THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:00

Bạc Liêu: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đến nay, ngành thủy sản Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản từ 241.044 tấn năm 2010 tăng lên dự kiến đạt 290.000 tấn năm 2015 (tốc độ tăng bình quân hàng năm 3,54%), trong đó sản lượng tôm từ 83.000 tấn năm 2010 tăng lên 118.500 tấn năm 2015 (tốc độ tăng bình quân hàng năm 7,19%).

Riêng về diện tích nuôi trồng thủy sản từ 125.767 ha năm 2010 tăng lên 130.482 ha năm 2015, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh từ 10.770 ha năm 2010 tăng lên 19.000 ha năm 2015 (tốc độ tăng bình quân hàng năm 12,02%). Sản lượng nuôi trồng thủy sản từ 149.281 tấn năm 2010 tăng lên 183.700 tấn năm 2015, trong đó sản lượng tôm từ 68.139 tấn năm 2010 tăng lên 104.200 tấn năm 2015 (tốc độ tăng bình quân hàng năm 8,56%).

Bên cạnh sự phát triển nuôi trồng thủy sản, nghề khai thác biển cũng có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2010, tổng số tàu thuyền đánh bắt trong tỉnh là 1.153 chiếc thì năm 2015 tăng lên 1.300 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ từ 373 chiếc năm 2010 tăng lên 530 chiếc năm 2015. Sản lượng khai thác thủy sản từ 91.763 tấn năm 2010 tăng lên 106.300 tấn năm 2015.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long.

Nhận định nông nghiệp là gốc và là đòn bẩy cho sự phát triển, thời gian qua, ngành nông nghiệp Bạc Liêu định hướng phát triển sản xuất theo quy hoạch nông thôn mới, khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng lao động, đất đai trên cả 2 vùng sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch hại cây trồng, vật nuôi cũng được địa phương thực hiện tốt nên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt được kết quả trên cả 3 mặt (diện tích, năng suất và sản lượng), năm sau cao hơn năm trước.

Nhằm giúp cho bà con nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 46 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng nông thôn mới (tuyển chọn và chuyển giao các giống lúa mới triển vọng, các đối tượng nuôi thủy sản giá trị kinh tế cao, phục tráng các giống cây trồng vật nuôi có giá trị của địa phương như lúa Một bụi đỏ, tài nguyên); xây dựng  45 mô hình sản xuất có hiệu quả làm điểm nhân rộng (mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học; phát triển các cây trồng; vật nuôi hiệu quả kinh tế cao; mô hình nuôi thủy sản kết hợp,...).

Hiện nay, toàn địa bàn triển khai thực hiện được 15 điểm mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 1.689 ha, có 1.361 hộ nông dân tham gia (chi phí bình quân giảm 2,3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng bình quân 2,8 triệu đồng/ha, góp phần tăng thu nhập cho nông dân). Hướng tới, Bạc Liêu sẽ thực hiện quy hoạch 37 cánh đồng mẫu lớn sản xuất đạt từ 80 - 120 triệu đồng/ha/năm, diện tích 3.972 ha.

Ông Lương Ngọc Lân cho biết, xây dựng NTM chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, vì thế muốn dẫn dắt được con thuyền đi đúng hướng và về đích kịp thời gian thì phải phát huy được tính cộng đồng, sức dân trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị tại địa phương. Qua 5 năm huy động đóng góp của người dân (bao gồm ngày công lao động, vật tư và hiến đất), địa phương đã xây dựng đường ngõ xóm, xây dựng công trình công cộng với diện tích hơn 544.972 m2 (tương đương 114,946 tỷ đồng); điển hình như huyện Phước Long, người dân hiến đất trên 346.250 m2, huyện Vĩnh Lợi: 118.931m2, huyện Hồng Dân: 7.450 m2, thị xã Giá Rai người dân hiến 72.341 m2 đất. Địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 công trình xây lắp điện; xây dựng, nâng cấp và cứng hóa 875 tuyến giao thông nông thôn, chiều dài 1.203,604 km; xây dựng 885 cây cầu bê tông cốt thép, sửa chữa 121 cầu giao thông nông thôn; xây dựng mới và bàn giao trên 2.942 căn nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, kinh phí đầu tư 170.960 triệu đồng (trong đó có 1.491 căn xây dựng cho đối tượng là hộ nghèo, hộ chính sách, với tổng kinh phí 48.050 triệu đồng)...

Đến nay, trung bình toàn tỉnh đạt 12,94 tiêu chí/xã, tăng 7,22 tiêu chí so với năm 2011 (đạt trung bình 5,72 tiêu chí/xã); huyện đạt trung bình tiêu chí cao nhất là 18,86 tiêu chí/xã (huyện Phước Long); huyện đạt trung bình tiêu chí thấp nhất là 10 tiêu chí/xã (thị xã Giá Rai). Kế hoạch đến cuối năm 2015, huyện Phước Long được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. 

MINH LUÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh