CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Bắc Ninh: Chú trọng chăm lo đối với các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với đảm bảo an siinh xã hội (ASXH), thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách ASXH. Có nhiều chính sách ASXH đi trước so với chính sách của Trung ương như: Quy định hưởng điều dưỡng định kỳ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng quà cho người có công; quy định nâng mức hưởng trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội… qua đó, kịp thời động viên, khích lệ, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân vươn lên.

Bắc Ninh: Chú trọng chăm lo đối với các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo - Ảnh 1.

Tặng quà cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Hàng năm, tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công đảm bảo kịp thời theo quy định hướng dẫn Bộ LĐTB&XH. Giai đoạn 2016 - 2020, cùng với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công 2.258 nhà, với số kinh phí 157,8 tỷ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời.

Bên cạnh đó, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 74 nghĩa trang ghi công liệt sĩ, với tổng kinh phí 24,4 tỷ đồng; tặng 2.757 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với số kinh phí 1,4 tỷ đồng… Các địa phương trong tỉnh cũng tích cực quan tâm đến gia đình người có công, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết việc làm cho hàng ngàn đối tượng vươn lên vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định.

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống người có công với cách mạng được duy trì thường xuyên gắn với các chương trình tình nghĩa như: Hỗ trợ xây dựng cải thiện nhà ở; chăm sóc sức khỏe; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà đối tượng và gia đình chính sách; chăm sóc phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.... được phát động mạnh mẽ tới toàn thể các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chăm lo cho đối tượng chính sách.

Bắc Ninh: Chú trọng chăm lo đối với các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng quà gia đình chính sách

Bên cạnh đó, các cấp, ngành đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh như: Nghị quyết số 07 NQ/TU ngày 10/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020;

UBND tỉnh ban hành Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo như: Người nghèo được thụ hưởng đầy đủ chính sách về y tế, giáo dục đào tạo, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tiền điện...

Thời gian qua, hàng nghìn hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, toàn tỉnh có 757 hộ nghèo được hỗ trợ với với tổng kinh phí hỗ trợ là 40,73 tỷ đồng, đến năm 2019, tổng số 408 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí là 18,36 tỷ đồng...

Từ sự quan tâm, nỗ lực vì người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 2,59%, đến nay, số hộ nghèo giảm còn 1,2% (vượt 1,3% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra), không còn hộ nghèo là gia đình chính sách.

Với những kết quả tích cực về công tác ASXH, Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu và đi trước so với cả nước về chính sách ASXH như: Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia BHYT hàng năm đối với người cao tuổi từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa tham gia BHYT; trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi từ 70 tuổi đến 80 tuổi và đảng viên được tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng trở lên…

Các chính sách giải quyết việc làm được tỉnh quyết liệt thực hiện. Giải quyết việc làm bình quân hằng năm đạt 27.000 lao động; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng lao động ở khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng bình quân hằng năm 3% (từ 63% năm 2016 lên 75% năm 2020)... Bên cạnh đó, hỗ trợ tạo việc làm thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, trang trại... hỗ trợ lao động bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù, con em hộ nghèo.

Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và hưởng ứng tích cực của người dân trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ASXH, đời sống của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nhiều hộ nghèo đã tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng yếu thế tự lực vươn lên tham gia phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo mức sống của người có công bằng, cao hơn mức sống của người dân ở khu dân cư; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo trong 5 năm 2021 - 2025; tiếp tục rà soát chính sách, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của tỉnh, qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh