Ấn tượng xưởng điêu khắc mỹ thuật chùa Hang Trà Vinh
- Văn hóa - Giải trí
- 01:40 - 08/02/2017
Chùa Kom pông Chrây còn có tên gọi là Chùa Hang là một trong số 141 ngôi chùa Khmer cổ kính ở Trà Vinh. Chùa được xây dựng vào năm 1637, trên diện tích 7.000 m2, nhưng đến năm 1968 đã bị bom Mỹ tàn phá tan hoang. Sau chiến tranh, phải mất bao thời gian, tiền bạc trùng tu khôi phục lại chùa Kom Pông Chrây mới bề thế, uy nghi như ngày nay. Từ 2002 đến nay, chùa Kom Pông Chrây gây chú ý và thích thú với du khách bởi sự hình thành một xưởng điêu khắc mỹ nghệ trên những bộ rễ cây hết sức độc đáo. Ở trong chùa Kom Pông Chrây ngoài việc học văn hóa, kinh kệ và hành đạo các nhà sư, nhất là các nhà sư trẻ còn được học và hành nghề điêu khắc mỹ nghệ. Đây là một trong những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tôn giáo, vừa đem lại cho các nhà sư sự hưng phấn tìm tòi trong sáng tạo, giữ gìn phát huy bản sắc nghệ thuật điêu khắc Khmer, vừa góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống, an tâm tu hành.
Các nghệ nhân nhà sư chùa Hang đang trong quá trình tạo tác và hoàn thiện tác phẩm điêu khắc của mình
Theo một số vị sư trẻ, để chạm khắc được những tác phẩm với những họa tiết đơn giản như đề tài chim muông, hoa lá thì chỉ cần học trong 3 tháng là hành nghề được. Nhưng để thực hiện được những tác phẩm đòi hỏi sự tinh xảo, đạt giá trị thẩm mỹ cao như bộ tứ linh (long, ly, quy, phụng) hay 12 con giáp…thì phải công phu học trong nhiều năm ròng. Tuy nhiên, không phải ai muốn học nghề cũng được cả, mà ngoài sự đam mê cần cù còn phải có năng khiếu, có duyên nghiệp nữa. Muốn có một tác phẩm vừa mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống, vừa mang dấu ấn yếu tố tâm linh để thờ phụng như tượng đức Phật, hay các chim thần, rắn thần đòi hỏi mỗi nghệ nhân điêu khắc không chỉ có đôi bàn tay khéo léo tài hòa, mà còn phải có những giây phút xuất thần đầy cảm hứng và sự dâng hiến trọn vẹn tâm trí mình trong quá trình tạo tác. Được biết, người có công đào tạo các nhà sư trẻ trở thành những nghệ nhân điêu khắc mỹ nghệ ở chùa hiện nay chính là nghệ nhân điêu khắc danh tiếng Thạch Suol. Trong một lần nhìn ngắm hàng trăm gốc rễ cổ thụ (đã thu hoạc gỗ), được các nhà sư đào lên tận dụng làm chất đốt, ông Thạch Buôl chợt nhận thấy rất nhiều bộ rễ với những hình dáng kỳ thú, chỉ cần được chạm khắc công phu một chút là có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo. Ông đem suy nghĩ và những ý tưởng phác họa trong đầu trình bày với vị sư trụ trì. Được sự đồng tình ủng hộ của vị sư trụ trì, ông bắt tay vào công việc một cách say mê và không bao lâu đã cho ra những sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ khiến nhiều vị sư sãi trong chùa tâm phục khẩu phục. Với tâm huyết truyền nghề của ông, hiện nay tại Kom Pông Chrây đã có hàng chục vị sư trẻ và một số thanh niên trong vùng trở thành những nghệ nhân điêu khắc lành nghề. Trong số đó có những nghệ nhân trở nên danh tiếng đã thực hiện hàng trăn tác phẩm lớn nhỏ đạt tới trình độ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, tinh xảo. Nghệ nhân Sơn Sốc là một trong số đó.
Một trong những tác phẩm điêu khắc được các nghệ nhân nhà sư của chùa Hang tạo tác ra từ bộ rễ cây cổ thụ
Trong số hàng trăm tác phẩm nghệ nhân Sơn Sốc thể hiện với nhiều đề tài, nhiều dáng vẻ sinh động kỳ thú khác nhau, đã có khoảng 80% được du khách thăm quan chùa mua, còn lại khoảng 20% được nhà chùa lưu giữ trưng bày. Hiện nay nghệ nhân Sơn Sốc được nhiều nhà chùa khmer và một số doanh nghệp, công sở trong vùng mời đến thực hiện các công trình chạm khắc trang trí mỹ thuật. Tiếng lành đồn xa, hiện nay xưởng điêu khắc chùa Kom Pông Chrây đã thực sự đứng vững và phát triển, nhiều tác phẩm khẳng định được đẳng cấp cao về giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật được du khách yêu thích. Tuy nhiên, các vị sư nghệ nhân nói, mục đích chính của xưởng điêu khắc là nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ./.