CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) Bùi Đức Nhưỡng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) Bùi Đức Nhưỡng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động; bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam; đại diện các đối tác ba bên của dự án VZF Việt Nam; đại diện các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, công tác ATVSLĐ được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua việc ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các chương trình quốc gia về ATVSLĐ kéo dài từ năm 2006 đến nay do Chính phủ phát động.

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động thông tin, các chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là đã giải quyết được các vấn đề về môi trường làm việc, ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động. Tần suất tai nạn lao động chết người trung bình hàng năm giảm 5%, môi trường lao động ô nhiễm trung bình giảm 15% trong từng giai đoạn.

Phó Cục trưởng Bùi Đức Nhưỡng chia sẻ, bắt đầu từ năm 2015, Luật An toàn vệ sinh lao động tiếp tục mở rộng phạm vi quản lý sang khu vực không có quan hệ lao động, tập trung phòng ngừa, giải quyết những vấn đề về điều kiện lao động, tác hại của các yếu tố nguy hiểm, có hại và bảo vệ sức khỏe của người lao động trong khu vực này. Các tổ chức quốc tế cũng đã có nhiều hỗ trợ trong lĩnh vực ATVSLĐ, như sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế ILO trong chiến dịch phòng ngừa tai nạn lao động trong chuỗi cung ứng cà phê, giảm thiểu tai nạn lao động, cải thiện điều kiện làm việc trong đánh bắt thủy sản.Phó Cục trưởng Bùi Đức Nhưỡng hy vọng với sự tham dự của các đối tác ba bên, gồm có đại diện người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước, Hôi thảo sẽ tập trung thảo luận vào các mục tiêu giải quyết, đưa ra các chính sách tiếp tục nâng cao hiệu quả của dự án trong thời gian tới, đồng thời bàn về các giải pháp, hành động để mở rộng một cách hiệu quả hơn trong các ngành nghề khác.Phát biểu tại Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ, vừa qua, Lễ phát động tháng ATVSLĐ đã được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, cùng với đó là một chuỗi các sự kiện có liên quan diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nhằm thúc đẩy vấn đề ATVSLĐ, thúc đẩy quyền của người lao động được hưởng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.ILO đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam một cách tích cực về lĩnh vực ATVSLĐ, giúp nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là người lao động trong ngành nông nghiệp, khu vực lao động phi chính thức và các ngành khác trong giai đoạn hậu Covid.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Bà Ingrid Christensen cho biết, hiện nay, vấn đề ATVSLĐ đã được ILO đưa vào trở thành một trong năm nguyên tắc cơ bản của ILO. Vì vậy, ILO đang triển khai Dự án “Cải thiện an toàn và sức khỏe cho chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu” tại 30 quốc gia nhằm đạt được tầm nhìn không có tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng và gây tử vong trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.Giám đốc ILO Việt Nam hy vọng các đại biểu sẽ thảo luận một cách tích cực để không chỉ tiếp cận được những kiến thức mới về ATVSLĐ, mà còn có thể áp dụng những kiến thức này vào công việc hàng ngày, qua đó thiết kế ra những chương trình, chiến dịch truyền thông về ATVSLĐ một cách hiệu quả.Dưới sự điều hành của các đối tác ba bên, Hội thảo đã tập hợp các bên liên quan chính trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam để cùng nhau lên kế hoạch cho một chiến dịch thúc đẩy ATVSLĐ trong quá trình canh tác và chế biến cà phê, thông qua hành động tập thể. Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của các đại biểu tham gia về ATVSLĐ như một nền tảng mới để giúp người lao động trong lĩnh vực cà phê (đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất) thực hiện quyền của mình để có một nơi làm việc an toàn và lành mạnh.

Tại Hội thảo, các đối tác ba bên của ILO (Bộ LĐTBXH, VCCI chi nhánh Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã chia sẻ và thảo luận, trao đổi, đề xuất nhiều ý tưởng cho quá trình xây dựng các thông điệp chiến dịch và thiết kế các hoạt động chiến dịch. Các đại biểu đã chia sẻ về nhu cầu cụ thể của cơ quan mình đối với chiến dịch. Cùng với đó, các đại biểu cũng gợi ý cách thức mà các thông điệp chiến dịch có thể được phổ biến thông qua các kênh truyền thông của tổ chức mình.

Ông Massimiliano Leone, Chuyên gia cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách đến từ ITC ILO điều hành phần thảo luận tại Hội thảo

Ông Massimiliano Leone, Chuyên gia cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách đến từ ITC ILO điều hành phần thảo luận tại Hội thảo

Quỹ VZF của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tập hợp các bên liên quan trong khu vực công và tư để cùng nhau tiến tới đạt được tầm nhìn không có tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng và gây tử vong trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ năm 2018, Quỹ đã làm việc để cải thiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động trong chuỗi cung ứng cà phê. Các dự án được thực hiện tại Lào, Mexico, Colombia, Honduras và Việt Nam trực tiếp và gián tiếp mang lại lợi ích cho tổng số 3,5 triệu lao động.Quỹ này là một phần của chương trình An toàn và Sức khỏe cho Tất cả Mọi người của ILO. Thông qua dự án "Cải thiện an toàn và sức khỏe trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu” (do EU tài trợ), Quỹ VZF tập trung vào việc củng cố các bài học từ những dự án quốc gia và nâng tầm các bài học này lên cấp độ toàn cầu, từ đó mở rộng phạm vi và tác động của những hoạt động của Quỹ cho đến nay. Một hoạt động chính của dự án này là thiết kế và thực hiện một chiến dịch lớn quy mô toàn cầu, hợp tác với các đối tác chiến lược từ chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, để thúc đẩy ATVSLĐ như một nguyên tắc và quyền cơ bản trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Ngoài ra, chiến dịch nhằm mục đích tạo nên sự hiểu biết lớn hơn trên toàn cầu về điều kiện ATVSLĐ của người lao động ngành cà phê. Chiến dịch sẽ dựa trên bằng chứng về các mối nguy và rủi ro ATVSLĐ đã biết và trong ngành (bao gồm cả dữ liệu do Quỹ tạo ra) và thúc đẩy các tiêu chuẩn ILO có liên quan.Từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 3 năm 2023, một phái đoàn ba bên từ Việt Nam, bao gồm đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh HCM, BỘ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), đã tham gia hội thảo lập kế hoạch chiến dịch toàn cầu tại Turin, do dự án Cà phê toàn cầu VZF tổ chức, với sự điều hành hội thảo của các chuyên gia truyền thông từ Trung tâm Đào tạo Quốc tế ILO. Bước tiếp theo của quá trình lập kế hoạch chiến dịch toàn cầu mà phái đoàn các nước tham dự hội thảo Turin (gồm Brazil, Uganda, Việt Nam) sẽ thực hiện là tổ chức một hội thảo lập kế hoạch chiến dịch trong nước để khởi động chiến dịch ATVSLĐ ở quốc gia mình. Hội thảo này cũng sẽ được hỗ trợ bởi các chuyên gia truyền thông của Trung tâm Đào tạo Quốc tế ILO (Turin).

Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh