THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:42

Ăn Tết các dân tộc thiểu số tại Thủ đô

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là hoạt động thường niên do Bộ VH-TT&DL tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Năm nay, ngày hội sẽ được tổ chức với 4 hoạt động chính gồm: Chương trình gặp mặt, chúc Tết, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đại diện kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; Giới thiệu, tái hiện các phong tục đón Tết truyền thống tiêu biểu và biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi, ẩm thực ngày Tết của cộng đồng các dân tộc; Giới thiệu làng nghề thủ công truyền thống, sản vật địa phương, vùng miền các dân tộc Việt Nam; Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết”.

Các hoạt động sôi nổi diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ngày hội có sự tham dự của trên 140 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của các cộng đồng dân tộc Mông, dân tộc Thái (Sơn La); dân tộc Dao (Tuyên Quang); dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Lạng Sơn); dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Kinh (Bắc Ninh); 100 đại diện tiêu biểu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; khoảng 3000 học sinh, sinh viên thuộc các trường tại Hà Nội...

Đây cũng là dịp để gặp mặt, giao lưu đoàn kết và tôn vinh văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam giữ gìn truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc. Trong số các lễ hội được tái hiện như: Tết Xên Hươn (Lễ cúng nhà đón Tết) của dân tộc Thái (Sơn La), Tết Nguyên đán của dân tộc Mường (Hòa Bình) và dân tộc Tày (Lạng Sơn), các hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc... có thể kể đến phong tục đón Tết Nguyên đán (Naox –cha) của đồng bào dân tộc Mông (Sơn La).

Diễn ra vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, Tết truyền thống dân tộc Mông (Sơn La) có nhiều nghi lễ, phong tục cũng như các hoạt động vui chơi lễ hội rất độc đáo. Tết truyền thống là dịp để đồng bào Mông (Sơn La) vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những trò chơi, những bài hát, tiếng khèn như kết nối mọi người gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết đồng bào khắp thôn bản. Đây cũng là điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Đồng bào thường đón Tết từ 30/11 đến 5/12 âm lịch, vào ngày 30 Tết khắp bản làng nhộn nhịp không khí chuẩn bị đón Tết. Nhộn nhịp nhất có lẽ phải kể đến việc mổ lợn. Những chú lợn to, đẹp nhất được đưa vào trước ban thờ gia đình cắt tiết. Làm vậy là để báo với các vị thần linh, báo với tổ tiên và mời các vị về đón tết cùng con cháu. Theo phong tục của đồng bào Mông, trong 3 ngày Tết chính, mọi người chỉ được ăn thịt, không ăn rau nên ngoài ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, thịt lợn còn là thực phẩm chính trong mâm cơm ngày Tết.Khoảnh khắc giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên.

Buổi tối đêm 30 Tết nhà nhà đều ngồi chờ giao thừa, ôn lại những câu chuyện của năm cũ, hay ngồi hát những bài hát truyền thống đón xuân. Bếp lửa theo truyền thống không thể thiếu trong 3 ngày tết của người Mông, luôn cháy rực để sưởi ấm cho tổ tiên, các cụ về ăn tết, và cũng là sưởi ấm cho mọi người, khiến cho không khí ngày xuân ấm áp hơn trong cái lạnh nơi vùng cao. Đồng bào Mông ăn tết trong 3 ngày chính và hoạt động vui chơi kéo dài cả tháng.

Trong những ngày Tết chính, mọi người trong khắp thôn bản tìm đến gia đình chúc tụng nhau. Mâm cỗ luôn được gia đình chuẩn bị trước và sẵn sàng tiếp khách.Cùng với tái hiện Tết truyền thống của các dân tộc, từ ngày 7-15/2 các làng nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, sản vật địa phương đặc trưng các dân tộc Việt Nam cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu, bày bán tại không gian Khu các làng dân tộc III.

Theo BTC Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, các hoạt động đón Tết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đa dạng, phong phú, nhằm phục vụ đại biểu, du khách, qua đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, điểm đến thân thiện và hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Lâm Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh