Phú Yên: Gió mạnh làm đổ cây xanh trên đường phố Tuy Hòa
- Tây Y
- 18:06 - 28/10/2020
Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh ở mức dưới báo động cấp I. Lúc 6 giờ ngày 28/10, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 900m3/s (dự kiến trong 12-24 giờ tiếp theo, tổng lưu lượng nước về hạ du từ 1.000-1.200m3/s); hồ thủy điện Krông HNăng xả lũ với lưu lượng 147 m3/s; hồ thủy điện La Hiêng 2 xả lũ và chạy máy với lưu lượng 214,06m3/s. Mực nước các hồ thủy lợi Đồng Tròn: 27,53m/35,5m, Phú Xuân: 30,59m/36,5m, Suối Vực: 81,1m/88,1m, các hồ còn lại đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế. Các địa phương đã tổ chức sơ tán dân tại chỗ đối với các khu vực ven biển, sông bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt khoảng 11.308 hộ/11.278 nhân khẩu.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150mm. Lúc 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 14,4 độ vĩ bắc, 110,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6-8m.
Vùng biển ngoài khơi khu vực Phú Yên trong 12 giờ tới, có mưa rào và dông mạnh, có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15, biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6-8m, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 4. Hôm nay (28/10), khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200- 300mm/đợt. Xâm thực bờ biển, có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m, sóng lớn kết hợp với triều cường, nên khu vực ven biển TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa, huyện Tuy An, TX Sông Cầu có nguy cơ xảy ra xâm thực bờ biển.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, có khả năng chia cắt kéo dài nhiều ngày; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân và khách du lịch ven biển. Các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho vùng hạ du hồ chứa, điều tiết xả lũ hợp lý; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, triều cương; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục kịp thời các sự cố do bão, lũ gây ra.