Asanzo tuyên bố hoạt động trở lại và sẽ mở thêm nhà máy
- Huyệt vị
- 22:27 - 17/09/2019
Thông tin tại buổi họp báo tổ chức sáng 17/9, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tam cho biết, từ ngày 17/9, công ty hoạt động lại bình thường. Doanh nghiệp sẽ khai trương thêm 1 nhà máy tại khu công nghiệp cao quận 9, TP Hồ Chí Minh. "Trong đầu tháng 10, chúng tôi sẽ vận hành nhà máy thứ 5, công suất là 2 triệu - 2,5 triệu tivi/năm. Nhà máy này sẽ bằng 4 nhà máy đã có của Asanzo. Trong quá trình khủng hoảng, chúng tôi vẫn xuất khẩu đi Nhật", ông Tam nói.
Chủ tịch HĐQT Asanzo Phạm Văn Tam cho biết, công ty thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng vì nghi án "giả xuất xứ". Trong khoảng 3 tháng qua, doanh nghiệp này tiếp hơn 100 cán bộ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành. "89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay. Dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông hay ngân hàng nào đển Asanzo đòi tiền hay rút cổ phần", ông Tam chia sẻ.
Cách đây một tháng Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy, chờ kết luận của các cơ quan quản lý về vụ việc. Khi đó ông Tam cho biết, trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam", mỗi ngày Asanzo mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác.
Luật sư Trần Đức Hoàng, tư vấn pháp lý của Tập đoàn Asanzo cho biết, Asanzo đang vướng phải 3 cáo buộc: Asanzo giả xuất xứ, Asanzo vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập khẩu, Asanzo lừa dối khách hàng.
Nói về cáo buộc Asanzo giả xuất xứ, ông Hoàng cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.
Tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã kết luận rằng, đối với các "sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá "sản xuất tại Việt Nam", hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là đúng quy định pháp luật".
Về cáo buộc sai phạm xuất nhập khẩu, ông Hoàng thông tin, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Công văn này nêu rõ, "Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15/8/2019 gửi công ty".