THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:26

Ấn Độ và Việt Nam có thể bổ trợ cho nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Ấn Độ và Việt Nam có thể bổ trợ cho nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ. Ảnh: Công Thương

Báo Công Thương dẫn thông tin từ Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam trong 1 cuộc họp diễn ra ở Hà Nội mới đây cho biết, do tác động của dịch bệnh, một số doanh nghiệp Ấn Độ tham gia sản xuất toàn cầu đã bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên cũng có nhiều mặt hàng mà Ấn Độ có thể thay thế và muốn bổ sung vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế có sự bổ trợ cho nhau rất lớn, ví dụ trong lĩnh vực dệt may, da giày.

"Chúng tôi có thể cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng muốn làm việc với doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm mà Ấn còn thiếu hụt" - Đại sứ Pranay Verma cho hay.

Chính phủ hai nước đã đặt ra mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, hai bên nhìn nhận mục tiêu này không chỉ ở khía cạnh thương mại mà bao gồm cả đầu tư của Ấn Độ sang Việt Nam và ngược lại.

Theo Đại sứ Pranay Verma, Ấn Độ đang có mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD. Trong quá trình phát triển đó chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác cho cả hai bên được mở ra và Ấn Độ mong muốn Việt Nam đồng hành cùng Ấn Độ trong chặng đường này. Đại sứ bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đến nhiều cơ hội đầu tư trong những lĩnh vực ưu tiên của Ấn Độ, trong đó có lĩnh vực hạ tầng. Thời gian tới, Ấn Độ cũng quan tâm đến việc mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm. Đây là những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhận thấy Ấn Độ là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hiện, Ấn Độ đang có khoản tín dụng 1 tỷ USD dành cho kết nối, cụ thể là kết nối hạ tầng và kết nối số và các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này để tận dụng nguồn tín dụng trên.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các định mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho phép lên tới 100% vốn FDI trong thương mại điện tử, sản xuất thực phẩm... Tất nhiên, còn một lưu ý quan trọng khác, đó là bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về những tập tục, phong tục, luật pháp tại Ấn Độ để hạn chế rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa.

Liên quan, theo TTXVN, Liên hiệp các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) ngày 1/3 cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng bất lợi đáng kể do sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Ấn Độ có thể thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường toàn cầu để "lấp đầy" khoảng trống do Trung Quốc để lại.

Assocham lưu ý các nhà xuất khẩu điện tử, dược phẩm, hóa chất đặc biệt và ô tô của Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu và đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung song các doanh nghiệp nước này lại có thêm cơ hội ở một số lĩnh vực khác.


CT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh