An Giang: Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu ít nhất 1.500 lao động tham gia xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 17:27 - 22/04/2021
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đưa ít nhất 1.500 lao động tham gia xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm đưa ít nhất 300 lao động đi xuất khẩu lao động và căn cứ vào lực lượng lao động trong độ tuổi lao động sẽ phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hơn 164 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.000 lao động thuộc nhóm 1 và 500 lao động thuộc nhóm 2 được hỗ trợ chi phí ban đầu và hỗ trợ tín dụng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Để triển khai thực hiện hiệu quả, thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh và huyện. Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xuất khẩu lao động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất phương án giải quyết. Đồng thời, Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn với sự tham gia đồng bộ của các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội.
Lựa chọn những doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, có năng lực, uy tín, có thị trường ổn định, đơn hàng phù hợp được Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thẩm định, có nhu cầu tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đưa đi xuất khẩu lao động và cam kết thực hiện đúng các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản hướng dẫn và các nội dung thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật.
Khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp lớn được cấp phép và có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tăng cường các hoạt động tuyển dụng và mở văn phòng đại diện tại tỉnh và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, huyện trong công tác xuất khẩu lao động.
Tổ chức tư vấn, vận động người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng có khả năng đi xuất khẩu lao động tham gia xuất khẩu lao động; hướng nghiệp, tư vấn về xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ; đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước; đào tạo nghề cho người lao động sát với thực tế công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài trước khi người lao động đến làm việc.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động tích cực của xuất khẩu lao động; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về xuất khẩu lao động; Tổ chức hội, đoàn thể tăng cường lồng ghép nội dung về xuất khẩu lao động trong các buổi sinh hoạt, tập huấn; Thành lập các chuyên trang về xuất khẩu lao động của tỉnh thông qua phương thức truyền thông thế hệ mới như: website, zalo, facebook… để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật, quyền lợi, thông tin về thị trường xuất khẩu…