Bắc Kạn: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách tạo việc làm
- Bài thuốc hay
- 12:16 - 11/10/2023
Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Nghĩa Tá, ở thôn Bản Bằng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) là một điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Từ cây trà hoa vàng - một cây trồng có giá trị cao của địa phương hiện nay, HTX đã làm ra nhiều sản phẩm để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, HTX còn có các sản phẩm măng nứa sấy khô và ươm giống trà hoa vàng phục vụ bà con mở rộng diện tích.
Bà Dương Khánh Ly - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nghĩa Tá cho biết: “HTX thành lập vào năm 2021. Lúc đầu, HTX vừa làm vừa nghe ngóng thị trường, nhưng sau thấy sản phẩm được thị trường đón nhận. Năm 2022, chúng tôi đã làm đơn xin vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Chợ Đồn để đầu tư giống cây mở rộng nguồn nguyên liệu và mua thêm máy móc. Doanh thu của HTX trong năm 2022 vừa qua đạt 500 triệu đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động và gần 10 lao động thời vụ. Với sản phẩm sạch, chất lượng nên sản phẩm trà hoa vàng của HTX Nghĩa Tá đã được công nhận OCOP 3 sao năm 2022”.
Anh Triệu Đình Mặt ở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn cho biết, gia đình anh có xưởng mộc, trước đây công việc khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, phải dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Được vay 100 triệu đồng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, tới đây, gia đình sẽ đầu tư để khôi phục sản xuất nhằm tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho các lao động khác tại xưởng trước đó đã phải nghỉ do dịch bệnh.
Bà Bùi Thị Lập, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn tổ 5, phường Phùng Chí Kiên cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi được giải ngân, bảo đảm cung ứng kịp hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ thật sự là chính sách an sinh xã hội giúp người dân gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ nguồn vốn này đã tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, hướng đến nâng cao thu nhập.
Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 được quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với các chương trình cho vay thường xuyên khác, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã tập trung triển khai giải ngân nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho các đối tượng.
Đề cập đến hiệu quả của nguồn vốn tính dụng chính sách, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 326.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động; hỗ trợ gần 4.000 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài;
Ông Hoàng Đình Nhuận - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, Từ đầu năm 2022 đến nay, chi nhánh đã triển khai cho vay được 1.403 tỷ đồng, với 25.678 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo để tạo sinh kế, phát triển sản xuất kinh doanh là 403 tỷ đồng, với 6.794 hộ vay vốn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây mới, sửa chữa nhà để ở là 20,3 tỷ đồng, với 508 hộ vay vốn.
Để mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động trong thời gian tới, chi nhánh NHCCSXH tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất tăng thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Trung ương, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn cho vay. Bên cạnh đó NHCSXH tỉnh sẽ chủ động phối hợp với UBND các xã, huyện, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội khảo sát các mô hình kinh tế có hiệu quả tiếp tục đầu tư cho người dân mở rộng sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ theo đúng quy định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Cùng với đó là chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.