Cần xử phạt nặng các doanh nghiệp vi phạm
- Bài thuốc hay
- 12:57 - 03/08/2015
Cảnh báo TNLĐ trong xây dựng
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2005 - 2014, cả nước đã xảy ra 58.399 vụ TNLĐ, trong đó có 5.232 vụ nghiêm trọng; làm chết 5.791 người, bị thương nặng 14.298 người. Phân tích cho thấy, trong các vụ TNLĐ, nguyên nhân thiết bị không bảo đảm an toàn chiếm hơn 18%; nguyên nhân do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn cho lao động chiếm hơn 11% và nguyên nhân lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn chiếm gần 12%.
Một số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra gây chấn động dư luận như vụ sập giàn giáo xảy ra tối 25/3, tại công trường thi công giếng chìm, đê chắn sóng, công trình cảng biển Sơn Dương dự án Formusa, Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã làm 13 người chết, hàng chục người bị thương. Mới đây, giàn giáo tại công trình xây dựng 17 tầng trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cũng bị sập trong quá trình thi công, 7 công nhân bị vùi dưới đống sắt thép giàn giáo, có 2 người tử nạn...
Nhiều dự án xây dựng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNLĐ.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến TNLĐ gia tăng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), cho rằng có 3 nguyên nhân chính: Do chủ đầu tư, nhà thầu chưa chú ý công tác bảo đảm an toàn lao động; do nhà thầu trong Thiết kế, chế tạo giàn giáo không đúng với chất lượng yêu cầu, lắp đặt dàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, không theo quy trình quy định và trong quá trình thi công, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều trang thiết bị yêu cầu quy chuẩn an toàn đã không được bảo dưỡng định kỳ.
Cần chế tài xử phạt nặng doanh nghiệp vi phạm
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), trên thực tế, số vụ thương vong do TNLĐ còn lớn hơn rất nhiều, thực trạng này đang là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải có những giải pháp căn bản hơn để bảo đảm an toàn cho người lao động. Mới đây, qua kiểm tra các đơn vị chức năng phát hiện có 23/49 đơn vị không tổ chức huấn luyện ATLĐ theo quy định (2.500 công nhân chưa được huấn luyện các biện pháp bảo đảm an toàn); 10/49 đơn vị không kiểm định thiết bị (150 thiết bị không kiểm định theo yêu cầu). “Có những trường hợp nhiều lỗi vi phạm, số tiền phạt hành chính lên tới cả tỷ đồng. Thậm chí có vụ nghiêm trọng phải khởi tố hình sự, thế nhưng thực tế số vụ tai nạn vẫn xảy ra là do chính những người có trách nhiệm thực thi không nghiêm túc” - ông Hà Tất Thắng nói.
Theo lý giải của Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình, sở dĩ lĩnh vực xây dựng chiếm tới 30% số vụ TNLĐ là vì ngành này có nhiều dự án, tập trung đông con người, trang thiết bị. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công không bảo đảm các biện pháp an toàn. Thiết bị mới chưa có quy trình kỹ thuật, thiết bị cũ không được kiểm định, bảo dưỡng định kỳ; chủ sử dụng lao động không bảo đảm trang thiết bị cho người lao động, bản thân lao động thiếu kiến thức, chủ quan trong thi công. Trong khi đó việc thanh kiểm tra chưa thường xuyên, tần suất kiểm tra thấp, nhất là ở những công trường vùng sâu, vùng xa.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động.
Hiện lực lượng thanh tra an toàn lao động cả nước chưa đến 100 người, mặc dù rất cố gắng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp được kiểm tra không cao. Một bất cập nữa là qua kiểm tra hành chính chỉ xử phạt, thu hồi giấy phép, kiến nghị cách chức chủ thể vi phạm. Với các trường hợp nghiêm trọng, thanh tra chỉ có quyền đề xuất cơ quan tố tụng để các cơ quan này xem xét, nếu có dấu hiệu hình sự mới khởi tố vụ án. Và thực tế hiện nay, số vụ tai nạn đề nghị khởi tố không nhiều, chỉ mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo ở Khu Kinh tế Vũng Áng vừa qua. “Các lực lượng thanh tra chuyên ngành phải kết hợp được với thanh tra quản lý nhà nước bảo đảm an toàn lao động, đồng thời tăng các hành vi vi phạm xem xét khởi tố hình sự thì may ra mới kiểm soát được tình hình”-ông Hà Tất Thắng kiến nghị.
Được biết, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị ban hành quy định nhà thầu xây dựng phải có cán bộ chuyên trách ATLĐ trên công trường. Theo đó, cán bộ chuyên trách ATLĐ bắt buộc phải qua đào tạo, có chuyên môn, phải qua sát hạch cấp chứng chỉ. Ngoài ra, sẽ sửa đổi một số thông tư hiện hành theo hướng quy rõ trách nhiệm chỉ huy công trường, nhà thầu trong bảo đảm an toàn. Đặc biệt, với nhà thầu để xảy ra TNLĐ, sẽ kiến nghị không cho tham gia dự thầu công trình mới.
Mỗi năm có khoảng 600 người chết vì TNLĐ, nhưng số vụ bị đề nghị khởi tố hàng năm rất ít, chỉ 3 - 4% và chỉ có 2% số vụ được đưa ra khởi tố. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động và 10% doanh nghiệp báo cáo về TNLĐ. |