Anh nhớ em muốn chết!
- Văn hóa - Giải trí
- 19:01 - 09/02/2016
Minh họa: Hoàng Tùng
Mấy chục năm cuộc đời dập dềnh sóng gió, lúc nào cũng vậy, hễ đặt được chân lên bờ, việc đầu tiên của tôi là kéo bè bạn vào quán nhậu và í ới thêm chiến hữu. Uống, phải uống cho ra uống. Mày râu nào không đủ sức “zdô” một hơi cạn 100% thì biến.
Vô số lần, khoảng cách từ quán nhậu về nhà chỉ qua một ngã tư mà lúc nào cũng “đường về nhà luôn ở phía sau lưng”, dù không ít lần tôi thấy mình liêu xiêu vượt đèn đỏ, nhưng lần nào cũng vậy, thường phải rạng sáng ngày hôm sau mới loạng choạng bước qua được cái ngạch cửa. Vào được trong nhà mọi thứ nhập nhà nhập nhèm. Mặt mũi thân thể con vợ lúc mỡ màng tươi ngon như mấy ẻm tiếp viên quán nhậu, lúc lại thấy bả nhăn nhó già chát giống y bà mẹ vợ.
Khi tỉnh rượu, nếu chiến hữu không gọi thì gọi chiến hữu. Cái sự chịu nhậu và nhậu tới bến, tuy chẳng được phong tước phong hiệu gì, nhưng các chiến hữu tôn kính gọi tôi là “hàn thử biểu” giá bia rượu, bởi, khi tôi đặt chân lên bờ thì giá rượu bia lập tức tăng vọt, còn khi tôi vừa bước chân xuống tàu, giá bia rượu trở lại cái giá không cần trợ giá như nhiều món khác, tức căn bản ở cái thế ổn định, dù quán nhậu, phố nhậu mọc nhanh như nấm sau mưa hè.
Với biệt danh là “hàn thử biểu”, tôi quy tụ được không ít tay bợm, tay nào tay nấy chơi hết mình, đã vào sòng nhậu thì phải chơi cho tới lúc quên vợ, quên con, quên đường về nhà.
Cứ thế, kim đồng hồ vẫn xoay quanh một vòng tròn, ngày tháng vẫn nhì nhằng trôi, tôi và các chiến hữu vẫn hăng say chiến đấu, bia rượu tiếp tục rót ào ào, lời sâu ý thâm thi nhau phọt ra từ những cái mồm có ria, không ria hoặc được gọt lam nham. Đời thế mà đả, cho tới lúc có cái gì đó, không ổn. Cái kim đồng hồ sinh học của tôi như thiếu nhớt. Nó chạy không đều. Lượng sượng chỗ nào đó, lục khục chỗ nào đó.
Mà cái sự lục khục lại không thuộc về giá bia giá rượu, cũng không phải do tác hại của cơn lũ tham nhũng, càng không phải tại cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Cái gì đó thuộc về lục phủ ngủ tạng của thằng tôi. Rượu bia tộng vào không xuyên thấm êm re như mọi khi. Cho đến một lần, sau khi nhiều đợt uống vào dội ra và sau khi cho lũ chó ăn chè, tôi gục xuống và được đẩy lên xe cấp cứu vào thẳng bệnh viện.
Minh họa: Hoàng Tùng
Năm ba chiến hữu thoáng vào thăm dò sức khỏe “đại ca”, ồn ào nhăn nhở cười cười nói nói rồi chuồn thẳng. Vài ẻm tiếp viên còn lưu số điện thọai, ỏn ẻn:“Sao cả tuần rồi không thấy anh tới. Em nhớ anh muốn chết!” và khi biết tôi nằm thẳng cẳng trên giường bệnh do cái lá gan không còn đủ gan để thải “chất đại bổ’ từ bia rượu, ẻm nào cũng vội tắt điện thọai. Chỉ còn duy nhất con vợ ngày đêm túc trực bón sữa đút cháo, canh giờ thuốc men, tiểu tiện. Nàng chăm chồng nhọc hơn chăm đứa con còn ẵm ngửa.
Khi “nằm ngửa” và nhìn vợ ở cự ly gần, tôi mới “bật ngửa” mà nhận ra rằng, trên đời này không một ai chịu đựng ta, tha thứ cho ta và chăm bẵm cho ta hết lòng như vợ ta; còn các thứ tình: Tình phòng trọ một giờ, tình phòng VIP nhiều giờ, rồi các thứ tình dễ nhầm tưởng là tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình chiến hữu và các thứ tình linh linh khác…được sinh ra từ những cuộc chụp giựt mần ăn hay những cuộc đàn đúm, đưa đẩy, chơi bời, nhậu nhẹt đều dễ bốc hơi như hơi bia, hơi rượu.
Khi nghe chồng “ngộ” ra cái chân lý hiển nhiên đó (nhưng không dễ thẩm thấu nếu chưa một lần suýt ngỏm củ tỏi) bằng lời, mà lại được diễn đạt trúc trắc có lúc nghèn nghẹn, vợ cảm động, nước mắt rơi lã chã. Tôi vội nắm tay nàng, đặt lên ngực, chỗ trái tim đang đập thình thịch: “Anh hứa sẽ không uống một giọt rượu, giọt bia nào nữa. Anh cũng xin thề là sẽ không đụng tới con đàn bà nào khác ngoài vợ yêu của anh!”.
Sau hai tuần được bệnh viện cho về và được vợ chăm kỹ, bón thúc, tôi dần phục hồi phong độ, đi lại ăn uống không cần vợ phải kè kè bên cạnh.
Rồi, khi phong độ thực sự phục hồi, điều trước tiên tôi nghĩ đến, lại không phải vợ đảm con ngoan, cũng không phải cha già mẹ yếu hay anh chị em ruột rà hoặc một vài thằng bạn chí cốt thuở tắm truồng mà là các ả lượn lờ mời mọc nơi nhậu nhẹt và mấy ẻm ướt rượt chỗ lăng tăng tiếp theo sau khi say mà chưa xỉn. Tôi mở điện thọai, vào danh bạ. Một loạt tên gợi lên dáng dấp thân thể các em ngực nở mông đầy: Hoa, Cúc, Hồng, Liễu, Nhung, Đào, Trúc... Tôi chọn em tên Hoa, gọi.
Trong lao xao âm thanh, tôi nghe tiếng nàng: “Anh gọi em hả?”. Tôi hăm hở:“Em ở đâu? Anh nhớ em muốn chết!”. Tôi lại nghe tiếng nàng:“Em đi hốt mấy thang thuộc bắc cho anh rồi tạt qua chợ, em định mua con gà ác tiềm thuốc bắc cho anh, mấy phút nữa em mới về tới nhà”.
Tôi tái mặt, vội cúp điện thọai, buột miệng: “Chết mẹ, con vợ mình cũng tên Hoa!”