằng ngày. Hai tháng đầu, lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân 1 tuần/lần.
Chỉ đạo kịp thời, linh hoạt
Trong khi đó tại Bắc Ninh, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 300.000 công nhân và khoảng 1.000 doanh nghiệp đã trở lại sản xuất.
"Phương án ban đầu của tỉnh là 'trúng, đúng và kịp thời'. Quan trọng nhất là tách nguồn lây tại nơi lưu trú như nhà máy, nhà trọ... Sau khi dịch bệnh kiểm soát tốt, tỉnh triển khai tiếp phương án 'nhanh, mạnh, linh hoạt' để đưa công nhân trở lại, nhà máy sáng đèn sản xuất. Các doanh nghiệp ngăn cách 1/3 xưởng hoặc trưng dụng xưởng chưa sản xuất để làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân. Công ty nào không bố trí được thì đưa đón công nhân về nhà trọ đảm bảo phòng dịch. Làm sao đảm bảo chia nhóm lao động cùng xưởng ăn cùng ca, đi cùng xe, lưu trú cùng một chỗ".
Doanh nghiệp cũng phải xét nghiệm 20% tổng số lao động hằng tuần. Nhất là những người tiếp xúc với bên ngoài như lái xe, bảo vệ… Tuân thủ khuyến cáo 5K mọi lúc mọi nơi, không lơ là chống dịch.