THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

An Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt 31,5% tỷ lệ lao động qua đào tạo

Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTG ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. 

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 31,5% tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ và đạt 39% vào năm 2030; Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và đạt 90% năm 2030; Tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 35% và đến năm 2030 dưới 25%. 

An Giang khai giảng hai lớp dạy nghề ngắn hạn Hàn hồ quang và Thực hành tiện cơ bản cho lao động bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19.

An Giang khai giảng hai lớp dạy nghề ngắn hạn Hàn hồ quang và Thực hành tiện cơ bản cho lao động bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19.

Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm. Phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% vào năm 2025 và chiếm khoảng 5% vào năm 2030.  

Phấn đấu năm 2025 có 80% và năm 2030 có trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp; Có 40% và năm 2030 có 45% lao động được Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm; Triển khai thực hiện hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về lao động.  

Từ năm 2026, thực hiện quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu tỉnh về lao động, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các tỉnh, của quốc gia và quốc tế.

Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông với các tỉnh trong toàn quốc và mở rộng kết nối với thị trường quốc tế. 

Tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để triển khai hiệu quả việc phát triển thị trường lao động trong thời gian tới như thực hiện, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; Hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; Hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Tỉnh An Giang hiện có gần 66.000 công nhân, lao động đang làm việc trong 230 đơn vị, doanh nghiệp khu vực sản xuất kinh doanh có tổ chức Công đoàn, chiếm tỉ lệ trên 55% tổng số công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh.

Trong năm 2022, An Giang tổ chức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 20.000 người (số lao động nữ được học nghề nghiệp chiếm ít nhất 41,5%), số lượng tốt nghiệp là 15.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 68%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%. Đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước, cũng như công tác chăm lo đời sống cho công nhân lao động, đồng thời luôn đồng hành cùng LĐLĐ tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và nắm bắt, xử lý kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp và của công nhân.

KIM ANH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh