CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:14

Anh hùng phi công có duyên với số 7

 

Ông Nguyễn Văn Bảy thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

 

Tên thật của ông là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, là con thứ 7 trong nhà nên mọi người quen gọi là Bảy. Và hình như số 7 đã trở thành con số hên, con số định mệnh gắn với cuộc đời ông.

Do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, năm 1953, khi ấy 17 tuổi, Bảy bỏ nhà đi theo bộ đội, trở thành du kích.

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, được cử đi học cấp tốc nhằm nâng cao trình độ văn hóa để phục vụ cách mạng tốt hơn. Và việc học văn hóa của ông Bảy cũng chả giống ai. Với phương châm “cần gì học đó” vỏn vẹn trong 7 ngày ông đã hoàn thành 7 lớp, còn để có trình độ văn hóa 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay).

Năm 1960, ông Bảy là một trong số rất ít người được chuyển từ Sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay. Nhớ về chuyện này, ông bảo: Mình sinh ra ở vùng quê nghèo  (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), lúc nhỏ chỉ quen cưỡi bò, cưỡi trâu, mỗi lần thấy có chiếc ô tô chạy ngang lộ, ông cùng lũ nhỏ chạy theo hít khói rồi khen thơm quá. Đến xe đạp ông còn chưa biết đi chứ mơ gì đến lái ô tô. Vậy mà cấp trên lại cho ông đi học lái máy bay, đúng là chuyện khó tin. Thời điểm đó chỉ có trên 30 người được cử đi học lái máy bay MiG 17 và ông Bảy vinh dự là một người trong số đó. 

 

Phi công Nguyễn Văn Bảy thời trẻ.

 

 Điều quan trọng là sau khi học xong, trở thành phi công lái máy bay chiến đấu trong những năm đánh Mỹ, ông Bảy đã 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG 17. Máy bay Mỹ đa phần thuộc loại tối tân, hiện đại hơn máy bay MiG 17 của ta, vì vậy khi vào tham chiến ở Việt Nam họ không tin máy bay của ta có thể đánh bại họ. Vậy mà ông Bảy lại bắn hạ được máy bay tiêm kích, ném bom F105 có tốc độ vượt trội máy bay của mình. Ông kể: Muốn thắng địch phải biết cách, phải có chiến thuật riêng và tất nhiên cả trí thông minh, lòng dũng cảm. Mà những thứ đó thì ông và đồng đội ai cũng có thừa. “Ngày 19/6/1965, lần đầu tiên tôi được phân công lái máy bay tấn công máy bay của Mỹ. Do chưa có kinh nghiệm chiến đấu, máy bay địch hiện đại lại áp đảo về số đông nên máy bay của tôi bị bắn trúng. Tôi đã không chọn cách nhảy dù, để bảo toàn máy bay - thứ tài sản vô cùng quý báu lúc bấy giờ, tôi tìm cách thoát ra khỏi vòng vây của địch, hạ cánh an toàn trước sự thán phục của đồng đội, các chuyên gia và sau này là cả phi công Mỹ. Cách đánh có phần mạo hiểm, đó là tìm cách tiếp cận sát máy bay Mỹ rồi mới nổ súng”, ông Bảy bồi hồi nhớ lại. Trong 3 năm (1966 - 1968) chiến đấu với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Nguyễn văn Bảy đã lái chiếc MiG17, xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Trong đó có 2 chiếc F105 và 5 chiếc F-4. Sau những chiến công đó, ông Bảy được cấp trên cử sang Liên Xô học chỉ huy không quân. Thoạt nghe ông rất buồn vì chỉ muốn tiếp tục được sát cánh cùng đồng đội trên tuyến đầu đánh giặc. Nhưng sau nghe giải thích ông hiểu ra, cách mạng cần những người giỏi chiến đấu, có kinh nghiệm, có kiến thức để truyền lại cho lớp sau, nên ông vui vẻ đi học.

 

Lão nông Nguyễn Văn Bảy.

 

Với thành tích hiếm có đó, ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 Không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Ông Bảy là 1 trong 16 phi công của Việt Nam được xếp hạng “Ách” (ACES) trong kháng chiến chống Mỹ.

Nghỉ hưu năm 1989 với cấp hàm đại tá, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, được cấp nhà tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng ông Bảy lại chọn cách về quê vui thú cùng bà con lối xóm và sống cuộc sống của một lão nông thực thụ. Ông cho rằng, nhờ cách mạng mà mình đã trưởng thành, đã thay đổi cuộc đời. Ông cũng là người gặp may vì tham gia chiến đấu rất nhiều trận nhưng chưa hề bị thương, trong khi đó không ít đồng đội của ông đã hy sinh. Cũng chính vì vậy mỗi khi rảnh việc hay dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là ông lại đến nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ, tri ân đồng đội.

Giờ đây đã bước sang tuổi 83, sức khỏe ông Bảy khá tốt, chỉ hơi bị lãng tai. Cuộc sống hiện tại của ông rất giản dị, đó là chuyện trò với vợ, ăn những món mà do vợ nấu, sau đó chăm sóc đàn gà, cho cá ăn… thậm chí lội xuống hồ mò sen, giăng lưới bắt cá. Chỉ những khi nhắc về những trận đánh máy bay địch ngày xưa, mắt ông lại sáng lên với niềm tin pha chút tự hào.     

NGUYỄN QUANG ĐẠT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh