THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:24

Bắc Giang: Thực hiện hiệu quả giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giữ chân người lao động

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 7.105 doanh nghiệp đang hoạt động (doanh nghiệp nhà nước 12 doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước 6.097 doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 440 doanh nghiệp), sử dụng 305 nghìn lao động, trong đó ở các khu công nghiệp sử dụng trên 192 nghìn lao động, ngoài khu công nghiệp sử dụng gần 113 nghìn lao động.

Làn sóng thứ tư dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến việc làm và đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Để hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, Liên đoàn Lao động các cấp đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ, cụ thể như sau: Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức đi thăm, động viên cán bộ y tế, các cơ sở y tế tuyến đầu điều trị, tham gia phòng chống dịch, các chốt kiểm soát dịch bệnh và các khu cách ly tập trung ở các địa phương; tổ chức cứu trợ khẩn cấp… Bên cạnh đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất tuyển dụng lao động để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt do phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh quyết định mở cửa trở lại các khu công nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do chưa đón đủ số công nhân đến làm việc theo nhu cầu. Nguyên nhân thiếu hụt lao động là do nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động ngoại tỉnh, trong khi đó số lao động này đã trở về địa phương cư trú. Hơn nữa, tâm lý e ngại của người lao động khi quay trở lại làm việc lại lo sợ lây nhiễm dịch bệnh nên gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính vì vậy, để thu hút lao động, hạn chế những bất cập đã được lường trước, ngay trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên tiêm phòng cho 100% công nhân có mặt tại khu công nghiệp và đang lưu trú tại các địa phương của tỉnh để công nhân yên tâm đi làm. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND  về việc phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định cụ thể các nội dung về điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động như thành lập Tổ an toàn COVID-19, định kỳ xét nghiệm cho người lao động, yêu cầu người lao động phải tiêm vaccine phòng COVID-19, ban hành điều kiện tuyển dụng công nhân mới… “ Tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho người lao động trên địa bàn nắm được. Tổng hợp nhu cầu tìm việc làm của người lao động và định kỳ thứ năm hằng tuần cung cấp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm. Doanh nghiệp tuyển lao động theo thứ tự ưu tiên sẽ tuyển lao động đang ở các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh; tuyển lao động trong tỉnh; tuyển lao động ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng còn lập nhóm zalo của người Bắc Giang đang làm việc tại các tỉnh, thành phố để mời gọi về làm việc tại tỉnh” ông Mai Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mai Sơn, điều này đã tạo ra sự gắn bó giữa tỉnh với công nhân lao động và mang tính bền vững (vì công nhân ăn nghỉ ngay tại chính nhà, quê hương của họ…). Các tỉnh, thành khác không phải lo vấn đề hậu cần, an sinh xã hội khi công nhân quay trở lại để làm việc. Đây là điểm thu hút lao động của Bắc Giang mà tỉnh đã tính toán và đã làm rất hiệu quả vấn đề này. “Khi lao động các tỉnh ngoài chưa về Bắc Giang thì lực lượng lao động của Bắc Giang đã bù đắp vào số lượng này rồi, số lao động tăng trước dịch là hơn 36 nghìn lao động, Bắc Giang không bị thiếu lao động trầm trọng mà còn tăng hơn so với trước dịch. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng khuyến khích doanh nghiệp nâng cao mức lương, thưởng và các chế độ phúc lợi đối với người lao động nhằm giúp người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm trong sản xuất khi quay trở lại làm việc sau dịch. Đồng thời hỗ trợ giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung (thuê trọ) cho người lao động (cụ thể là chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc rà soát các nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp)”, ông Sơn cho biết thêm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, để thực hiện phòng chống dịch, nhất là ngăn không để dịch lan rộng, ngày 18/5 tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp, thực hiện cách ly y tế huyện Việt Yên, huyện Yên Dũng và vận động gần 70.000 lao động ngoài tỉnh ở lại tại địa bàn, không tự di chuyển về quê. Đồng thời ngay khi đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2330/KH-UBND ngày 21/5/2021 để chỉ đạo triển khai thực hiện việc hỗ trợ đời sống cho những lao động ngoài tỉnh ở lại trong các khu vực cách ly y tế.

 “Chỉ một tuần sau khi tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ngày 25/5/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép - vừa giúp doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại, vừa giúp người lao động đảm bảo công ăn việc làm, sớm trở lại làm việc”, ông Cơi cho biết thêm.

Có một hoạt động khá đặc biệt mà Bắc Giang tiến hành trong thời gian này là tổ chức đưa hơn 25.000 lao động ngoài tỉnh tạm thời về quê. “Khi đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với 23 tỉnh, thành tổ chức đưa 25.000 lao động ngoài tỉnh diện đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần tạm thời trở về quê đảm bảo an toàn trên mọi phương diện. Việc này để tạo điều kiện rà soát, sắp xếp lại các nhà trọ theo mô hình an toàn phòng dịch, giúp lao động đảm bảo an toàn và giảm bớt khó khăn trong thời gian chờ doanh nghiệp gọi đi làm trở lại” – ông Cơi chia sẻ.

Những nỗ lực của Bắc Giang đã đem lại kết quả ấn tượng. Đến nay, tất cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều đã hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp đã tăng quy mô, sản lượng sản xuất. Tỉnh cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng mới hơn 64.000 lao động. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh tăng hơn 40.000 lao động, riêng các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tăng hơn 30.000 lao động so với thời điểm trước dịch.

Cũng trong thời gian dịch bùng phát, Bắc Giang tổ chức 3 đợt đón gần 2.000 công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê. Những lao động trong số này cùng với lao động người Bắc Giang làm việc ở tỉnh ngoài có nguyện vọng trở về làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để có việc làm, ổn định cuộc sống.

M.V
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh