CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:25

Bà vể từ thủa dấu thương!

 

Đồng ruộng Thạch Tân vào mùa gặt mới 

 

Bà nội mất năm tôi mới lên lớp 3. Ấy là vào một buổi sáng mùa đông bầu trời nơi sơ tán như chiếc dù khổng lồ xám xịt một màu chì, mưa lấp xấp buồn, gió lạnh buốt như những chiếc kim xuyên qua từng gốc rạ dưới những thửa ruộng vừa gặt xong thưa thớt vũng chân trâu, chân bò. Có vẻ như tất cả cánh đồng quê này chẳng còn mặn mà gì nữa tới vụ cấy cày sắp tới, bởi vụ trước sâu keo từ đâu sôi lên như ma quỉ ngoài đồng thi nhau gặm nhấm mùa màng cho tan tành tơi tả, đến nỗi không còn lấy nổi một hạt thóc để làm giống!

Đang trong tiết học giữa giờ, tôi bỗng được cô giáo chủ nhiệm tới vỗ vai bảo: Em về nhà gấp, bà nội em sắp mất, gia đình vừa có người lên ban giám hiệu xin phép cho em được về.

Thực tình, lúc đó tôi chưa hình dung ra cái chết của bà nội, nhưng trong gan ruột cứ cảm thấy bồn chồn thế nào ấy! Tôi vội mang cặp, xắn quần, tháo dép xách lên, rồi một mạch bước nhanh về nhà. Vừa tới đầu ngõ, tôi gặp mự Thọ - vợ ông chú ruột đang ngồi bệt dưới bờ rào dứa dại đã chết úa lúc nào, những chiếc lá gai răng cưa yếu ớt rũ xuống cồn đất đầy bất lực càng khiến cho hình ảnh mự tôi thêm thảm đạm!   

Trên chiếc giường tre thường ngày của bà được trải thêm tấm chiếu cói mới, bà nằm đó đắp tấm chăn chiên Nam Định màu bã trầu như đang ngủ thiếp sau những đêm dài thức trắng, bởi canh chừng máy bay bên chiếc đèn Hoa Kỳ leo lét ngọn lửa hạt đậu dưới hầm chữ A cho con cháu bình yên. Nếu như thỉnh thoảng không có tiếng gào lên thảm thiết của các mự thì có lẽ làng xã chẳng ai biết được bà qua đời. Không những vậy, từ khi tắt thở cho đến khi được chôn cất xong đâu đó, đám đình của bà cũng chỉ diễn ra một cách lặng lẽ, không kèn trống ồn ào, không mã vàng hương khói nghi nghút như đám ma thời nay.

Lý do là thời điểm đó cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đang diễn ra vô cùng ác liệt. Hơn nữa, chính quyền địa phương xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà nơi gia đình tôi sơ tán là địa phương đang quyết tâm phấn đấu giữ vững lá cờ đầu trong phong trào “nếp sống mới” của cả tỉnh và trong tốp đầu của toàn miền Bắc, mà nhiều năm liên tục xã đạt được. Vì vậy, khi biết tin bà tôi mất, mấy ông cán bộ xã đến tận nhà đề nghị gia đình không được tổ chức ma chay linh đình, ăn uống tụ tập đông người làm ảnh hưởng đến phong trào chung của xã. Không những thế, nơi đông người còn vô tình gây mục tiêu nghi vấn cho máy bay giặc ném bom, bắn rốc két.

Bố tôi là anh cả trong gia đình, ông vừa là cán bộ công tác tại Ty Văn hóa tỉnh phụ trách mảng tuyên truyền về “nếp sống mới”. Vả lại, trong lúc cả gia đình họ hàng nhà tôi lại đang ăn nhờ, ở cậy trên đất người ta nên ông không muốn liên lụy đến họ. Đặc biệt, ngộ nhỡ trong lúc ma chay đám đình không may bị máy bay đánh bom xuống địa bàn xã, chưa nói đến việc có người chết hay bị thương thì biết ăn nói ra làm sao!  Bởi vậy, bố tôi quán triệt với các ông chú và họ hàng thân tộc là chỉ lo đám của bà đúng thủ tục một cách đơn giản nhất là được.

Sau khi bàn bạc thống nhất xong, bố tôi lật đật đạp chiếc xe đạp thống nhất về quê nhà tại phố Thành Đông, thị xã Hà Tĩnh (nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) cách đó hơn 5 km để thông báo tin buồn cho làng xóm, đồng thời tìm gặp bác Phác, người từng chôn cất ông nội tôi 9 năm trước đó lên giúp đỡ.

Khu phố Thành Đông ngày ấy thật hoang tàn điêu bái như bao phố phường khác ở miền Bắc, bởi không khí chiến tranh! Ngoài một số ít  gia đình vì những lí do khác nhau, trong đó có hộ gia đình bác Phác không đi sơ tán không phải họ chống lại chủ trương; và cũng không phải trong nhà họ có của chìm, của nổi gì cho cam mà đi vắng sợ ở nhà bị người ta lấy trộm hết.

Thực tế, ở Thành Đông hồi đó hầu như nhà nào cũng nghèo, thậm chí có nhà nghèo đến nỗi không sắm nổi cái túi xéo, tay nải, hay bao tượng. Và nếu có cũng lấy đâu ra chăn gối mùng màn, quần áo lành lặn, tiền bạc, gạo khoai… mà đựng vào để chạy loạn. Vô hình dung, điều đó cũng trở thành một trong những nguyên nhân khiến họ không dám đi sơ tán.

Riêng nhà bác Phác nghèo đã đành, nhưng đó chưa phải là lý do chính. Bác Phác chỉ suy nghĩ một điều hết sức đơn giản: Bác là người duy nhất làm nghề chôn ma ở thị xã Hà Tĩnh, nếu đi sơ tán thì khi động sự bà con thị xã có ai chết, người nhà họ biết tìm bác ở đâu mà cậy với nhờ. Đúng vậy, trong bối cảnh đó người dân thị xã Hà Tĩnh chẳng khác nào một tổ ong bị xông khói li loạn khắp nơi! Ngay cả việc sơ tán cũng mạnh ai nấy chạy chứ có được đi tập trung một nơi một chốn đâu, nên khi cần thiết bà con rất khó có thể thông tin được cho nhau.

Nhận lời bố tôi, tối đó bác Phác đạp chiếc xe thồ chở theo một chiếc xẻng, một chiếc cuốc vót, và đeo thêm một túi vải màu nâu nhỏ bằng cuốn vở học sinh trước ghi đông lên nhà tôi đúng hẹn để lo ma chay cho bà.  Vừa tới nơi, bác lập tức gọi mự Thọ đưa ra một cút rượu và một mắm hành thun (còn gọi là hành hoa hay hành tăm, loại hành này chỉ có ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ). Tối ấy, trời mưa ngập con đường Sông Nước từ thị xã Hà Tĩnh đi Thạch Tân, bầu trời sậm sịch không một vì sao, cửa nhà hiu hắt không bói đâu ra nổi một đốm lửa đèn dầu!

Có lẽ do vội để quyên cả áo mưa nón lá, nên mặc cho người ướt từ chân lên tận đầu bác Phác cứ thản nhiên ngửa cổ uống một hơi cạn hết cút rượu. Uống xong bác xoa nắm hành thun vào lòng bàn tay và thổi vỏ bay vù vù, rồi hất cả vào miệng nhai cái rụp, coi như giải quyết xong bài thuốc phòng cảm lạnh. Tiếp đến, bác móc trong túi vải ra một cục nến đất to bằng cái chén tống đặt xuống giữa nhà đốt lên xông hơi người chết, đồng thời bác gọi mự Thọ đun một nồi nước lá thơm hòa với bột ngũ vị để tự tay bác tắm rửa cho bà.

Các thủ tục khâm liệm, nhập quan, phát tang … tối hôm ấy, cũng như đào huyệt chôn cất bà vào chiều hôm sau đều do bác Phác làm một cách nhanh gọn, ngoài việc gánh nhà ma ra nghĩa trang Chùa Thiều do một số bà con trong làng thay vai nhau giúp đỡ. Trước đó, khi biết tin bà tôi vừa tắt thở bà con trong làng, người cây tre, người bó lá đùng đình (lá ngụy trang) cũng đã tự nguyện mang đến nhà tôi làm tạm mái che trước sân theo tập tục “kỵ lộ thiên” đối với người chết của người dân ở đây, đồng thời tránh được sự chú ý không cần thiết của máy bay địch.

Đám bà nội chỉ có khoảng năm, sáu mươi người tham gia. Và mặc dù cung đường ra nghĩa trang dài hơn 02 km, nhưng đám đi không dừng nghỉ dọc đường. Ngược lại, họ đi nhanh và đi không tập trung mà kéo dãn ra thành hàng dài vì phòng có máy bay. Trong đám bà ngày ấy, tôi nhớ nhất anh Phan Hào với hình ảnh dọc đường anh  cứ lẩm bẩm gì đó, rồi thỉnh thoảng lại phá lên cười một mình! Vậy  nhưng, hễ ai đi không đúng hàng, không giữ đúng khoảng cánh, lập tức bị anh nhắc nhở ngay.

Hồi ấy, anh Hào khoảng 30 tuổi có dáng thấp đậm; anh bận một bộ đồ lính vải tô châu đã sờn màu, chân đi dép cao su, đầu đội mũ cứng như vừa từ chiến trường về quê nghỉ phép. Nghe đâu, anh bị  tâm thần do di chứng của vết thương chiến tranh mà anh gặp phải trong một trận đánh sinh tử tại chiến trường B (miền Nam). Bị tâm thần, nhưng anh Hào chẳng bao giờ phá phách, đánh đập chửi bới ai. Ngược lại, rất lạ là hễ biết được thông tin nhà ai có người chết, dù làng ở trên xóm dưới và trời nắng mưa, gió bão…anh đều đến giúp đỡ chu đáo mà chẳng hề lấy của ai một đồng, uống một chén rượu, hay ăn một bữa cơm bao giờ.

Với sự giúp đỡ của bác Phác, của anh Phan Hào và những người khác ở vùng sơ tán trong hoàn cảnh chiến tranh buổi ấy, tôi cảm thấy đám ma của bà nội như thế coi như cũng hoàn mãn lắm rồi. Và có lẽ dưới suối vàng bà cũng thầm cám ơn tất cả họ! Chính họ đã cho bà có được mồ yên, mả đẹp, để bà thanh thản trở về với ông nội và tổ tông thất tổ cửu huyền; cùng với đó là bà được hoan hỷ nơi ngàn lau chín suối mà phù hộ độ trì cho con, cháu muôn sự bình an!

Có một sự kiện mà tôi luôn đinh ninh rằng: Nếu như không có sự can thiệp của  bà thì có lẽ cả nhà tôi đã không có dịp sống sót sau cuộc chiến tranh ấy nữa. Đó là đúng vào dịp lễ Thất tuần của bà bỗng xuất hiện một đàn máy bay phản lực từ đâu kéo đến vây kín trời Thạch Tân, bất ngờ chúng bổ nhào xuống khu vực quanh nhà tôi thi nhau ném bom tới tấp. Tiếp đến là những tiếng nổ kinh hoàng như xé rách hai màng nhĩ!

Mặc dù không có thương vong về người, ngoài con bò cái của bà chắt Thông ở trong xóm bị chết lòi ruột trong tư thế nó còn nằm gặm rơm khô trệu trạo bên góc chuồng. Nhưng ngay sau khi sự kiện xảy ra, lực lượng dân quân và đội cứu thương xã lập tức có mặt tại hiện trường, và không ai trong họ có thể tin nổi vào mắt mình khi phát hiện thấy 12 quả bom nổ chậm, trong đó có 2 quả nằm lòi đuôi chong chóng lên trời vây quanh chiếc hầm chữ A của gia đình tôi trú ẩn, với bán kính chưa đầy 15 mét. Những điểm có bom nổ chậm nhanh chóng được họ cắm cờ hiệu làm dấu chờ công binh đến tháo gỡ, đồng thời họ yêu cầu cả nhà tôi sơ tán gấp đến nơi khác, chờ lúc nào có lệnh mới được quay trở lại.

 

Nghĩa trang Chùa Thiều, nơi yên nghỉ của bà tôi

 

Đã gần nửa thế kỷ vụt đi như chiếc bóng câu qua cửa sổ đời người, tôi không thể nhớ hết những câu chuyện liên quan đến cái sống, cái chết và bao mối hiểm nguy rình rập quanh mình. Và mỗi lúc đứng trước những hoàn cảnh như thế, tôi luôn đinh ninh như có bà nội đứng bên cạnh che chở vỗ về! Đặc biệt, càng không hiểu sao trước khi chưa cất bốc quy tập mồ mả chi tộc về một nơi, mộ bà cứ càng ngày càng phát?; không hiểu sao cứ đến ngày giỗ bà bao giờ cũng thấy trên trời xuất hiện một đám mây màu chì to như chiếc nống lớn kéo về che chắn cả phần mộ bà?... Dĩ nhiên, tất cả những hiện tượng đó luôn mách bảo cho tôi biết cần phải làm gì.

Nhớ lại ngày bà mất, cũng là ngày mẹ tôi vừa sinh đứa em út còn non tháng non ngày. Thương bà, mẹ đành gạt nước mắt, quấn chiếc khăn đay trùm kín mặt, đội nón, mang chiếc xéo tã lót, bồng em sang ở nhờ nhà bà chắt Thông. Trước khi bồng em ra đi, mẹ kéo tôi ra sau bụi chuối khô cuối vườn dặn: Từ nay, con tuyệt đối không được nói bất cứ câu nào liên quan đến chữ “đôi”, bởi “đôi” là tên cúng cơm của bà.

Giờ thì mẹ cũng đã vãng sanh về miền từ bi hỷ xả, nhưng dường như thi thoảng tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời dặn của mẹ! Trước vong linh mẹ, tôi cảm thấy mình vẫn mãi chỉ là đứa trẻ ham chơi để đành phải suốt đời trở thành kẻ bội lòng thất hứa. Vì rằng: Thời sơ tán tôi rất nghiện trò chơi đánh đáo. Nhất là vào những dịp tết sẵn tiền mừng tuổi, tôi chơi đến quyên đêm quyên ngày! Trò chơi này thường xuyên dùng đến chữ “đôi” đầu cửa miệng. Bởi khi rải những đồng tiền xu xuống đất đứa nào cũng cố tình rải làm sao cho hai đồng tiền xu được kết lại với nhau, gọi là “đôi”. Có thể một lúc rải được một đôi, hai đôi, hay ba đôi… càng nhiều đôi càng nắm chắc phần thắng, trong lúc công việc còn lại là chỉ cần dùng cục chì ném xuống đôi đồng xu cho văng ra, hoặc kềm chặt vào đôi là ăn tiền.

Chơi trò đánh đáo không phức tạp, nhưng lợi thế luôn dành cho đứa nào có khả năng quan sát và tính toán nhanh; cần rải đồng xu kiểu nào?; sử dụng hòn chì ném theo cách sấp ngửa, vênh nghiêng, bâm cạnh ra làm sao?.. nói tóm lại, đây là một trò chơi luôn tạo ra cảm giác hồi hộp và có sức lôi cuốn đến lạ lùng! Có lẽ cũng bởi trò chơi đánh đáo, mà tôi và nhiều đứa bạn bè cùng trang lứa đã bước qua cuộc chiến tranh chống Mỹ như không hề có cuộc chiến tranh xảy ra!

Thời gian như “chớp bể mưa nguồn”. Lại một mùa đông vần vụ trở về giữa vòng thiên lý. Có ai hay, những đám mây màu chì lững lờ trôi báo hiệu ngày giỗ bà sắp đến nữa rồi! Bao giờ cũng vậy, mỗi khi đứng trước hương án bàn thờ bà dường như tôi cảm thấy mình vẫn còn đó cả bến bãi tuổi thơ, để được rúc vào miền thương dặm nhớ mà quyên đi bao âu lo nần nợ kiếp người!

Ấy thế mà, chân trời tuổi tác ngày càng hối thúc tôi phải tìm cho bằng được quê hương gốc gác của bà, hy vọng được gặp các cô chú, cụ, dì… bà con thân thích của bà để đoàn viên sum ngộ. Hoặc ít nhất tìm được mồ mả cha mẹ, ruột rà, nhà thờ họ tộc của bà để vẹn miền hương khói. Nhưng đến nay, mọi nỗ lực của tôi vẫn dường như vô vọng! Tôi không có quyền trách cứ chiến tranh, nghèo đói, hay bất cứ ai… nhưng lẽ ra bà tôi không đáng phải trả giá quá đắt trước những hoàn cảnh như thế. Bởi bà tôi chỉ biết lầm lũi kiếp đời làm trọn bổn phận của một người con dâu, người vợ, người mẹ và người bà như bao thôn nữ khác ở quê bà mà thôi! 

Bà tôi người họ Võ ở làng Quảng Khuyến xã Thiên Lộc, nay thuộc xã Vượng Lộc huyện Can Lộc- Hà Tĩnh. Đó là một vùng biệt triện mang đậm nét văn hóa Hồng Lam, được hình thành từ năm Kỷ Sửu (1469). Trải qua bao cơn tố lốc lịch sử diễn ra trên mạch đất này, đặc biệt vào khoảng thời gian từ năm 1927-1930, sau khi lấy ông nội tôi theo về làm dâu ở thị xã Hà Tĩnh, bọn quan lại cường hào ở Quảng Khuyến thi nhau áp bức bóc lột, bao chiếm lũng đoạn ruộng đất của nông dân, đẩy người nghèo phải lâm vào cảnh “ăn cơm vay cày ruộng rẽ” cho chúng. Cũng chính thời kỳ này Quảng Khuyến xuất hiện tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng và các tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Tĩnh, mà đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931 đã  làm xáo trộn tất cả những mối quan hệ làng xã trước đó, và tạo nên những bước ngoặt mới.

Mặc dù bà bị mồ côi cả bố lẫn mẹ từ nhỏ, anh, chị em ruột thịt đạp đầu nhau cũng chẳng còn ai, nhưng lúc nào bà cũng đau đáu về nơi chôn rau cắt rốn của mình!  Đặc biệt, ở đó còn có một người dì ruột đã nuôi dạy bà lớn khôn và tin cậy gả bán bà cho ông nội tôi.  Có lẽ sợ mang tiếng lấy chồng làm quan Tây (hồi đó ông nội tôi làm cai lục lộ cho Sở Lục lộ của Pháp tại Hà Tĩnh, đồng thời làm lý trưởng ở phố Tả Môn, thị xã Hà Tĩnh) nên bà không muốn liên lạc với họ hàng ở quê; hoặc họ hàng ở quê không muốn liên lạc với bà, sợ liên lụy đến nhau.

Cứ như thế, cho đến năm 1945 sau khi đất nước giành độc lập, tiếp đến là những cơn bão táp của cuộc kháng chiến Pháp, cải cách ruộng đất, chiến tranh chống Mỹ đầy chết chóc bi thương!... Bà lại càng thu mình trước kiếp phận nổi trôi theo chồng con cho tới lúc nhắm mắt buông tay, mà chưa một lần được trở về thăm quê cha đất tổ.

Ngót nghét 70 năm xuất hiện trên thế gian không ngắn, cũng không thể nói dài. Vậy nhưng, cuộc đời bà tôi đã giành hết tất cả mọi sự chịu đựng trọn vẹn trong trường đoạn thế kỷ XX đầy những cơn va đập khủng khiếp mà bà vẫn coi như không hay hề biết những gì đã xảy ra.

Dẫu chưa tìm được thân thích trong dòng tộc họ Võ của bà, nhưng tôi luôn có một đức tin rằng: Dưới suối vàng bà tôi đã tìm gặp lại được cha mẹ, họ hàng và người dì ruột yêu quý nhất của bà! Không những vậy, bà vẫn còn cả một quê hương thứ hai đầy yêu dấu. Đó là làng sơ tán Thạch Tân, nơi bà đã dắt cả đại gia đình lên ăn nhờ ở cậy suốt hơn 10 năm trời và nhận được sự chở che, đùm bọc của bà con cũng những như thần thiêng bản địa ở đây đã cưu mang cho bà cùng tất cả mọi thành viên con cháu, không hề mảy may dính phải một vết thương dù nhỏ nhất do bom đạn gây nên!

Cũng có lẽ vì quá nặng nợ với mảnh đất này mà bà đã âm thầm trút hơi thở cuối cùng xuống đó, trước khi kết thúc chiến tranh. Và không hiểu trước lúc đào huyệt cho bà, bác Phác có biết được điều đó hay không mà bác đã đặt đầu bà kê vào núi Nhật Lệ, ngọn núi nằm phía mặt trời lặn ở quê hương Thạch Tân ngước lên; Chân duỗi về Ngàn Hống phía mặt trời mọc ở quê hương Quảng Khuyến ngước xuống.

Về lại với quê hương thứ hai của bà bây giờ mọi thứ đã đổi thay đến không ngờ. Con đường Sông Nước được bê tông hóa thẳng băng như chiếc thước kẻ khổng lồ; nhà cửa, hàng quán mọc lên san sát dọc hai bên như phố phường; nghĩa trang Chùa Thiều nơi bà yên vị khói hương cũng chẳng khác nào cả một thành phố của người chết!

Đặc biệt, Thạch Tân là một trong những địa phương đầu tiên của cả tỉnh cắn đích đầu tiên trong phong trào xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên. Nổi bật các phong trào văn hóa, văn nghệ, nếp sống văn minh tình làng nghĩa xóm được phát huy mạnh mẽ… Những thành tựu mà Thạch Tân có được hôm nay là niềm vui, niềm tự hào của bao thế hệ, trong đó có những người  đến từ khắp mọi miền đã từng hội về nơi đây sơ tán, và tất cả đều coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

Thời gian cứ lạnh lùng gặm nhấm thời gian, vậy nhưng không hiểu sao lòng tôi bao giờ cũng bồi hồi nhung nhớ về cái thuở đạn bom, đói nghèo vất vả và hạn hán mất mùa… gắn với tuổi thơ của tôi nơi quê hương Thạch Tân nặng trĩu ân tình!  Tôi nhớ bao khuôn mặt thân quen, bao khóm tre, bụi chuối… chao ôi là nhớ!.

Và giá như, ông trời chỉ cho một điều ước duy nhất vào lúc này, thì tôi xin ước được cúi đầu nhặt lấy những đôi đồng xu từ thủa chơi trò đánh đáo để chuộc lỗi với bà! 

 

Đồng ruộng Thạch Tân sau mùa gặt mới

Nguyễn Ngọc Vượng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh