CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:03

Áp dụng các giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, 10 - 20% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc, sử dụng Internet để trải nghiệm trò chơi điện tử, xem phim và các hình thức giải trí trên mạng khác. Dù các phụ huynh không mong muốn nhưng những nội dung trên mạng vẫn đang ồ ạt tràn vào cuộc sống giải trí hàng ngày của trẻ em. Điều này có thể gây ra nhiều nguy cơ, hệ lụy ảnh hưởng tới tâm sinh lý trẻ khi tiếp nhận toàn bộ thông tin trên mạng mà không có chọn lọc.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những đứa trẻ lạm dụng công nghệ và kết nối đã được chứng minh có thể đối diện với nhiều nguy cơ như ngôn ngữ giao tiếp và vốn từ vựng kém hơn, các kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc tệ hơn, kỹ năng vận động vụng về hơn, rối loạn cảm giác. Tiếp cận quá nhiều với màn hình cũng dẫn đến mất trí nhớ số. Tiếp xúc liên tục với thông tin tốc độ cao làm giảm sự chú ý cũng như tập trung và trí nhớ do sự thiếu hụt các sợi thần kinh thuộc vỏ não trước khiến trẻ thiếu trí sáng tạo và tưởng tượng, học hành mất tập trung. Ngoài ra, các em cũng dễ mắc dễ béo phì và tiểu đường do ít vận động, gặp vấn đề giấc ngủ, nguy cơ mắc lo âu, trầm cảm cao hơn.

Nhiều công cụ đã được áp dụng để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng như Tổng đài quốc gia 111, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số áp dụng các bộ lọc chặn thông tin xấu độc... Theo ông Trần Minh Quảng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Viettel Cyber Security, việc đầu tiên các phụ huynh có thể thực hiện là trao đổi, trò chuyện với con cái về chủ đề sử dụng Internet an toàn. Phụ huynh cũng có thể cân nhắc sử dụng các phiên bản/chế độ của web, ứng dụng dành riêng cho trẻ em. Phụ huynh cần quy định khung giờ sử dụng Internet của trẻ mỗi ngày và có sự kiểm soát của bố mẹ bên cạnh đối với những em còn quá nhỏ. Phụ huynh cũng có thể sử dụng những giải pháp kỹ thuật từ những nhà cung cấp dịch vụ Internet và những nhà cung cấp dịch vụ bảo mật chuyên dụng để thiết lập chính sách liên quan đến hạn chế truy cập và giám sát dành riêng cho cha mẹ trong mạng Internet tại nhà của mình. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các bậc phụ huynh có thêm những giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em và gia đình, tránh xa những thông tin xấu độc, văn hóa tiêu cực tràn lan trên mạng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là giáo dục cho con cách thức sử dụng mạng an toàn và thông minh.

Trẻ em ngày càng nghiện mạng xã hội.

Trẻ em ngày càng nghiện mạng xã hội.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ cần giữ an toàn cho con bằng cách duy trì một giao tiếp cởi mở và thân thiện hàng ngày. Khuyến khích con nói ra mọi điều khiến con khó chịu, bí bách hoặc cảm giác bị đe dọa. Hãy thống nhất với con về quy tắc thời gian, cách thức, địa điểm mà con có thể sử dụng các thiết bị và những việc khác. Cha mẹ cũng cần học cách sử dụng công nghệ để bảo vệ con ví dụ như tường lửa, chương trình chống virus, cài đặt quyền riêng tư và chế độ duyệt web an toàn bao gồm cả giới hạn chế độ tìm kiếm an toàn để đảm bảo con bạn trải nghiệm trực tuyến tích cực. Hãy nói với con phải cẩn thận với tất cả những thứ miễn phí và không cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh đầy đủ cho các nền tảng này. Học cách bảo vệ thông tin cá nhân. Cha mẹ cũng cần dành thời gian để cùng con tương tác trực tuyến với những người khác, giúp con thấy giá trị của kết nối và tình thân dẫu là trên tương tác ảo. Qua đó cũng củng cố những hành vi tốt của con trên các tương tác ảo này.

Do không thể bên con 24/24 nên cần giới thiệu cho con các số điện thoại trợ giúp nếu con gặp bất kỳ nội dung trực tuyến không phù hợp hoặc bị bắt nạt trên mạng. Hãy khuyến khích con vui vẻ và thể hiện bản thân với các công cụ kỹ thuật số như làm clip chia sẻ và hỗ trợ những người gặp khó khăn, đứng dậy và vận động theo một điệu nhảy vui nhộn trên mạng hay tham gia các trò chơi trực tuyến yêu cầu vận động. Tóm lại, cha mẹ cần hướng dẫn kỹ năng số cho các em, rèn các thói quen để có thể sớm thích với sự chuyển đổi cuộc sống từ thực sang ảo.

K.VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh