CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:59

An toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ

 

Ngày 5/6, Quốc hội (QH) dành cả ngày thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011- 2016”. Đây là vấn đề lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. 

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011- 2016 đã đạt được nhiều kết quả trên thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được ban hành tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động về ATTP. 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011- 2016”.

 

Đã tạo được chuyển biến

Theo thống kê từ báo cáo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2011 - 2016, về ATTP, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan T.Ư ban hành, trong đó có 8 văn bản luật của QH, 34 nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 8 thông tư liên tịch, hơn 100 thông tư của các bộ liên quan. 

Các địa phương đã ban hành 1.253 văn bản quản lý pháp luật chỉ đạo, điều hành công tác ATTP trên địa bàn. Theo đó, việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND các cấp về ATTP được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước về ATTP. 

Nhiều vấn đề vướng mắc trong quản lý ATTP đã được tháo gỡ, nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP được phát hiện, xử lý kịp thời.

Qua giám sát cũng cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. 

Theo thống kê, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. 

Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao, dù cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế. Ở một số địa phương, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng.

Tuy vậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng, “ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ”. 

Nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn. Vi phạm trong quá trình vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến.

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng các con số báo cáo nêu lên chỉ là phần nổi của tảng băng ATTP

 

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu bắt đầu thảo luận. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng các con số báo cáo nêu lên chỉ là phần nổi của tảng băng ATTP. 

“Hàng năm chắc chắn có cả chục triệu ca tiêu chảy, người dân thường tự xử chứ không đến bệnh viện nên không được ghi nhận”, đại biểu Mai nói.

Theo ông Mai, để đối phó, một bộ phận người dân tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo lối tự cấp, tự túc, cũng có người phó mặc sức khỏe, tính mạng cho may rủi, số phận. Đại biểu Tiền Giang kiến nghị nên có đường dây nóng với số dễ nhớ như 113, 115 để người dân dễ phản ánh. 

Đồng thời, ông Mai cho rằng, đảm bảo sản xuất an toàn cũng phải được đưa vào thành tiêu chí cứng để công nhận xã Nông thôn mới, không cho nợ. Cũng như đưa vào hương ước làng xã để giảm tình trạng một nhà có “hai luống rau, hai chuồng gà”.

Hơn 5.000 người ngộ độc thực phẩm mỗi năm

Trong báo cáo giám sát của UBTVQH, bên cạnh 7 điểm đạt được, thì cũng có tới 7 điểm còn tồn tại yếu kém. Theo báo cáo, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. 

Trung bình mỗi năm có 167,8 vụ với hơn 5.000 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011- 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. 

Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

 

 

Trong lĩnh vực rượu bia, nước giải khát có nhiều cơ sở vi phạm, các cơ sở nấu rượu thủ công, thô sơ chưa đảm bảo ATTP… Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhận định công tác quản lý rượu, bia còn nhiều bất cập khiến rượu giả tràn ngập thị trường. 

“Có nơi báo động giới hạn đỏ. Xảy ra liên tiếp ngộ độc, hôn mê sâu và tử vong”, bà Ánh phát biểu.

Cũng theo đại biểu Ánh, mỗi năm Hà Nội thu giữ 20.000 lít rượu thủ công, hàng trăm chai rượu ngoại. Những sản phẩm không được kiểm định này nếu được tiêu thụ trên thị trường sẽ gây hậu quả nặng nề.

"Ngộ độc rượu trở thành nỗi ám ảnh và để lại hậu quả lâu dài cho giống nòi Việt Nam", đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Dẫn chứng số liệu trong 3 tháng gần đây, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp và 9 người đã tử vong vì rượu kém chất lượng. Tháng 5, các cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy hơn 70.000 lít rượu không rõ xuất xứ, gồm nhiều chai rượu ngoại giả… ngộ độc rượu đã trở thành ám ảnh người dân trong thời gian qua. 

Do đó, bà Ánh yêu cầu các cơ quan quản lý siết chặt về việc sản xuất và kinh doanh rượu.

Trong nhiều nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ ra, có cả thực trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ còn chưa nghiêm; có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê”, bao che. 

Mặc dù số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng, song việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm… 

Như nhiều ý kiến đã nhận định, nguyên nhân, trách nhiệm là do cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ liên quan, rồi chính quyền địa phương trong chỉ đạo kiểm tra xử lý chưa đáp ứng yêu cầu và cả trách nhiệm của người dân.
Đoàn giám sát cũng đề nghị, QH sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và DN liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… 

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng, ATTP theo đúng phân cấp quản lý. Xây dựng văn bản, quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhằm phát huy hiệu quả tối đa công tác chủ động kiểm soát chất lượng, ATTP theo chuyên môn và các lĩnh vực chuyên ngành phụ trách…

 

Theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh