Bắc Ninh: Đầu tư sản xuất phim truyền hình "Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng"
- Văn hóa - Giải trí
- 15:56 - 21/08/2020
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu sản xuất bộ phim truyện truyền hình "Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng".
Theo đó, bộ phim truyện truyền hình "Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng" sẽ do Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông IDE sản xuất với chất liệu File Full HD, gồm 5 tập, mỗi tập 45 phút. Tổng kinh phí thực hiện hơn 6,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Bộ phim nhằm tái hiện chân thực, sinh động hoàn cảnh lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, xây dựng hình tượng điển hình cá nhân, tập thể Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thương thảo hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông IDE theo đúng quy định; có biện pháp thực hiện hợp lý, tiết kiệm tối thiểu 1,0% giá gói thầu và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đã được phê duyệt. Đồng thời, ký hợp đồng và triển khai thực hiện Dự án theo phương án sản xuất phim đã được thống nhất thông qua và các quy định pháp luật hiện hành.
Thông tin từ Bảo tàng Văn hóa (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh), Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (tiền thân là Đội Nhi đồng cứu quốc vong hoạt động từ năm 1941) thành lập ngày 7/11/1949 tại lăng Lòng Chảo (nơi an nghỉ của vua Lý Thái Tổ), nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Khi mới thành lập, đội có tên là Đội quân báo thiếu niên gồm 16 đội viên hăng hái, dũng cảm, có nhiệm vụ bí mật theo dõi tình hình địch, làm liên lạc, lấy vũ khí của địch cung cấp cho du kích, giải cứu cán bộ của ta bị địch bắt và vận động binh lính địch trở về với cách mạng. Năm 1952 Đội đổi tên thành Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng.
Trải qua 5 năm (từ năm 1949 đến năm 1954), Đội có 61 người. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, các đội viên nhỏ tuổi đã anh dũng tham gia kháng chiến và giành được nhiều chiến công vang dội như xâm nhập vào đồn bốt của giặc bí mật lấy được hàng chục tấn đạn, vũ khí các loại, 8 lần dẫn đường bảo vệ và giải thoát cho 42 cán bộ chiến sĩ của ta thoát khỏi trại tù của địch; vận động 115 lính ngụy bỏ hàng ngũ giặc trở về với cách mạng; phối hợp với du kích tiêu diệt 15 tên địch (trong đó có 2 sĩ quan), làm bị thương 17 tên và bắt sống được 1 lính lê dương. Đặc biệt là chiến công cắt phá dây dẫn nổ, cứu nhà dân và đình làng Đình Bảng vào cuối tháng 4 năm 1954.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đội đã phát triển thêm 43 đội viên mới, hăng hái tham gia học tập, sản xuất cùng nhân dân Đình Bảng xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hầu hết các đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đều hăng hái lên đường nhập ngũ, dũng cảm chiến đấu trên các chiến trường và lập nhiều chiến công. Hòa bình thống nhất, các đội viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa lại tích cực học tập, rèn luyện, trưởng thành trong công tác và cuộc sống, song vẫn giữ vững phẩm chất tiên phong cách mạng, tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với những thành tích nổi bật, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng vinh dự được Bác Hồ khen ngợi (năm 1952), Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất; Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng lá cờ "Thiếu niên anh dũng" (năm 1955); Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng cờ "Tuổi trẻ vì hòa bình" (năm 1956); Đội Thiếu niên tiền phong các nước tặng cờ "Vì tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình", Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tặng lá cờ "Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng sáng mãi trong lịch sử đội ta" (năm 1999); nhiều đội viên của đội được tặng thưởng Huân, Huy chương và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2009, Đội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Không dừng lại ở đó, nhiều năm qua, các cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đã trở thành những nhân chứng sống, trực tiếp tham gia vào việc viết tiếp bản hùng ca của Đội bằng những việc làm thiết thực, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương.