THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:55

Thúc đẩy hợp tác nghị viện về chính trị, an ninh và kinh tế, thương mại

Phát biểu đề dẫn tại Phiên họp các vấn đề chính trị và an ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp hơn. Các nỗ lực hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường. Việc sử dụng và nguy cơ sử dụng các loại vũ khí hủy diệt đang có xu hướng gia tăng. Các tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên, nguy cơ đối với tự do, an ninh và an toàn hàng hải vẫn tiếp diễn. Chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia gia tăng hoạt động ở khu vực. Bên cạnh đó là những thách thức về an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, những thiên tai khốc liệt chưa từng có... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần phải có những giải pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và có sự phối hợp đa tầng nấc, trong đó có sự tham gia tích cực của những nghị sĩ Quốc hội - người hoạch định chính sách, các nhà lập pháp của các quốc gia. Đây là lúc để APPF tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và tham gia đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

“Trong một thế giới toàn cầu hóa, số hóa, phụ thuộc lẫn nhau gia tăng, APPF cần đóng vai trò theo chức năng của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Các nghị sĩ cần hối thúc các Chính phủ thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nhằm ứng phó không chỉ với các thách thức truyền thống mà cả phi truyền thống, nhất là không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và năng lượng, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải và an ninh mạng”, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tại phiên họp này, các đại biểu đã  thảo luận về việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh phòng, chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia. Theo đó, các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương được thảo luận nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trong khu vực trong đó có những vấn đề như hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng; chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

Phiên họp toàn thể về kinh tế và thương mại

 

Tại phiên họp các vấn đề kinh tế và thương mại, các đại biểu tập trung thảo luận về: Báo cáo kết quả Hội nghị APEC 2017; vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số. 

Phiên toàn thể này hướng vào nội dung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ những quan điểm và đóng góp của nghị viện vào nỗ lực của khu vực nhằm mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững, xoay quanh chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017. 

Trong khuôn khổ Hội nghị APPF-26, ngày 19/1 cũng diễn ra cuộc họp Ủy ban Soạn thảo, các nhóm công tác của APPF và các cuộc tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo các nghị viện thành viên. 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh