Ảnh hưởng của bão số 9, nhiều tỉnh mất điện trên diện rộng
- Tây Y
- 20:48 - 28/10/2020
Bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 12h trưa 28/12, vị trí tâm bão ở 14.9oN; 108,9oE, trên đất liền các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 8, giật cấp 10, tại Duy Hải (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, tại Play Cu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên có sóng và nước dâng từ 7,5 - 9,5 m
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Từ 19h00 ngày 27/10 đến 10h00 ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, một số trạm mưa lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 352mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 390mm, Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 358mm.
Tính đến 11h trưa 28/10, do ảnh hưởng của bão, đã có 360 xã bị mất điện chủ yếu tại Đà Nẵng – 11 xã; Quảng Nam – 56 xã; Quảng Ngãi – 145 xã; Bình Định – 97; Phú Yên – 51 xã. Chiếm tổng số trên 10% phụ tải của miền Trung.
Trong khi đó theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng.
Trong sáng 28/10, tỉnh Quảng Nam cũng đã tiến hành cắt điện trên toàn tỉnh để đảm bảo an toàn.
Đến nay, mưa bão cũng đã làm 3 nhà sập, 485 nhà dân tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi: 447 nhà, Bình Định: 02 nhà, Phú Yên: 36 nhà).
Mưa bão cũng đã làm 2 người bị thương; 2 tàu cá tại Bình Định bị chìm; 1 cột điện trung thế bị gãy và đứt đường dây điện trung thế tại Phú Yên.
Tại Thừa Thiên Huế, trong sáng 28/10, nhiều cây xanh dọc đường QL1A đoạn qua địa bàn huyện Phú Lộc bị gãy, đỗ chắn ngang đường. Mưa lớn cũng làm sạt lở 1 điểm trên đường Quốc lộ 49 nối thành phố Huế với huyện A Lưới. Lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý, bảo đảm an toàn giao thông .
Tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo tiền phương, đặt tại TP. Đà Nẵng trưa 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bão mới chớm vào và sẽ tiếp tục đi sâu vào đất liền, nếu không quyết liệt ứng phó thì vô cùng nguy hiểm. Tình hình rất khẩn cấp, các địa phương phải tập trung tối đa cho công tác chỉ đạo ứng phó, giảm thiệt thiệt hại do bão.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên liên lạc với các địa phương, sử dụng mọi biện pháp, lực lượng tại chỗ trong và sau bão, phải rà soát cẩn thận những nơi tránh trú bão tập trung. Người dân chấp hành nghiêm chỉ đạo của chính quyền khi trở về nhà sau khi hết bão. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng các hồ chứa, hồ thủy điện, bảo đảm an toàn.