Bắc Kạn: Mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động
- Bài thuốc hay
- 16:20 - 25/02/2019
Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điển hình như: Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn; Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn; Trường Trung cấp Y tế Bắc Kạn; 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Để tạo việc làm ổn định cho thanh niên người dân tộc thiểu số vùng nông thôn, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điển hình như mô hình đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn.
Nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo với các giải pháp đầu tư nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề; cải tiến chương trình, giáo trình đào tạo; chú trọng việc phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm sau học nghề cho học sinh. Qua đó tạo điều kiện cho học sinh sinh viên có môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường.
Mặt khác, thông qua việc phối hợp đào tạo, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chất lượng đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn cũng từng bước được khẳng định khi ngày càng nhiều học sinh đăng ký học nghề ngay từ bậc THCS. Sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người dân về việc học nghề sau khi tốt nghiệp THPT cũng đã tác động trực tiếp đến kết quả tuyển sinh của trường.
Hiện nay đang có rất nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp liên hệ với Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc Nội trú Bắc Kạn để tuyển dụng lao động sau đào tạo với số lượng lớn và nhiều ưu đãi như Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Giang, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Cơ khí kết cấu thép Sóc Sơn…
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo điều tra, khảo sát từ nhu cầu học nghề của người lao động đến năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, kinh doanh để xây dựng đề án dạy nghề sát thực tế.
Cụ thể, tỉnh đã xây dựng mới 27 chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, chú trọng nghề phù hợp với trình độ, khả năng, thế mạnh của người dân và địa phương; quan tâm tới các đối tượng chính sách, khuyết tật. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã đào tạo nghề cho 24.711 người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo; 2.754 hộ cận nghèo và 128 người khuyết tật hầu hết đều có việc làm ổn định sau tốt nghiệp.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 20.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết thêm 5.000 việc làm. Theo đó, nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2020, kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 3,5%. Tỉnh cũng tổ chức tư vấn việc làm cho trên 14.000 người, trong đó hơn 40% số người được tư vấn tìm được việc làm. Ngoài ra tỉnh cũng đầu tư hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển thị trường lao động chung của cả nước.