THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:53

Anh hùng Đinh Trọng Lịch: Như đóa hoa thơm ngát giữa đời

1. Khi chưa về Đô Lương, tôi may mắn được gặp và nghe những người con Đô Lương tự hào kể về truyền thống yêu nước và văn hoá của mình: “Xã Đô Lương có hai làng là Tiến Trật và Phú La. Làng Tiến Trật do các vị tiên công họ Vương, họ Nguyễn từ Quỳnh Côi; họ Trần, họ Bùi từ Hải Dương, Hưng Yên sang; họ Đỗ từ Thanh Hoá ra khai khẩn, lập thành. Làng Phú La do bốn vị họ Nguyễn, họ Vũ, họ Đinh, họ Trần từ Đô Kỳ sang lập nên. Hiện nay, họ Đinh chiếm đến một nửa làng Phú La”.

Cụ tiên công họ Đinh sinh được hai con trai, nên họ Đinh chia làm 2 ngành. Ngành Đinh của Đinh Trọng Lịch là ngành trên. Về nhà anh hùng Đinh Trọng Lịch, chúng tôi được nghe những câu chuyện xúc động về quá khứ và hiện tại.

Trong căn nhà cấp 4 khang trang hơn, anh Đinh Trọng Du (anh trai của Anh hùng Đinh Trọng Lịch) kể: “So với nhiều xã của Đông Hưng hiện nay thì Đô Lương vẫn còn khó khăn lắm. Ngoài trồng lúa, nghề phụ rất ít nên thu nhập bình quân đầu người của xã còn thấp. Vài năm trước gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Nhờ sự quan tâm của các cấp và các nhà hảo tâm nay cuộc sống đỡ vất hơn nhiều”.

Anh Đinh Trọng Du anh trai của Anh hùng Đinh Trọng Lịch và người thân xúc động mỗi khi cầm trên tay những kỷ vật của người đã khuất.

Theo lời kể của anh Du, mẹ là Nguyễn Thị Cần, sinh được năm người con, anh Chiểu là con cả, rồi đến hai cô con gái là Khu, Biên. Anh Du thứ tư, anh Lịch là con út. Bốn người con đầu học cao nhất cũng chỉ hết cấp II (hồi đó là lớp 7). Anh Lịch thông minh nhất nhà, cả cấp I và cấp II đều học rất giỏi, được tuyển thẳng vào cấp III. Hồi đó, vợ chồng mẹ Cần bảo nhau, dù có phải bán nhà cũng quyết cho con học hành đến nơi đến chốn. “Thằng Lịch học là học bù cho cả nhà” - Mẹ Cần bảo thế.

Vào cấp III, Lịch cũng học rất giỏi. Nhưng năm 1978, tốt nghiệp cấp III, Lịch không thi vào đại học mà lại tình nguyện đi bộ đội. Mẹ Cần có ba đứa con trai thì anh Chiểu đã hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1969. Anh Du nhập ngũ năm 1976, đang đóng quân ở biên giới phía Bắc.

Ngồi tâm sự cùng anh Du, nhìn lên bàn thờ, chúng tôi không khỏi xúc động. Trên đó là ba tấm di ảnh. Cụ Đinh Trọng Trác, thân sinh của anh, ngự ở giữa. Hai bên là hai chiến sỹ mặc quân phục, đều còn trẻ măng và rất giống nhau. Đinh Trọng Chiểu bên trái, bên phải là Đinh Trọng Lịch. “Cả hai con của mẹ đều hy sinh ở tuổi 20”. Căn phòng khoảng 20 mét vuông, xung quanh tường đều chật kín huân huy chương và nhiều phần thưởng cao quý mà Nhà nước trao tặng….

Anh Du là đảng viên. Giải ngũ, anh về quê, tham gia liền hai khoá Đảng uỷ xã, là Uỷ viên thường vụ, hiện giờ đã nghỉ công tác vì lí do sức khỏe.

Chị Đinh Thị Khu, chị gái của anh Lịch, mỗi lần nhắc đến em mình, lại không cầm được nước mắt: “Năm 1980, Lịch được thưởng phép, về nhà mấy ngày. Nhìn em cao lớn, rắn rỏi, ăn nói chững chạc, đàng hoàng, tôi mừng lắm. Hôm đi, tôi cho hai mươi đồng, phải động viên mãi em mới lấy. Lên đơn vị một thời gian, gia đình nhận được thư của em, báo tin em đã được kết nạp Đảng, cả nhà đều mừng. Nào ngờ chỉ mấy ngày sau thì nhận được tin em hy sinh. Trong những di vật của em mà sau này đơn vị gửi về gia đình, có mười đồng, là số tiền trong sổ tiết kiệm của em. Lúc đó tôi mới biết, hai mươi đồng tôi cho ấy, em chỉ dùng mười đồng mua sách đọc, còn mười đồng thì gửi tiết kiệm”.

 2. Giây phút quả cảm diễn ra hành động hi sinh của anh hùng Đinh Trọng Lịch đã được các văn nghệ sĩ thể hiện ở từng trang sách, báo… Trong những trang viết về anh, chúng tôi thật sự ấn tượng với cuốn sách “Sức sống Đinh Trọng Lịch” của tác giả Trầm Kiểm và cuốn truyện ký “Bông hoa lửa trắng” của nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 1981. 

Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 17/4/1980, thượng sỹ, trung đội trưởng Đinh Trọng Lịch đang dẫn một tổ quân cảnh đi làm nhiệm vụ bảo vệ trong cảng Hải Phòng. Anh Lịch bỗng nhìn thấy chiếc xe IFA mang BKS 34A-0174 chạy ra phía đầu cảng. Chiếc xe này thuộc đoàn vận tải ô tô số 4, đang làm nhiệm vụ vận chuyển phân đạm từ cầu tàu về kho cuối khu vực này. Tại sao đang chạy, nó bỗng tách khỏi đoàn? Anh Lịch ra hiệu cho anh em trong tổ rồi lập tức đuổi theo. Hai chiến sỹ là Mai và Phiên cũng lập tức bám theo, hỗ trợ cho đồng đội của mình.

Chân dung Anh hùng Đinh Trọng Lịch

Chiếc xe dừng trước thanh chắn của trạm kiểm soát ở cổng số 7, nhưng máy vẫn nổ. Thanh chắn chưa nâng lên. Đinh Trọng Lịch đã đuổi kịp xe, Mai và Phiên cũng vừa tới, họ dừng lại theo tín hiệu của trung đội trưởng.

Anh Lịch vượt lên, đứng bên phải ngang với buồng lái. Rất nhanh, đôi mắt sắc sảo, tinh tường của anh đã phát hiện trên xe có phân đạm. Anh nói với người trung sỹ công an gác cổng: “Đồng chí, hãy giữ chiếc xe này lại”. Làm như không nghe thấy lời nói của anh, người trung sỹ cảnh sát lững thững bước lên bên trái buồng lái, ngó qua một cái rồi lùi về vị trí cũ, nhấc thanh chắn lên…

Ngay lập tức chiếc xe chồm lên, phóng vọt ra khỏi cổng, xả khói mù mịt khiến những công nhân ở phía ngoài cổng hoảng hốt chạy dạt ra. Không ngần ngừ, Đinh Trọng Lịch khoác khẩu AK báng gấp lên vai, lao theo, và chỉ mấy bước anh đã bắt kịp, nhảy lên đứng ở bậc lên xuống của buồng lái bên phải. Lúc này kính xe ở bên phải buồng lái vẫn hạ xuống, Lịch luồn tay vào cửa xe, ghì chặt lấy tay lái. Nhìn gã lái xe, anh nhận ngay ra đây chính là Vũ Ngọc Ngân, kẻ mà cách đây không lâu anh đã bắt quả tang giấu mấy chục bánh xà phòng trong người, và anh đã ném cả tập giấy bạc vào mặt gã khi gã định dùng nó để “mua” mình.

Anh quát: “Dừng xe ! Dừng xe ngay!”.

Dường như cũng nhận ra anh, gã lái xe trợn mắt, mím môi, chồm hẳn lên đạp hết ga, đôi tay hắn xoay tay lái liên tục hết bên phải lại bên trái.

“ Dừng xe! Yêu cầu dừng xe ngay!”.

Chiếc xe không dừng, càng nghiêng ngả như người say rượu. Thấy không hất được người quân cảnh xuống, tên lái xe nghiến răng, mắt toé lửa thù hận, hắn lao thẳng phần đầu xe bên phải vào khối thiết bị bên đường với ý định cho thành xe cà sát vào khối sắt gạt anh xuống đất. Một tiếng va đập rùng rợn vang lên, khối sắt hàng mấy tấn dịch đi một quãng, đầu xe bên phải bẹp dúm, kính xe vỡ toang. Nhưng kỳ lạ thay, người quân cảnh vẫn bám chắc cửa xe, giọng anh vẫn sang sảng:

“Dừng lại! Dừng lại ngay!”…

Như điên cuồng, tên lái xe xoay mạnh tay lái cho láng sát vào vỉa hè, cà vào một cây cổ thụ. Theo tính toán của gã, sau cú cà này, dù có là người bằng thép thì anh quân cảnh cũng phải bắn văng ra. Nhưng không, người chiến sỹ vẫn như dán chặt vào xe, dù trên người anh nhiều chỗ máu đã chảy ròng ròng.

Chiếc xe lao thẳng lên vỉa hè, cà vào một cây bạch đàn khiến cây bật tung gốc rồi đâm thẳng vào chiếc cột điện bằng gang. Cột điện đổ, quật vào đầu ông Vũ An Duyên, một công nhân của cảng, lúc đó vừa tan ca về khiến ông chết tại chỗ. Từ xa, nhìn thấy chiếc xe lạng lách như điên, ông đã cẩn thận dắt xe lên vỉa hè nhưng vẫn không thoát. Chiếc xe chồm lên, cán qua xác ông Duyên, kéo chiếc xe đạp của ông đi một quãng. Thấy vẫn không gạt được người quân cảnh xuống, tên lái xe chủ động lái xe cà sát cửa xe, thành xe vào bức tường gạch. Thành tường nghiêng đi, nứt một vệt dài, Đinh Trọng Lịch rơi xuống đất.

Tất cả diễn ra chỉ trong vài phút, trên quãng đường chưa đầy 200 mét. Ngay sau khi đuổi theo chiếc xe được quãng 30 mét, chiến sỹ Phiên nhìn thấy cuốn sổ giao ca của Lịch rơi bên đường, anh cúi nhặt rồi cùng Mai tiếp tục đuổi theo xe, và các anh đã nhìn thấy trung đội trưởng của mình cùng bác công nhân nằm trên vũng máu. Cùng một số người khác lúc đó cũng vừa chạy đến, họ đưa ngay hai người vào bệnh viện

Vài chục phút sau khi cảnh giết người tàn bạo trên xảy ra, người dân nhìn thấy một chiếc xe IFA chạy rất nhanh, đầu xe bẹp dúm, thành ba đờ xốc phía bên phải trễ xuống. Xe dừng lại, tên lái xe trèo lên thùng xe hất mấy bao đạm xuống đường. Xong, hắn cho xe chạy tiếp về Quán Toan, rẽ vào đường 203. Đến đoạn đường thuộc xóm Cách Hạ, thôn Quỳnh Cách, xã Nam Sơn thì gã bỏ xe, chạy trốn… Chỉ ít ngày sau kẻ gây án bị bắt.

Bác Vũ An Duyên đã chết trước khi vào viện. Còn anh Lịch bị tổn thương trầm trọng trong nội tạng… Sau bốn tiếng đồng hồ được bệnh viện tập trung mọi phương tiện và cố gắng cao nhất cứu chữa, anh chỉ tỉnh lại được một chút. Câu hỏi đầu tiên của anh là:“Súng của tôi đâu? Các đồng chí, hãy bắt lấy bọn ăn cắp, bảo vệ tài  sản xã hội chủ nghĩa!”. Đó là lời dặn dò cuối cùng của anh.

Sự ra đi của anh Đinh Trọng Lịch, được tác giả Trần Kiểm khẳng định: “Sức sống của anh như đóa hoa thơm ngát mãi cho đời, cho mọi đơn vị, mọi địa phương!  Đâu đâu, cũng dấy lên phong trào noi gương anh, học tập anh!”. “Hãy suy nghĩ và làm việc như anh hùng Đinh Trọng Lịch”. Hành động của anh cũng được tác giả Phạm Chí Nhân thốt lên rằng:

…Cuộc chiến đấu nơi đây

Không mịt mờ khói đạn
Mà gay gắt từng giây
Vì chân lý của đời
Máu anh rơi cho hạnh phúc muôn người
Súng còn đây
Anh yên lòng đã có chúng tôi!

Gần 4 tháng sau khi Đinh Trọng Lịch hy sinh, ngày 12/8/1980, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Trường Chinh đã ký quyết nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đinh Trọng Lịch vì: “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ tài sản XHCN”. Căn cứ quyết nghị trên của Quốc hội, quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đinh Trọng Lịch.

Phạm Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh