An Thuyên, nhạc sĩ của miền quê
- Văn hóa - Giải trí
- 16:30 - 09/07/2015
1. VỊ TƯỚNG NHẠC SĨ ĐẦU TIÊN
Sau đại hội nhạc sĩ Việt Nam kết thúc vào ngày 25/6/2015, chỉ trong 10 ngày qua, 4 nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc nước nhà liên tục nối nhau đi về cõi vĩnh hằng, trong đó Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân thuộc thế hệ đàn anh, còn An Thuyên thuộc lứa đàn em, khi sinh ra thì các bậc đàn anh đã nổi tiếng cả rồi.
Nhưng may thay, An Thuyên lớn lên trong một gánh hát gia đình mà cha là một người giỏi cả đàn lẫn hát. Khi gánh hát gia đình ngừng hoạt động, với năng khiếu “di truyền”, Thuyên được tuyển vào làm nhạc công ở một đoàn văn công của tỉnh, rồi theo các bậc đàn anh đi sưu tầm dân ca xứ Nghệ. Mãi đến năm 1975, Thuyên mới chuyển sang quân đội, tham gia văn nghệ tỉnh đội, và sáng tác ca khúc. Một chiến sĩ từ năm 1975 chuyên hoạt động nghệ thuật mà đến năm 2008, Thuyên đã được phong đến hàm cấp tướng thì quả là hiếm có.
Tôi còn nhớ khi được phong tướng, Thuyên có mời tôi và một số nhạc sĩ đến trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, nơi anh làm Hiệu trưởng để chia vui. Hôm đó nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn rất xúc động phát biểu, đại ý: Chúng tôi là những nhạc sĩ trong quân đội đã kinh qua cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhưng chưa ai được phong tướng cả; có lẽ đến thời điểm này, An Thuyên là tướng – nhạc sĩ duy nhất.
Tôi nghĩ, làm quan làm tướng đều có “số” cả. Sau khi học xong đại học sáng tác âm nhạc, lẽ ra Thuyên sẽ trở về đoàn Văn công Quân khu Bốn tiếp tục công tác, nhưng may thay, Thuyên đã gặp được tướng Đặng Vũ Hiệp lúc ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tướng Hiệp rất thích những bài hát của Thuyên, và ông đưa Thuyên về làm việc ở Phòng Văn nghệ Quân Đội, rồi khi thành lập trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông đã chọn người nhạc sĩ mà ông yêu quý như con đẻ về đó làm Hiệu trưởng. Gần 20 năm xây dựng trường, An Thuyên góp nhiều công sức, là linh hồn của trường. Rồi trường Cao đẳng được nâng cấp lên Đại học, Thuyên cũng được phong từ đại tá lên thiếu tướng.
Nhưng nếu An Thuyên không có những bài hát nổi tiếng làm say đắm lòng người thì chắc tướng Đặng Vũ Hiệp cũng chẳng biết anh là ai. Và tất nhiên cũng sẽ chẳng có một An Thuyên thiếu tướng, nhạc sĩ mà đông đảo công chúng và học trò ngưỡng mộ.
Biết và làm việc với An Thuyên đã lâu, nhưng tôi vẫn bất ngờ về sự quan tâm đặc biệt của nhiều tầng lớp trong xã hội với anh khi được tin anh qua đời. Tôi đưa tin buồn này lên Facebook và ngạc nhiên về số lượng truy cập cùng số comment chia buồn, thương tiếc của cộng đồng mạng.
Chỉ trong 2 ngày đã có trên 7.000 like, hơn 2.000 comment và trên 300 chia sẻ đường link. Nhạc sĩ Lê An Tuyên là người xứ Nghệ sống ở Đức viết trên Facebook nỗi tiếc thương của mình: “Từ tối qua tới giờ mình không muốn vào FB, không muốn đọc báo nữa vì tất cả các trang đều báo tin đau buồn này… Sáng nay mình đóng cửa hàng vì buồn quá, thương tiếc nhạc sĩ An Thuyên vô cùng, một người nhạc sĩ tài ba, nhân hậu. Cách đây ba hôm, hai anh em còn trò chuyện với nhau qua điện thoại, mình nói trong sáng tác của mình có ảnh hưởng rất lớn từ anh ấy. Mình sang Đức đã hơn 25 năm dù bão tuyết, mưa sa hay đau ốm, vẫn cố gắng đi làm, chưa bao giờ tự đóng cửa hàng cả…, thế mà hôm nay nghe tin nhạc sĩ An Thuyên… Mình không muốn tin sự ra đi của anh là có thật”.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi sổ tang trong buổi lễ viếng cố nhạc sĩ An Thuyên (ảnh Vietnamnet)
Nhiều học trò và người yêu nhạc đã khóc trong bàng hoàng, tiếc thương người nhạc sĩ – nhà giáo. Nhiều người chưa từng gặp An Thuyên, nhưng họ đã coi anh là người tri kỷ của họ. Có người mấy ngày nay luôn nghe những bài hát của An Thuyên mà họ yêu thích; họ muốn chìm ngập trong những âm hưởng dân ca mượt mà và da diết để có cảm giác là chưa phải vĩnh biệt tác giả của nó.
Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác ca khúc đầu tiên từ năm 15 tuổi, nhưng ca khúc đầu tiên ấn tượng đối với tôi lại là Em chọn lối này. Đó là lần ca khúc này xuất hiện trên sân khấu hội diễn Văn nghệ Quân khu Bốn năm 1978, được hát bởi tốp ca nữ của đội Tuyên truyền văn hóa Tỉnh đội Nghệ Tĩnh. Hồi đó An Thuyên đã nhập ngũ được 3 năm, và ca khúc này được anh sáng tác trong chuyến đi cùng bộ đội công binh làm đường ở miền tây Nghệ An.Ca khúc này được tranh luận khi chấm giải giữa nhạc sĩ Ánh Dương, nhạc sĩ Thái Quý và tôi trong Ban giám khảo. Tôi và Thái Quý cho rằng, đây là ca khúc hay, chỉ tiếc là tốp ca nữ biểu diễn chưa xuất sắc nên chỉ chấm giải B, còn nhạc sĩ Ánh Dương thì kiên quyết xếp giải C. Nhưng cuối cùng thì “thiểu số phục tùng đa số”, Ánh Dương đã thuận theo tôi và Thái Quý.
Hàng trăm nghệ sĩ, nhạc sĩ đến dự lễ viếng ông (ảnh Vietnamnet)
Sau đó không lâu, Em chọn lối này được Thanh Hoa hát và phát đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam gây hiệu quả bất ngờ, rất nhiều người yêu nhạc đã đề nghị phát lại “theo yêu cầu thính giả”. Và tên tuổi An Thuyên được biết đến từ đó. Rồi An Thuyên được điều về đoàn Văn công Quân Khu Bốn với tư cách là nhạc sĩ sáng tác.
Có lần Thanh Hoa khoe với tôi tấm bưu thiếp An Thuyên gửi lời cám ơn ca sĩ đã hát thật hay bài hát này, và trong hình bông hoa, An Thuyên đã lồng bức ảnh chân dung nhỏ xíu của mình trong hình một trái tim được cắt trổ. Có lẽ, đó cũng là một cách cám ơn của người nhạc sĩ xứ Nghệ tài hoa và đa cảm này.
2. NGƯỜI CÁCH TÂN DÂN CA
Có thể nói, An Thuyên là người nhạc sĩ đã làm ra nhiều điệu dân ca mới cho người Việt. Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi, Vầng trăng đò đưa, Hà Tĩnh mình thương… là những bài dân ca mới của Nghệ Tĩnh. Em chọn lối này, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu… là những bài dân ca mới của các dân tộc miền núi phía bắc. Huế thương, Nhớ về mẹ Suốt, Chiều Hiền Lương… là những bài dân ca mới của Bình Trị Thiên. Chú cuội chơi trăng, Chiều sông Thương, Xe tăng qua miền Quan họ… lại đậm chất dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Là một nhạc sĩ quân đội, An Thuyên đã làm ra nhiều bài hát tâm tình cho lính hát như Hành quân lên Tây Bắc, Mẹ Việt Nam anh hùng, Khúc hát ru của những người mẹ lính… phảng phất chất dân ca 3 miền. Âm nhạc của anh sử dụng nhiều mô-típ có quãng 4 thứ hay quãng 3 thứ thường tạo nên những tình cảm da diết, khắc khoải trong dòng chảy của tình cảm.
Cố nhạc sĩ An Thuyên
Nói An Thuyên làm ra nhiều điệu dân ca mới hay “người cách tân dân ca” là bởi âm nhạc anh thấm đẫm chất dân ca, đặc biệt là dân ca Nghệ Tĩnh quê hương anh. Từ những ngày làm nhạc công ở một đoàn nghệ thuật của tỉnh nhà, anh không chỉ đi biểu diễn ở nhiều nơi, mà còn mang máy ghi âm đi sưu tầm những làn điệu dân ca miền xuôi, miền ngược. Những làn điệu dân ca quê hương thấm sâu và trái tim dòng máu của người nghệ sĩ, để khi sáng tác ca khúc, thì những âm hưởng ấy như là của chính anh tuôn chảy theo lời ca vang vọng tới trái tim bao người. Chỉ với một ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, ta đủ thấy anh đã sử dụng kết hợp 2 làn điệu dân ca Ví và Giặm Nghệ Tĩnh thật tài tình. Nghe bài hát này ta có cảm giác như anh đã ghép 2 làn điệu Ví, Giặm lại với nhau: trổ 1 là Ví, trổ 2 là Giặm. Nhưng thực ra trong tiến trình sáng tạo, đây là một tác phẩm âm nhạc kết hợp cấu trúc dân ca Nghệ Tĩnh và cấu trúc phương Tây, gồm 2 đoạn đơn, đoạn A nhịp điệu 2/4 tự do với âm hưởng hát Ví được rút gọn thành chủ đề và biến hóa mới mẻ; đoạn B sử dụng tiết tấu hát Giặm, nhanh hơn, pha trộn nhịp 2/4 và nhịp 7/8 tạo nên sự tương phản mạnh khiến ca khúc trở nên sinh động lạ lùng. Và sau 2 đoạn A-B, tác giả đã mở thêm một câu kết như một coda ngắn gọn trở lại chủ đề âm nhạc ban đầu là hơi thở của hát Ví để gói lại cảm xúc của mình. Nói như thế để thấy rằng, An Thuyên luôn trăn trở để tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo cho những tác phẩm âm nhạc phát triển từ phong cách dân gian truyền thống mà các nhạc sĩ lớp trước đã có công khai mở. Tuy nhiên đôi lúc do quá “nặng lòng” với dân ca, có tác phẩm của anh khiến người nghe cảm thấy quá gần với dân ca gốc như trường hợp ca khúc “Bâng khuâng đêm Hà Tĩnh”.
Trong sáng tạo âm nhạc, An Thuyên rất sợ sự nhàm chán, nên anh luôn tìm kiếm, khám phá những nét nhạc độc đáo mới lạ để làm cho mình đa dạng và phong phú hơn. Tự biết sử dụng chất liệu Nghệ Tĩnh là thế mạnh, nhưng nhiều quá dễ bị trùng lặp, anh đã tìm đến với dân ca của nhiều vùng miền khác nhau như Bắc Bộ, miền núi, miền Trung hay Nam Bộ. Và đặc biệt là với chất liệu cồng chiêng Tây Nguyên khi viết kịch hát “Đất nước đứng lên”. Không như những nhạc sĩ bậc thầy được đào tạo cẩn thận ở nước ngoài, An Thuyên chọn cho mình một cách làm khác: Anh viết toàn bộ phần thanh nhạc với 30 ca khúc hợp xướng, aria, dio, tốp ca, v.v… theo kịch bản của mình, rồi cùng với 3 nhạc sĩ khác soạn cho dàn nhạc (xưa nay, các nhạc sĩ viết opera đều tự làm lấy toàn bộ âm nhạc).
Và để kết hợp học và hành, An Thuyên đã chọn chính thầy trò Trường Nghệ thuật Quân đội của mình để thể hiện, coi như một cuộc tổng học hành chưa từng có. Hiệu trưởng An Thuyên trực tiếp làm đạo diễn, chủ nhiệm khoa Đức Trịnh chỉ huy và đạo diễn phần âm nhạc, Kiều Lê, Thanh Tâm biên đạo múa, Tất Ngọc, Nguyễn Hải thiết kế mỹ thuật và 120 sinh viên làm diễn viên. Một điều đặc biệt là trong 120 diễn viên thì gần 80 người là dân Tây Nguyên đang theo học ở trường. Những nhân vật chính đều do dân Tây Nguyên sắm vai: Agri trong vai anh Núp, Y Thanh Nhị trong vai Mai Liêu (vợ anh Núp), Mai Trang trong vai mẹ anh Núp, Kso Dực trong vai già làng, v.v… Với vở nhạc kịch mang đề tài Tây Nguyên này, anh đã tạo nên một âm hưởng Tây Nguyên của riêng mình với nhiều sắc thái nội tâm phức tạp và đa dạng. Có những aria cho nhân vật Núp, Mẹ Núp được Agri và Mai Trang thể hiện khá ấn tượng, truyền cảm mạnh. Những bài tốp ca như Mùa xuân trên nương rẫy giai điệu rất đẹp và sinh động. Các bản hợp xướng đều vang vọng tính hào hùng của miền núi rừng Tây Nguyên bất khuất và trữ tình. Đây là một thành công của người nhạc sĩ luôn hết lòng với nghề, với các miền quê, với Tổ quốc thân yêu.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (giữa) và nhạc sĩ An Thuyên – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Hơn 40 năm hoạt động âm nhạc, làm nhà giáo, nhà quản lý, An Thuyên đã phấn đấu không ngừng nghỉ. Ngay cả khi đã nghỉ hưu anh vẫn lăn lộn với phong trào âm nhạc, văn hóa và không ngừng sáng tác. Nhiều tác phẩm của anh xuất hiện trong các liên hoan nghệ thuật cả bài cũ bài mới luôn gây sự chú ý, yêu thích của đông đảo công chúng và đồng nghiệp.
Ngày cuối cùng của An Thuyên vẫn là ngày anh làm việc với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Doanh nghiệp cho tới lúc thấy đau tức ngực quá mới để cho mọi người đưa vào bệnh viện. Có lẽ anh cũng không ngờ rằng, cơn nhồi máu cơ tim cấp đầy nguy hiểm chiều hôm đó đã vĩnh viễn mang anh đi, rời xa cõi tạm mà anh hằng yêu mến. Anh cũng không biết rằng, những bản nhạc quê hương của mình đang được vang lên trên mọi miền đất nước và cả những miền quê xa nơi nghìn trùng cách trở. Những bản nhạc ấy vang lên để nhớ anh, để khóc anh và để tiễn anh….
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc