CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Ba năm ở thuê không mất tiền, chàng trai mua nhà 650 triệu

 

Sinh năm 1990, quê ở Vĩnh Phúc, Nguyễn Tuấn Thành tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân năm 2012. Sau đó, chàng trai 9X này may mắn được nhận vào làm tại trung tâm thẻ của một ngân hàng lớn trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), với mức lương 15 triệu đồng/tháng chưa tính phụ cấp. Kể từ đó, Thành bắt đầu lên kế hoạch tự lực mua nhà Hà Nội mà không cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ, cũng như không muốn vay mượn.

Thế nhưng, với mức lương ngày đó của cậu, nếu trừ tiền ăn tiêu, tiền trọ thì chỉ còn được một nửa. Trong khi để mua được nhà, Thành phải tiết kiệm ít nhất trong vòng 4-5 năm.

Bàn đi tính lại, Thành lên kế hoạch đi ở trọ không mất một đồng xu. Cậu quyết định bỏ ra một tháng lương, tìm thuê một nhà 2 tầng 1 tum ngay đằng sau khu đô thị Đại Thanh với giá 3 triệu đồng/tháng, phải đặt cọc 3 tháng hết 9 triệu đồng.

Với diện tích căn nhà 50m2. Tầng 1 chia ra 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 1 nhà vệ sinh, chỗ để xe máy. Tầng 2 chia làm 2 phòng ngủ, mỗi phòng 20m2. Trên tầng 3, chỉ có một phòng tum 12m2. Diện tích còn lại là sân thượng để phơi quần áo hoặc có thể sử dụng trồng rau quả tùy thích.

tiết kiệm, ở trọ không tốn tiền, 3 năm tiết kiệm đủ tiền mua nhà, kế hoạch tiết kiệm tiền mua nhà, bí quyết ở trọ không mất tiền, 9X tiết kiệm tiền
Sau 3 năm thực hiện kế hoạch ở trọ không mất tiền, chàng trai 9X đã mua được nhà chung cư ở Hà Nội (ảnh minh họa)

“Mình cho thuê 2 phòng ở tầng 2 với giá 1,5 triệu/tháng. Tính ra, mỗi tháng mình thu được 3 triệu đồng bằng với số tiền mình thuê cả căn nhà, coi như mình không mất đồng nào. Còn tiền điện nước hàng tháng cộng lại chia đều”, Thành cho biết.

Thành công với kế hoạch ở trọ không mất tiền nên phần lớn tiền lương thưởng cậu có thể tiết kiệm, bắt đầu lên kế hoạch mua nhà cho mình.

Với lương tháng của cậu là 15 triệu. Thành gửi tiết kiệm 11 triệu, 4 triệu còn lại để chi tiêu sinh hoạt. Trong đó, tiền ăn ngày 2 bữa hết 70.000 đồng chủ yếu là bún, phở, cơm hộp còn buổi sáng không ăn vì sợ béo. Tính ra tháng hết 2,1 triệu. Tiền xăng xe, điện thoại, internet, bột giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng,... hết 900.000 đồng/tháng; tụ tập bạn bè cà phê, ăn nhậu, tiêu vặt,... hết 1 triệu đồng/tháng.

Riêng hai khoản 900.000 đồng và 1 triệu đồng để chi tiêu cho mấy khoản lặt vặt ở trên, nếu không hết Thành chuyển sang tháng sau và ngược lại, nếu tiêu âm thì tháng sau đó lại phải tiêu tiết kiệm hơn để bù vào.

Tiền mua sắm quần áo, một năm chỉ mua 3-4 bộ để mặc đi chơi (vì đến ngân hàng đã có đồng phục cơ quan), và không mua đồ hiệu, chỉ là hàng Việt Nam xuất khẩu giá bình dân. Khoản chi này nằm trong danh sách tiền tiêu vặt 1 triệu.

Ngoài ra, Thành còn có thêm khoản phụ cấp ăn trưa, xăng xe gần 1 triệu đồng để bổ sung thêm vào chi tiêu. Chưa kể những 'mánh' làm thêm của dân ngân hàng Thành cũng kiếm thêm một khoản đáng kể. Tính ra, tháng cao nhất Thành cũng có gần 6 triệu chi tiêu.

Thành tâm sự, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch cậu thấy chi tiêu cũng khá eo hẹp, nhưng đến năm thứ 2 thì thoải mái hơn vì ngoài khoản tiền tiêu cố định hàng tháng 4 - 6 triệu, Thành còn khoản tiền lãi gửi ngân hàng. Số tiền này được bổ sung vào khoản tiền tiêu vặt, tiền hiếu hỉ, tiền đi lại về quê (đi xe máy), biếu bố mẹ... Số tiền lãi lúc đầu chỉ khoảng 800 ngàn, sau lên hơn 1 triệu.

“Mình chưa dám yêu đương, xác định khi nào có nhà mới nghĩ đến chuyện đó nên đỡ tốn khoản đưa bạn gái đi chơi, mua quà cho bạn gái,... ”, cậu nói.

Thành cũng tiết lộ, ngoài số tiền lương, tiền thưởng mỗi năm cậu cũng nhận được trên dưới 80 triệu đồng, tùy năm. Trong đó, Tết âm được 30 triệu, Tết dương thưởng 30 triệu. Hai ngày 30/4 và ngày 2/9 mỗi dịp được thưởng 10 triệu. Tính ra, trong vòng 3 năm, riêng khoản tiền thưởng Thành đã để ra được 240 triệu gửi tiết kiệm.

Cộng cả hai khoản lương thưởng, đến hết năm 2014 cậu có 600 triệu đồng.

Đến tháng 10/2014, Thành bắt đầu tìm mua nhà chung cư giá rẻ. Cũng may, cậu tìm mua được một căn hộ chung cư tầng 45 với diện tích rộng 49m2 ở một khu đô thị tại Hoàng Mai (Hà Nội) giá 650 triệu đồng sau khi hoàn thành tất cả các thủ tục sang nhượng.

Thành cho hay, thời điểm cậu mua, nhà mới xây thô và bắt đầu hoàn thiện. Cậu mua lại của một người khác, giá sát giá gốc, chỉ chênh khoảng 50 triệu đồng do chủ nhà cần bán gấp.

Tiền được trả làm hai giai đoạn, lúc ký giấy mua và lúc hoàn thành xong hết các thủ tục. Đến 2/2015, Thành được nhận nhà. Cậu chỉ phải vay thêm 70 triệu đồng. Đến tháng 5 năm ngoái, cậu đã trả hết nợ và bắt đầu mua sắm nội thất.

Sau hơn 3 năm nỗ lực tiết kiệm, với kế hoạch mua nhà bằng chính năng lực của mình, giờ Thành đã sở hữu một căn hộ khá khang trang, nội thất đầy đủ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh