Chủ động phòng ngừa TNLĐ giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất
- Bài thuốc hay
- 14:42 - 10/05/2021
Xác định khi tai nạn xảy ra, gia đình và người lao động sẽ bị tổn hại về thể chất, tinh thần và vật chất; Tổng công ty mất đi một người lao động, bị thiệt hại tài sản, tiền bạc, làm giảm năng suất lao động, hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút với đối tác, bạn bè, nhân dân và người lao động. Vì vậy, đảm bảo ATVSLĐ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề của EVNNPC. Để làm được điều đó, ngoài các nhóm giải pháp về quản lý, giáo dục và tuyên truyền về đảm bảo ATVSLĐ, Tổng công ty xác định đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động trong đơn vị là điều tất yếu phải làm, chỉ khi xây dựng thành công văn hóa an toàn lao động thì hiệu quả công tác ATVSLĐ mới được bền vững. Điểm nhấn trong các nội dung đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn đó là toàn bộ 100% cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty phải thề 5 lời thề đảm bảo an toàn lao động. Người lao động được huấn luyện nhận diện rủi ro và biện pháp phòng tránh cho từng công việc. Người lao động trước khi thực hiện công việc phải hỏi và trả lời 3 câu hỏi nhằm nhắc nhau về các mối nguy có thể xảy ra, biện pháp phòng tránh như thế nào. Người sử dụng lao động và người lao động thường xuyên trao đổi, đối thoại về ATVSLĐ. Hàng năm, Tổng công ty luôn luôn quan tâm đến khen thưởng trong công tác ATVSLĐ, xây dựng điển hình tiên tiến trong cán bộ, công nhân viên để khen thưởng, tuyên truyền tới toàn thể người lao động.
Những năm gần đây, Tổng công ty đã ứng dụng công nghệ số để thực hiện giám sát an toàn lao động, nhằm giám sát ATVSLĐ của các nhóm công nhân đang làm việc trên lưới. Trước đây, để kiểm soát an toàn, cán bộ làm công tác an toàn phải xuống trực tiếp hiện trường. Trong khi đó, địa bàn quản lý của EVNNPC trải dài nhiều tỉnh/thành trong cả nước; phần lớn thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đi lại rất khó khăn. Quy trình này vừa tốn thời gian, công sức di chuyển, vừa tốn kém chi phí. Để kiểm soát toàn bộ khối lượng công việc của từng điện lực/công ty điện lực, biết rõ đơn vị nào đang triển khai nội dung gì, công việc như thế nào, ở địa điểm nào, ai đang kiểm soát công tác an toàn tại đó… EVNNPC đã ứng dụng hệ thống phần mềm để giám sát an toàn. Theo đó, không cần trực tiếp kiểm tra hiện trường, lãnh đạo các cấp từ điện lực đến Tổng công ty cũng có thể giám sát ATVSLĐ của những nhóm công nhân. Mỗi nhóm công nhân khi ra hiện trường làm việc phải sử dụng thiết bị di động thông minh chụp ảnh các thao tác gửi lên hệ thống. Lúc này, cán bộ an toàn ở các cấp từ điện lực, công ty, Tổng công ty sẽ lập tức tiếp nhận được hình ảnh để theo dõi, giám sát; đồng thời có thể phân tích, đưa ra giải pháp về kỹ thuật, khắc phục sự cố mà không cần thiết phải đến trực tiếp hiện trường. Qua ứng dụng này, các cấp đều có thể giám sát đồng thời những nhóm công nhân đang thao tác trên lưới ở mọi địa điểm. Từ đó, kịp thời phát hiện ra những sai sót, điều chỉnh ngay, góp phần vào việc đảm bảo an toàn lao động. Đối với trường hợp phải xử lý sự cố trong phòng chống thiên tai và ứng cứu khẩn cấp, người lao động cũng có thể chuyển ảnh từ hiện trường lên hệ thống. Lúc này, các phòng ban như, An toàn, Kỹ thuật, Điều độ, xây dựng cơ bản... có thể kịp thời phân tích tình huống sự cố, đưa ra phương án chỉ đạo, khắc phục nhanh nhất. Mỗi tuần theo kế hoạch, đơn vị sẽ tiến hành đăng ký công việc trên lưới điện, trình các cấp phê duyệt trên hệ thống phần mềm. Nhờ việc áp dụng công nghệ này mà những năm gần đây, toàn EVNNPC không xảy ra bất kỳ vụ TNLĐ do nguyên nhân chủ quan.
Năm 2020 là năm đóng vai trò quyết định đến việc hoàn thành các chỉ tiêu 05 năm, giai đoạn 2016 - 2020 đối với EVNNPC. Do đó, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất - kinh doanh, Tổng công ty đã đề ra và quyết tâm thực hiện thành công 05 mục tiêu quan trọng trong công tác quản lý ATVSLĐ gồm: Tuyệt đối không để xảy ra TNLĐ và sự cố cháy nổ do lỗi chủ quan; Giảm thiểu TNLĐ rủi ro đối với cán bộ công nhân viên; Giảm thiểu tai nạn điện trong dân, tai nạn nhà thầu và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp nhằm ngăn chặn sự cố lưới điện; Giảm tác động của các yếu tố thiên tai, thời tiết cực đoan đối với lưới điện; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động.
Tổng công ty đã đề ra nhiều nhóm giải pháp mang tính đột phá và xác định tính đồng bộ, liên kết giữa các giải pháp. Theo đó, EVNNPC sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động trong toàn Tổng công ty; Tổ chức huấn luyện cán bộ công nhân viên nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng tránh; Đưa công tác khen thưởng, kỷ luật đối với ATVSLĐ trở thành thực chất, có tính động viên kịp thời và răn đe mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động; Đẩy mạnh công tác truyền thông trong cán bộ, công nhân viên và trong nhân dân về ATVSLĐ, cũng như an toàn điện; Phối hợp với Đoàn thanh niên, các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng về công tác bảo vệ HLATLĐCA; Ứng dụng từng ngày phần mềm ECP kiểm soát sự cố do vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao áp.
Đồng thời, Tổng công ty sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị hoàn thành công tác thí nghiệm điện định kỳ, sửa chữa các khiếm khuyết, tồn tại của các thiết bị trước mùa mưa bão; Trang bị đầy đủ, kiểm tra các thiết bị, vật tư và phương tiện để phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, EVNNPC sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trên các lưới điện trung và hạ thế, các mạch vòng trên lưới điện trung áp trước mùa nắng nóng 2020; Triển khai kế hoạch đo kiểm tra môi trường lao động, có nhận diện và đánh giá các yếu tố không có lợi ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động; Phối hợp các bộ phận an toàn và công đoàn thực hiện kiểm tra tổng thể công tác ATVSLĐ tại một số đơn vị; Thực hiện kiểm tra chuyên đề về công tác y tế, vệ sinh lao động…