THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:14

Ảnh hưởng nặng từ Covid-19, "ngủ đông" có phải là lựa chọn tốt cho doanh nghiệp?

Trong thời gian gần đây, khi dịch bệnh bùng phát, "ngủ đông" là một trong những chiến lược của doanh nghiệp được nhắc đến nhiều.

Mô phỏng hành động của loài gấu, doanh nghiệp co mình lại, tiết giảm chi phí ở mức tối đa, chỉ duy trì những hoạt động cần thiết nhằm giữ sự sống, chờ cơ hội trở mình sau dịch bệnh. Tuy nhiên chỉ có một số doanh nghiệp chọn cách này.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Quốc hội, từng giai đoạn trong vòng đời của một doanh nghiệp đều phụ thuộc lớn vào sự vận hành của thị trường. Đa số trường hợp thì giai đoạn phát triển của doanh nghiệp sẽ tương ứng với thời điểm thị trường có những dấu hiệu tích cực.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 mà không thể ứng phó một cách nhanh chóng thì giải pháp "ngủ đông" là một lựa chọn phù hợp.

"Với diễn biến hiện nay, tôi không nghĩ doanh nghiệp nên gắng sức để tăng trưởng. Thay vào đó, hãy tiết kiệm nguồn lực để ứng phó với những thách thức có thể xảy ra trong tương lai gần. Cá nhân tôi dự đoán, quá trình "ngủ đông" có thể sẽ kéo dài tới hết tháng 5", ông Thân nhận định.

Ông Thân cũng cho biết, hiện doanh nghiệp của ông cũng không nằm ngoài xu thế "ngủ đông" của cộng đồng doanh nghiệp, vì ông nhận định đây chưa phải thời điểm thích hợp để doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, "ngủ đông" chưa phải giải pháp cuối cùng, thay vào đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể liên kết với nhau để tạo ra các chuỗi giá trị nội địa. Từ đó họ sẽ phát hiện ra các phương án kinh doanh mới, có thể giúp họ biến khó khăn thành cơ hội.

Ảnh hưởng nặng từ Covid-19, ngủ đông có phải là lựa chọn tốt cho doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thân

Cũng cùng quan điểm với ông Thân, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: "Tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ của Việt Nam rất lớn. Qua bối cảnh này cũng thấy được vai trò của các hiệp hội ở Việt Nam. Tôi mong các doanh nghiệp tham gia 1 Hiệp hội để tìm được ra những phương án mới".

Ngoài ra, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và Chính phủ giống như trong gia đình, các con không thể đòi hỏi ở bố mẹ quá nhiều. Khi lớn lên, học hành, sinh sống như thế nào tùy thuộc từng đứa.

Nếu hiểu từ "tự lực" theo nghĩa Nhà nước không có tiền để hỗ trợ nên doanh nghiệp phải tự bươn chải là không đúng. Thực tế hiện nay, mọi tầng lớp doanh nghiệp đều được Nhà nước hỗ trợ, không bằng cách này thì bằng cách khác. Điều khác nhau ở đây là họ nhận được hỗ trợ ở mức độ nào mà thôi.

Do đó, phải hiểu "tự lực" có nghĩa là doanh nghiệp phải chủ động đưa ra các giải pháp "cứu lấy mình" dựa trên những nền tảng pháp luật và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã, đang và sắp có hiệu lực.

Những nỗ lực của của Nhà nước sẽ không đạt được hiệu quả tối đa nếu sự nỗ lực đó chỉ đến từ một phía. Do vậy, để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 thì yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp là "sự thích ứng!".

Hương Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh