THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:06

Bắc Kạn phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy văn hoá dân tộc

Nhiều CLB hát then, đàn tính và các nhóm văn nghệ đã được hình thành, tham gia biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh CTV.

Nhiều CLB hát then, đàn tính và các nhóm văn nghệ đã được hình thành, tham gia biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh CTV.

Nhiều lợi thế phát triển du lịch

Chỉ cách Hà Nội khoảng 170km, những năm gần đây Bắc Kạn thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Lợi thế của Bắc Kạn là có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, trong đó nổi bật là Vườn quốc gia Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp của thế giới và là danh lam thắng cảnh được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt”, “Vườn di sản ASEAN”. Toàn bộ khu vực này có tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn với những hệ thống sông, hồ, hang động phong phú. Trong những năm qua, ngành du lịch Bắc Kạn cũng đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng...

Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn lưu giữ nhiều điểm di tích lịch sử cách mạng, là tiềm năng, lợi thế du lịch đặc sắc, “địa chỉ đỏ” về nguồn. Các di tích lịch sử ở Bắc Kạn mang nhiều dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các điểm di tích lịch sử văn hóa của Bắc Kạn đã kết nối với các điểm du lịch lân cận, như: Di tích lịch sử An toàn khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)…

Ngoài ra, tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Kạn còn nằm ở nền văn hóa đa dạng, phong phú với những phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc. Phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch bền vững là hướng đi hiệu quả đang được tỉnh Bắc Kạn quan tâm nhằm đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương. Theo ông Hoàng Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông huyện Ngân Sơn, để tạo được nét riêng có, thu hút du khách, Bắc Kạn xác định phải gắn tham quan danh thắng với trải nghiệm văn hóa bản địa.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đang định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiềm năng nông nghiệp từ những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống… trải dài khắp các địa phương của Bắc Kạn chính là cơ sở, tiền đề thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống.

Đơn cử như khi đến huyện Ba Bể, sau hành trình khám phá thiên nhiên sẽ có cơ hội hòa mình trong không gian sống của đồng bào, qua những mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống ở nhà sàn, cùng người dân nướng cá, quay lợn, làm cơm lam, giã bánh dầy, nặn bánh trời... và cùng đội văn nghệ quần chúng của các thôn, bản ven hồ giao lưu hát then, đàn tính, nhảy sạp, múa bát. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có thể kết hợp để du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng như: Mô hình trồng hồng không hạt tại xã Quảng Khê; mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, Mỹ Phương; mô hình trồng bí xanh thơm ở xã Địa Linh, Yến Dương…

Du khách thăm quan, mua sắm những sản phẩm đặc sắc của người dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh CTV

Du khách thăm quan, mua sắm những sản phẩm đặc sắc của người dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh CTV

Làm gì để Bắc Kạn có thể tạo "cú hích" cho du lịch vùng Đông Bắc  

Theo đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng khai thác du lịch của tỉnh vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác, phát huy xứng tầm. Nhiều người vẫn ví von rằng hồ Ba Bể đẹp như nàng tiên nhưng nàng tiên ấy vẫn đang say ngủ, chưa thức giấc.

Nguyên nhân được xác định là do kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ. Khoảng cách từ Thủ đô Hà Nội tới Bắc Kạn không xa nhưng mất nhiều thời gian di chuyển. Trong khi từ thành phố Bắc Kạn tới Khu du lịch Ba Bể, đường quanh co, nhỏ, xuống cấp khiến việc đi lại rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp; các khu, điểm du lịch chưa có quy hoạch chi tiết; công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa chưa thật sự hiệu quả. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tua, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế...

Mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, huyện Mỹ Phương, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh CTV.

Mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, huyện Mỹ Phương, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh CTV.

Để khai thác tiềm năng du lịch, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, đề án, như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025. Vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tỉnh đã thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, quyết tâm đưa du lịch Bắc Kạn trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững nhưng luôn giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, du lịch hài hòa với thiên nhiên là du lịch bền vững.

So với các tỉnh Đông Bắc, du lịch Bắc Kạn xuất phát chậm hơn nhưng theo nhận định của ông Vũ Thế Bình (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam), Bắc Kạn có thể sẽ tạo "cú hích" cho du lịch vùng Đông Bắc nếu như khai thác tài nguyên thiên nhiên, di sản đúng cách và đúng hướng. Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Hiệp hội Du lịch - đây được xem là bước đi cần thiết trong việc phát triển du lịch Bắc Kạn chuyên nghiệp, bài bản hơn.

“Ở khu du lịch Ba Bể, việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc rất tốt. Vừa là để gìn giữ, phát triển văn hóa lại gắn với nâng cao thu nhập của người dân. Ở đây yếu tố con người, đặc biệt là người dân bản địa sẽ là chủ thể, họ là người lưu giữ, truyền dạy và phát huy nét văn hóa tốt nhất, bởi chỉ người dân vùng ấy họ mới am hiểu nét văn hóa bản địa, họ tham gia tích cực thì mới mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Hoàng Ngọc Thấm - Giám đốc Ban Quản lý du lịch hồ Ba Bể đánh giá.

Bùi Ái Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh