THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:18

Nhiều tỉnh thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo

 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1 - 1,5%

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018 - 2020. Đồng ý với các nhóm giải pháp tăng trưởng của Chính phủ, đồng thời nêu ra một số bất cập trong việc phân bổ ngân sách trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia, Đại biểu Tống Thanh Bình cho rằng tiến trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các tỉnh miền núi còn rất chậm, việc hỗ trợ sản xuất chưa được các bộ chủ quản hướng dẫn cụ thể. 

Đại biểu cũng góp ý về việc bố trí vốn triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện; góp ý đổi mới quy trình thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn chi tiết để thực hiện các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Đây là các chương trình quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa nhưng phân bổ nguồn vốn chưa phù hợp, giải ngân chậm.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đánh giá cao thời gian qua, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện cơ bản đồng bộ

Đóng góp ý kiến về nội dung thực hiện các chính sách giúp thực hiện Mục tiêu giảm nghèo bền vững, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đánh giá cao thời gian qua, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện cơ bản đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân và các đối tượng chính sách của xã hội tiếp tục được chăm lo. “Nhiều chương trình chính sách đã đi vào cuộc sống như Chương trình giảm nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo, chương trình phát triển kinh tế xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi; rồi phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau… Ước tính cả năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1 - 1,5% so với cuối năm 2016”, đại biểu Thủy nói.

Có được kết quả này, theo đại biểu Thủy, là do sự lãnh đạo của Đảng, việc thực thi hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương. Nhiều tỉnh thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, từng bước thoát nghèo. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững, tăng cường khả thi tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

Tuy thế, đại biểu Thủy cho biết, người dân ở vùng khó khăn chịu ảnh hưởng thiên tai cao, nhất là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, tuy đã được qan tâm đầu tư, nhưng cơ sở hạ tầng ở miền núi , DTTS vẫn là yếu kém nhất. Thiên tai lũ lụt ngày càng phức tạp, làm cho điều kiện giao thông, sản xuất ngày càng khó khăn.

“Thu nhập của người dân những vùng này thấp, bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết. Khả năng tích lũy của người dân thấp, hầu như không đáng kể, do đó, việc đầu tư cho sản xuất khó khăn, nguồn vốn vay ưu đãi hạn chế… Hiệu quả xóa đói giảm nghèo của tín dụng ưu đãi thực sự chưa đến được với người dân đầy đủ… đã làm cho công tác xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo từng khu vực miền núi dân tộc nói riêng còn gặp nhiều khó khăn”, nữ đại biểu đoàn Hòa Bình nhận định.

Chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn

Do đó, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tỷ lệ hộ tái nghèo cao. Đây là điều đáng quan tâm. Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy kiến nghị, cần ban hành chính sách khung và giao ngân sách tổng thể trung hạn; có cơ chế để huy động nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân các hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo; Chính sách và nguồn lực phải công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả, chuyển dần từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Còn đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lưu ý, hai chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sau 3 năm bố trí 37.650 tỷ đồng, đạt 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm nên khó đạt mục tiêu. Vốn đầu tư của 21 chương trình mục tiêu gắn với tất cả các lĩnh vực trung hạn hiện chỉ đạt 53% như Thủ tướng phê duyệt.

“Với tốc độ bố trí vốn như hiện nay, việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo. Nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn hoặc không bố trí vốn. Ngân sách Trung ương hạn hẹp, năm 2015 - 2016 đều hụt thu, khó khăn cho bố trí các công trình, dự án quan trọng nhưng hỗ trợ chi đầu tư cho địa phương dàn trải, vượt quy định của luật NSNN (quy định không quá 30% nhưng dự toán 2018 bố trí 46,29%). Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc có giải pháp khắc phục”, đại biểu Hàm đề nghị.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) 

Góp ý về dự toán ngân sách, đại biểu Hoàng Quang Hàm ( Phú Thọ) cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, đặc biệt là tiền vay và phân bổ đầu tư dàn trải, ưu tiên cho mục tiêu phát triển cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí vốn chậm 85 nghìn tỷ dành cho các công trình quan trọng quốc gia đã 3 năm, đến 2018 chưa bố trí đủ nguồn vốn.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh