THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:27

Hội nghị APPF-26: Vì hòa bình và phát triển bền vững

Được tổ chức từ ngày 18-21/1/2018, với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững”, Hội nghị có sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự còn có Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Tổng thư ký Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA). 

Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên gồm Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, Nghị viện Brunei tham gia với tư cách là quan sát viên. Quy mô của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tuy không lớn như Liên minh Nghị viện thế giới nhưng thành viên của Diễn đàn có nhiều nước lớn có vị trí vai trò và tiếng nói quan trọng trong quan hệ quốc tế. 

Diễn đàn nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Đây cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). 

Với các phiên thảo luận toàn thể, tập trung vào các chủ đề: chính trị, an ninh; kinh tế thương mại; hợp tác khu vực và tương lai của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các nghị quyết và Tuyên bố chung. 

 

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Việc đăng cai tổ chức lần thứ hai sự kiện quy mô lớn này tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm quốc tế. 

Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao của Quốc hội nói riêng và đất nước nói chung. Sự kiện này còn nhằm triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Đại hội lần thứ XII đề ra, đó là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. 

Trong ngày làm việc đầu tiên, sau  Lễ khai mạc Hội nghị APPF-26 là phiên họp Nữ Nghị sỹ về thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung; phiên họp của Cố vấn và Thư ký các đoàn; phiên họp Ban Chấp hành; tiệc chiêu đãi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương. 

Phiên họp Nữ Nghị sỹ tập trung bàn về chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung". Bình đẳng giới là mục tiêu số 5 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững và điều này và  là một ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia và là một trong những chuẩn mực để đánh giá về sự phát triển và tiến bộ xã hội. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sau khi triển khai các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử và nạn bạo lực. Do đó, vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh