An toàn vệ sinh lao động góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:30 - 12/06/2016
Theo Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, hàng năm sở đều tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ cũng như ban hành các văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn, thông báo tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn để các cấp, ngành, doanh nghiệp, cơ sở cùng rút kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trên cơ sở kế hoạch đã ban hành, các doanh nghiệp tiến hành xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm sao cho phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp đã quan tâm kiện toàn, tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ trong đó phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của từng bộ phận.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cũng được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp tích cực giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, hoạt động cao điểm là việc tổ chức triển khai thực hiện Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN hằng năm. Có thể nói, công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động của Tuần lễ đã đi vào nề nếp, bài bản. Hằng năm, Ban chỉ đạo Tuần lễ đều được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức tuần lễ, triển khai đến tất cả các địa phương, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo tuần lễ của tỉnh và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ và thao diễn kỹ thuật an toàn cấp cứu mỏ, phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu người bị nạn, trình diễn mô hình cháy nổ khí mê tan trong hầm lò.
Bảo dưỡng và sửa chữa xe tại công ty than Hà Tu.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng được quan tâm triển khai thực hiện với nội dung, phương pháp tuyên truyền, huấn luyện từng bước được đổi mới, đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả cao hơn; tài liệu, giáo trình được biên soạn theo chương trình khung và phù hợp với từng ngành nghề, công việc, đối tượng được huấn luyện. Các văn bản pháp luật về ATVSLĐ được cập nhật kịp thời; triển khai, hướng dẫn, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các cơ sở nắm bắt, tổ chức thực hiện theo quy định. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức huấn luyện cho 539.664 người, trong đó có: 6.720 người sử dụng lao động, cán bộ ATVSLĐ; 532.944 người lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thực hiện mục tiêu 4 của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, trong 5 năm qua toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức huấn luyện cho 17.674 người, trong đó có: 7.761 người sử dụng lao động, cán bộ ATVSLĐ; 9.913 người lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Công tác phối hợp liên ngành, liên cơ quan trong thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ hằng năm được tăng cường, nhằm tránh chồng chéo và tạo thuận lợi cho cơ sở. Áp dụng việc ghi Phiếu tự kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động; tăng cường phân cấp cho các địa phương về công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng tần suất thanh tra, kiểm tra tại cơ sở. Thực hiện tốt chức năng tư vấn pháp luật về ATVSLĐ cho các doanh nghiệp thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra; tư vấn chuyên sâu, vận dụng theo loại hình doanh nghiệp, theo lĩnh vực ngành nghề. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ (khai thác than, khai thác đá, xây dựng, cơ khí, sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động). Chỉ tính riêng năm 2015, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan tiến hành thanh, kiểm tra an toàn lao động tại 86 cơ sở có nguy cơ cao về TNLĐ; qua thanh tra đã yêu cầu các cơ sở thực hiện 555 kiến nghị, tạm dừng hoạt động 47 máy, thiết bị, vị trí không đảm bảo điều kiện an toàn, xử phạt vi phạm hành chính 10 đơn vị với số tiền là gần 110 triệu đồng. Cùng với đó, Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 4.293 lượt kiểm tra, phúc tra PCCC theo chuyên đề, định kỳ và đột xuất tại các cơ sở; qua kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 9.969 kiến nghị, lập 392 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 534,1 triệu đồng, tạm đình chỉ 3 cơ sở, đình chỉ hoạt động của 3 cơ sở do không đảm bảo điều kiện PCCC.
Để triển khai có hiệu quả công tác ATVSLĐ - PCCN trong thời gian tới, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao cần rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ATVSLĐ - PCCN; thực hiện tốt quan điểm “chủ động phòng ngừa” trong công tác ATVSLĐ - PCCN; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát các vị trí sản xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cương quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các vị trí, nơi làm việc, máy móc thiết bị không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ; chủ động đánh giá các nguy cơ và đề ra biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN, cháy nổ tại nơi làm việc.
Theo số liệu báo cáo thống kê năm 2015, tỉnh Quảng Ninh xảy ra tổng số 441 vụ TNLĐ làm 455 người bị nạn; so với năm 2014, tổng số vụ TNLĐ giảm 21 vụ; tổng số người bị nạn giảm 13 người. Đó là kết quả đáng được biểu dương trong bối cảnh TNLĐ đang diễn ra ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. |