An Giang: Tăng cường hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập
- Dược liệu
- 14:17 - 11/08/2020
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh có gần 14.200 hộ nghèo, chiếm 2,63% và hộ cận nghèo gần 29.500 hộ, chiếm 5,45%.
Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số toàn tỉnh có gần 3.320 hộ, chiếm 12,21 % tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về giảm nghèo với nhiều chính sách như: tín dụng ưu đãi; hỗ trợ y tế; hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm… đạt kết quả tích cực.
Hiện tỉnh An Giang đang triển khai hiệu quả nhiều chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các ấp đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ấp đặc biệt khó khăn. Song song đó, tỉnh hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi... góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Cuối năm 2020, An Giang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dưới 2%. Để đạt mục tiêu này, theo Sở LĐ-TB&XH An Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp để triển khai đồng bộ các giải pháp, kế hoạch, giảm nghèo cụ thể cho riêng từng xã, từng huyện.
An Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mọi người tham gia chương trình giảm nghèo gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Các chính sách giảm nghèo được triển khai phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân, để tất cả người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận đầy đủ các chế độ chính sách mà Nhà nước hỗ trợ.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho các mục tiêu giảm nghèo như: hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm... tạo mọi điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Các địa phương tăng cường đối thoại với người nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có kế hoạch giúp họ làm ăn nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.