THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Áp dụng mức phạt mới nếu vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2020

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, theo Nghị định, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Áp dụng mức phạt mới nếu vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2020 - Ảnh 1.

Sắp áp dụng quy định mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Theo đó, Điều 38, 39, 40 của Nghị định đã quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: hằng năm không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp; không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu.

Đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội người sử dụng có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Đáng chú ý nếu người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền áp dụng là từ 50-75 triệu đồng.

Ngoài ra, người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm như kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp…

 Thông tin trên Người lao động cho biết, Khoản 4 điều 40 Nghị định 28 nêu rõ: Phạt tiền 2 - 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định tại khoản 2 điều 102, khoản 1 điều 103, khoản 1 điều 110, khoản 2 điều 112 Luật BHXH; không giới thiệu NLĐ thuộc đối tượng quy định tại điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động và điều 55 Luật BHXH đi khám giám định suy giảm khả năng lao động; không trả sổ BHXH cho NLĐ theo quy định tại khoản 5 điều 21 Luật BHXH.

Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, nếu phạm phải mức phạt cao nhất thì số tiền tối đa mà doanh nghiệp phải chịu phạt là 150 triệu đồng. Mức phạt này chính thức được áp dụng từ ngày 15/4 khi nghị định có hiệu lực.

MỘC MIÊN (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh