CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:14

“Bóng hồng” chống băng đảng ma túy

 

Phát hiện rúng động thế giới

          Thật không dễ thực hiện các phóng sự về băng đảng buôn bán ma túy ở Mexico. Đất nước mà từ năm 2006 đến nay đã có hơn 80 nhà báo bị bắn, bị đâm, bị đánh đến chết, hay bị chặt đầu. Nhưng bất chấp những hiểm nguy đe dọa, tay bút nữ Anabel Hernandez ở vùng đất của những chiếc mũ rộng vành,  không chỉ xông xáo viết các phóng sự điều tra về tệ nạn ma túy mà còn nắm được nhiều bằng chứng để tố cáo những thế lực đã tiếp tay cho tệ nạn buôn bán ma túy ở xứ này, trong đó có một số đời tổng thống Mexico.  

Anabel Hernandez.

          Cả trong những bài phóng sự điều tra lẫn trong tác phẩm của mình, cô đã vạch trần mối liên kết ngầm giữa những trùm ma túy như Joaquin “Chapo” Guzman với các tổng thống của quốc gia này, trong đó có Vicente Fox, nhân vật đã nắm quyền từ năm 2000 đến 2006 và Felipe Calderon, nhiệm kỳ 2006 -2012. Theo Anabel Hernandez, cuộc chiến chống ma túy của những vị lãnh đạo này chỉ là cuộc chiến giả tạo, một trò đùa, thực tế họ dùng binh lính và cảnh sát để hỗ trợ cho tập đoàn ma túy Sinaloa của Guzman. Rồi mặc dù y bị thủy quân lục chiến Mexico vây bắt trong cuộc bố ráp, cô vẫn nghi ngờ rằng quyền lực của tập đoàn Sinaloa còn lớn mạnh hơn ngay dưới thời tổng thống đang chấp chính hiện nay, Enrique Pe#a Nieto.

          Những lời cáo buộc này như bom tấn phát nổ ở một đất nước đã có hơn 70.000 người chết vì bạo lực liên quan đến các tập đoàn ma túy từ năm 2006 đến nay. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng rúng động trước những tiết lộ của nữ phóng viên, bởi chính đất nước cờ hoa đã bỏ ra hàng tỷ đô la để hỗ trợ Mexico chống lại các băng đảng buôn bán ma túy trong khi Cục Phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ và các tổ chức khác cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh của Mexico hành động theo lệnh của những vị tổng thống này. Chính những cuộc điều tra nhạy cảm ấy đã khiến cá nhân Hernandez phải trả giá không nhỏ. Người mẹ hai con này đã phải đối đầu với những hăm dọa, cảnh cáo không ngừng, kể cả chuyện bị côn đồ bịt mặt đột nhập vào nhà. Đối với cảnh sát liên bang, Hernandez cũng phải vất vả giải trình những dẫn chứng cáo buộc có sự bắt tay giữa cơ quan công quyền và các tập đoàn ma túy. Đổi lại, cảnh sát Mexico City phải cho người bảo vệ cô khỏi những tay súng rình rập sát hại cô cho bằng được.

          Thế nhưng, dẫu phải hy sinh nhiều tự do cá nhân, Hernadez lại gây được tác động lớn trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy ở xứ này. Quyển sách của cô có nhan đề “Los Se#ores del Narco”, tiếng Anh có nghĩa là “Narcoland” (Vùng đất ma túy) đã bán được hơn 200.000 bản, trở thành tác phẩm không hư cấu bán chạy nhất những năm gần đây. Trong khi các cựu tổng thống và quan chức cũ chối bỏ những cáo buộc của Hernandez, có một điều lạ là họ cũng không kiện cáo gì cô. Giải thích điều khó hiểu này, cô cho rằng họ không thể bác những chứng cớ cô đưa ra và họ cũng không dám kiện bởi họ không thể chứng minh tại sao họ trở nên giàu có bất thường đến vậy. 

Tác phẩm “Los Seores del Narco,” (Vùng đất ma túy) của Hernandez đã bán được hơn 200.000 bản

Không thỏa hiệp với những kẻ bán đứng Tổ quốc 

Khi tác phẩm “Vùng đất ma túy” được tái bản, Hãng thông tấn GlobalPost (Mỹ) lập tức đã có cuộc phỏng vấn Anabel Hernandez về công cuộc điều tra của cô. 

GlobalPost: Động cơ nào thúc đẩy cô làm thứ nhiệm vụ đầy bất trắc đến thế?

Hernandez: Tôi chỉ thực sự bắt đầu tiến hành điều tra sau cái chết của cha tôi. Ông bị bắt cóc và bị sát hại vào tháng 12/2000. Kể ra sẽ thật đau lòng, nhưng cha tôi đã bị bắt cóc, đánh đập, bị bịt mặt, trói nghiến rồi bị tống lên xe tải khiến ông chết ngộp. Vụ án chẳng ai giải quyết. Nhà chức trách sở tại đòi có tiền mới tiến hành điều tra nhưng chúng tôi không chi ra. Thật là khốn nạn. Một cá nhân sẽ làm gì để chống lại cả một hệ thống tham nhũng thối nát như vậy? Biến cố đau thương của cha tôi đã khiến tôi thay đổi cái nhìn về cuộc sống. Đối với tôi, cách đi tìm câu trả lời thực tiễn nhất là làm phóng sự điều tra, đó cũng là tấm khiên để tôi núp, tự bảo vệ mình.    

GlobalPost: Cô có chắc là sự tha hóa ở Mexico đã lan đến các giới chóp bu chứ không chỉ các quan chức làng nhàng tiếp tay cho nhiều tập đoàn ma túy?

Hernandez: Ngay từ thời tổng thống Luis Echeverria (1970 - 1976), mối quan hệ với nạn buôn bán ma túy đã ở cấp tổng thống. Tham nhũng ở Mexico giống như hình kim tự tháp, lan từ chiếc ghế lãnh tụ xuống các ban bệ phía dưới. Những chức sắc bự của nhà nước và các chính trị gia trước tới giờ đều dính dáng ít nhiều đến mối liên minh ma quỷ này. Họ là những nghị sĩ, đại biểu Quốc hội, thống đốc....      

GlobalPost: Ông trùm Chapo Guzman đã thoát khỏi một nhà tù Mexico vào năm 2001. Làm thế nào cô dám chắc cựu tổng thống Fox có liên quan đến vụ này?

Hernandez: Vụ vượt ngục xảy ra dưới thời nhiệm kỳ của ông Fox và nó dính dáng cả đến những chức sắc chính quyền thuộc quyền ông ta. Cứ xét chuyện này thì chẳng có gì phải nghi ngờ. Hồi mới lên nắm quyền ông Fox chỉ có 1.000 USD trong nhà băng, các công ty của ông lúc ấy đều đã phá sản. Thế mà sau khi trùm Chapo Guzman vượt ngục ngày 19 /1/2001, chỉ nội tháng sau, Fox đã bắt đầu chi tiền mua bất động sản, chỉnh trang trang trại của mình. Thế tiền ấy từ đâu mà có? Hoàn toàn không cắt nghĩa được phải không? Ông ấy chẳng bao giờ dám kiện tôi là vì không chứng minh nổi nguồn gốc cú giàu nhanh bất thường ấy.    

Trùm ma túy Joaquin--Chapo--Guzman

GlobalPost: Vậy cô có tin rằng cả tổng thống Felipe Calderon cũng đã từng thân chinh đi gặp những tay buôn bán ma túy?

Hernandez: Edgar Villarreal, một tay buôn ma túy bị bắt biệt danh là “La Barbie” đã viết cho tôi một lá thư vào năm 2012, tiết lộ rằng tổng thống Calderon chủ trị các cuộc họp với các trùm ma túy. Tôi đã nắm tài liệu chắc chắn rằng người của Ismael Mayo Zambada, một trùm ma túy đang bị truy nã khác, đã được vời vào tận Los Pinos, tổng thống phủ của Mexico. Tôi tin chắc chiêu bài chống ma túy của họ chỉ là để che mắt, chứ ý đồ thực là dùng lực lượng an ninh để bảo vệ tập đoàn ma túy Sinaloa và giúp nhóm này chống lại các băng đảng khác mà thôi.   

GlobalPost: Thế thì chính sách của tổng thống hiện hành, Pena Nieto, đối với các băng đảng ma túy thì sao?

Hernandez: Tôi tin rằng, Tổng thống Enrique Pena Nieto vẫn đang thực hiện những thỏa hiệp theo "phong cách cũ" với các băng đảng buôn bán ma túy. E rằng ông ấy không thể làm khác bởi tội ác có tổ chức rất tinh vi và chúng là thứ rắn nhiều đầu khó diệt. Tôi có thể khẳng định, những gì mà Sinaloa không có được dưới thời của Tổng thống  Fox và Calderon thì họ sẽ có được dưới chính quyền đương nhiệm này. 

GlobalPost: Cô nghĩ sao về dùng luật để chặn đứng hàng tỷ USD trở thành tiền tham nhũng?

Hernandez: Tôi không tin vào giải pháp dùng luật giải quyết vấn đề. Tôi chỉ tin rằng lần đầu tiên trên thế giới phải có một cuộc chiến chống lại ma túy thực sự. Muốn làm điều đó chúng ta phải điều tra những ngân hàng lớn trên thế giới, tìm cách tống hết những tay rửa tiền vào tù. Cuộc chiến chống ma túy không bằng súng lục hay AK 47 mà phải là trận đánh tài chính. 

GlobalPost: Cô hy vọng đạt được gì qua những nỗ lực điều tra của mình? Liệu Mexico sẽ làm gì, tống cựu tổng thống vào tù chăng?

Hernandez: Điều tôi tiếp thu được trong 9 năm điều tra các băng nhóm tội phạm buôn bán ma túy ở đất nước này là một ông tướng, một thống đốc hay một bộ trưởng an ninh có khi còn nguy hiểm hơn một tay trùm ma túy như Chapo Guzman. Họ chính là những người phản bội Tổ quốc, bán đứng đất nước cho guồng máy tội phạm và họ sẽ phải đối mặt với những hình phạt đích đáng. Nếu không có những hình phạt đích đáng dành cho những tay chính trị, các con buôn, nhóm người cho phép những “tai họa” như Chapo Guzman hiện hữu thì đất nước này chẳng có gì thay đổi. Nghĩa là chúng ta lại cứ phải đưa tin về những cái chết, đưa tin về bạo lực lúc nhiều lúc ít nhưng luôn luôn trong bối cảnh đất nước Mexico bị các băng đảng ma túy thao túng, giật dây. Thế nên, điều chúng ta cần làm là phá vỡ cái vòng ma quái luẩn quẩn ấy.    

Vài nét về  Anabel Hernández

Anabel Hernández García sinh năm 1971. Quốc tịch: Mexicans. Vào nghề báo từ năm 1993. Cơ quan tác nghiệp: Báo điện tử Reporte Índigo, tạp chí Processo

Thế mạnh:           Phóng viên điều tra.

Tác phẩm nổi bật:    Narcoland (2010)

Giải thưởng: WAN-IFRA's Golden Pen of Freedom (2012), Mexican National  Journalism Award (2002)

AN THIÊN (Theo Business Insider)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh