THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

ăn chơi ở Mỹ: Lạ lạ và quen quen...

Xài tiền phải nhớ thuế, nhớ boa...

Tại Mỹ, giá bán mọi thứ đều ghi rõ ràng nhưng phải hiểu nếu mua hay sử dụng dịch vụ là phải trả thêm tiền thuế và rất nhiều trường hợp dịch vụ, là phải có thêm tiền típ (tiền boa thêm cho người phục vụ). Và thuế với tiền boa ở mỗi nơi là có khác nhau. Một xuất ăn ghi giá 7,5 đô ở quán có người phục vụ chẳng hạn, thì anh nên biết rằng ăn xong phải trả 10 đô, tức là 7,5 đô cộng với tiền thuế 14%  và tiền boa cỡ 10 -15% nữa. Mua một quả táo, một quả chuối ăn chơi, cũng phải đóng 14% thuế đàng hoàng. Còn tiền boa thì vô kể... Đi taxi cũng phải boa, nếu tiền trên đồng hồ là 35, 36 đô thì nhớ đưa boa thêm cho tròn là 40 đô, để lái xe taxi nhấc hộ đồ của bạn xếp vào xe hay bỏ từ xe xuống đường thì phải boa thêm, độ 1 hoặc 2 đô cho mỗi túi đồ, nếu không là quê lắm đấy. Nhờ nhân viên khách sạn gọi giúp một chiếc xe taxi cũng phải boa, ít nhất 5 đô. Nhân viên xách giúp đồ từ xe xuống sảnh cũng boa, tuỳ theo khách sạn sang hay thường mà boa hơn hay kém, khoảng 1 đô hay 1,5 và 2 đô một vali hay túi xách, cứ số lượng nhân lên với giá ấy mà đưa...

Tiền thuế đã đi một nhẽ. Nhưng tiền boa mà cộng lại cả chuyến đi thì cũng khơ khớ. Tiền boa có gốc từ tiếng Pháp là pour boir (puốc boa), nghĩa là dùng cho việc uống nước. ở Việt Nam, khi đưa dôi thêm tí tiền chi cho một khoản nào đó, ta hay nói: “Gửi thêm bác một chút để uống nước” là thế. Và cứ thử tính một nhân viên khách sạn một ngày xách đồ, gọi xe, nhận từng ấy tiền boa, rồi quy đổi ra tiền Việt, mà chỉ dùng vào việc uống nước thôi thì có mà... vỡ bụng.

Tiếp tân đuôi nheo đỏ, đuôi nheo xanh...

Tôi đã được đi một số nước châu Âu nên biết cái chuyện tương tự ở Mỹ, cùng mời nhau đi ăn, nếu không nói ai trả tiền cho ai thì có nghĩa là khi trả tiền thì ai trả của người ấy, nhớ cộng thêm tiền thuế và tiền boa.

Nhưng tôi có một sự ngạc nhiên khi dự cuộc tiếp tân tại thành phố Kansas, thuộc bang Missouri ở giữa nước Mỹ. Chúng tôi được mời đến Californos Restaurant ở khu Westport. Nhiều người hoan hỉ đón. Vào trong, thấy mỗi người nhận một cái thẻ in tên mình, bên dưới lại có đuôi nheo như để trang trí. Thẻ thì giống nhau, nhưng đuôi nheo thì lại khác, có ba màu xanh, vàng và đỏ. Đuôi nheo của chúng tôi màu xanh. Hỏi anh phiên dịch thì được giải thích: Những ai đeo đuôi nheo đỏ là người sẽ trả tiền cho cả mình và khách đuôi nheo xanh. Một số đồ ăn nhẹ như để khai vị đã bày sẵn, còn đồ uống thì tự gọi. Đuôi nheo xanh cứ thích dùng gì thì gọi, sẽ có đuôi nheo đỏ trả tiền cho. Còn đuôi nheo vàng cũng gọi nhưng sẽ phải tự trả tiền lấy. Tôi thấy khoái khoái cái vụ đuôi nheo này. Chỉ tiếc hôm ấy cứ mải uống, nói chuyện, không đụng đến mấy cái món nghĩ là để khai vị, đợi món chính thịnh soạn mang ra thì mới ăn như kiểu tiếp khách ở nhà mình, thành ra bụng rỗng không... Hóa ra không có món thịnh soạn nào cả. Nếu đuôi nheo xanh thích ăn gì thì gọi, đuôi nheo đỏ trả tiền cho, còn không gọi thì dĩ nhiên là không có.

Một cuộc tiếp tân ở quán ăn Italia nhìn ngay ra cây cầu dài vượt vịnh biển San Francisco cũng làm tôi ngạc nhiên. Hôm đó, anh phiên dịch xem chương trình rồi nói: “Họ mời nhưng không nói ai trả tiền, lại ghi là khách đi taxi đến. Thế có nghĩa là các anh phải tự chi tiền taxi, ăn uống xong, tiền thanh toán sẽ chia đều chủ và khách đấy”. Có người cáu: “Mời kiểu gì lạ, đã không đón rồi, lại còn tự trả tiền ăn. Không đi nữa”. Liên lạc lại phía mời, họ bảo là đã đặt chỗ rồi, không hủy được. Thế là bấm bụng đi, vừa đi vừa tức. Hóa ra cuộc gặp lại rất vui vẻ, chân tình và cởi mở, địa điểm quán ăn thì đẹp và nhộn nhịp. Tất nhiên, đúng như đã được thông báo trước là khách ngoài việc trả tiền đi taxi đến, vẫn “được” bình đẳng chia đều tiền thanh toán bữa tiếp tân, đâu như mỗi người khoảng 32 đô.

Bạc đầu vào quán rượu vẫn bị đóng dấu tay

Trong cuộc tiếp tân ở Kansas, có ông tỏ ra quý mến tôi đặc biệt. Đó là ông Steven R. Fuller, sau này tôi mới biết ông là luật sư, chánh án thành phố này. Ông Steven hỏi tôi là nhà văn thì viết thể loại gì, tôi bảo viết nhiều thứ, trong đó có truyện thiếu nhi. Nghe thế ông chạy vút đi rồi kéo cô vợ trẻ người Philippines lại giới thiệu và nói rằng vợ ông sau này sẽ viết truyện cho trẻ con, nhờ tôi phổ biến kinh nghiệm cho. Tôi bảo viết truyện thiếu nhi dễ lắm, cứ nghe bọn trẻ con nói chuyện với nhau, đừng cho nó biết mình đang nghe, sau đó viết lại là thành công. Ông ồ lên: “Thật là tuyệt vời” và cứ xoắn xuýt chuyện, lại bảo tí nữa có một chị bạn là luật sư, người Việt sẽ đến, có ý là sẽ được nói chuyện với nhau thỏa mái với chị ấy phiên dịch cho. Tôi nhớ sau đó vào lúc nào đấy, anh phiên dịch có bảo ông ấy hỏi tôi có uống rượu mạnh không. Tôi đang thèm rượu mạnh, nên gật lia lịa. Từ hôm đi, chả có cuộc rượu nào ra hồn cả, với lại rượu mạnh ở Mỹ đắt lắm. Nhưng sau đó chả thấy rượu mạnh đâu cả. Sau buổi tiếp tân thì thấy hai vợ chồng ông tìm. Ông nói tiếng Anh, tôi nghe câu được, câu mất nhưng cũng hiểu nghĩa là ông mời chúng tôi đi uống. Tôi nói rằng tôi thích uytky. Ông sáng mắt lên: “Uytky, uytky. OK!”.

Vòng vèo mãi trên phố rồi chúng tôi cũng đến một quán rượu kiểu Mỹ. Rộng vô cùng, cả trong nhà, cả ngoài trời, âm nhạc ầm ĩ. Tủ rượu cao ngất đến tận cả nóc nhà. Cửa ra vào có bảo vệ mặt mũi nghiêm trọng. Mọi người vào đều phải trình căn cước hoặc hộ chiếu. Họ giải thích là phải chỉ người trên 21 tuổi mới được vào. Tôi bảo với mấy anh bảo vệ nhìn tóc tôi thay hộ chiếu. Họ lắc đầu, xem hộ chiếu rồi OK, đóng vào mu bàn tay tôi cái dấu tròn tròn màu đen và mời vào. Cái dấu này là để kiểm tra bất chợt nữa chứ chưa phải thế là đã xong.

Vào quán, ông Steven và mấy người cùng đi đều không uống rượu mạnh. Trong quán lại không được hút thuốc lá. Tôi và nhà báo Nguyễn Quang Vinh cũng chỉ nuốt nổi hai ly nhỏ. Bỗng da diết nhớ những bữa tụ tập bạn bè vài chai votka Hà Nội loại to mà vẫn chưa ăn thua gì.

Đi massage, không khéo là bị kiện quấy rối tình dục

Chuyến đi dài máy bay, lại lệch múi giờ nhiều. Ngay trong nước Mỹ cũng là mấy múi. Giờ ở Washingon DC bờ biển phía Đông nhanh hơn Missouri ở giữa nước 1 tiếng, nhanh hơn California bờ biển phía Tây 3 tiếng. Vì thế, khối anh trong đoàn lử đử, bần thần... ở nhà, mỗi lần mỏi mệt, hay đi xông hơi, tắm nóng, tắm lạnh rồi massge, thế là hết ngay.

Đã bàn nhau, thôi thì đi thử một lần cho nó biết massage Mỹ là như thế nào. Với vốn tiếng Anh võ vẽ, hỏi chuyện này không khó. Trong khách sạn cũng có, ở ngoài phố San Francisco cũng thấy mấy nơi treo biển. Hỏi giá thì biết là khoảng từ 80 đến hơn 100 đô/người/giờ. Tiền ấy cộng thêm tiền boa nữa thì đã phát khiếp. Cũng có anh quả quyết, đắt thì đắt, cũng cứ đi cho biết. Hỏi dò thêm thì được mấy người có vẻ thạo dặn dò: “Vào đó, chớ có xớ rớ, không khéo bị mấy cô tiếp viên lôi ra toà kiện vì bị quấy rối tình dục, thì mất mặt đấy”.

Rồi không thấy ai đi nữa, chả hiểu là tiếc tiền hay sợ bị kiện?

Xem tivi thấy quen quen...

Buổi tối, nằm khểnh ở khách sạn, lướt các chương trình tivi thì bỗng nhận ra tivi Mỹ quen quá. Các chương trình như “Đi tìm triệu phú”, “Đấu trường 100”, “Những ẩn số vàng”... với kết cấu trường quay và cách chơi y chang luôn chương trình nhà ta. Tôi xem trọn mấy chương trình “Đi tìm triệu phú”, thấy người ta được giải thưởng khá cao, 26.000 đô, 80.000 đô. Giải thưởng của chương trình này ở Mỹ cao nhất là 1 triệu đô, mua được hẳn một căn nhà xịn. Bỗng thương cho người chơi “Đi tìm triệu phú” ở VTV3 nhà ta, giải thưởng của ta cao nhất là 120 triệu đồng nhưng chủ yếu là giải 1 triệu đồng được trao. Có lẽ phải hiểu “Đi tìm triệu phú” ở VTV3 là chủ yếu tìm người để trao “Một triệu đồng” chăng? Và người dẫn chương trình ở Mỹ phong phú lắm, vui lắm khi người chơi trả lời đúng chứ không khổ như anh Lại Văn Sâm, phải ôm đồm vừa lãnh đạo vừa dẫn bao nhiêu chương trình suốt cả tuần, anh lại hay nói, nói nhiều nói dai, thành ra gặp anh trên tivi... đến là nhàm. Anh Sâm có vẻ khoái ra mặt khi thấy người chơi trả lời sai, không như anh Thái Tuấn ở “Đấu trường 100” hoặc mấy người dẫn chương trình bên Mỹ.

Nhưng cũng phải khen là chương trình tivi nhà ta hay hơn, phong phú Mỹ. Tivi Mỹ toàn bóng chày, bóng rổ với bóng bầu dục, tịnh chả thấy bóng đá Anh, ý, Tây Ban Nha đâu cả... Rồi xem phim ở HBO, Cinemax, Stas Movis là phải trả tiền, có khi tới gần chục đô/giờ. Với số tiền ấy, truyền hình cáp ở ta có mà xem hàng mấy tháng...

Vào xem bảo tàng, cũng thấy có cái quen quen...

Nước Mỹ đến là lắm bảo tàng. Riêng chuyến đi của bọn tôi đã đến bao nhiêu nơi: Bảo tàng văn hóa gốc da den, gốc da đỏ, gốc châu á, bảo tàng truyền thông báo chí Newsuem, bảo tàng nhạc Jazz, bảo tàng bóng chày... Các bảo tàng đều rất đẹp và được tổ chức rất quy củ, có nhiều rạp chiếu phim, có cả rạp 3D như Newsuem, hay rạp phim tái hiện một trận đấu người xem phải đứng lên hát quốc ca và chào cờ như ở bảo tàng bóng chày... Đến đâu cũng đông nghịt người đến xem, mà vé vào cửa đâu có rẻ, cỡ vài chục đô/vé. Có mấy khu trưng bày, tôi thấy đồ cổ Việt được bày và bảo vệ rất cẩn trọng, nhìn kỹ thì thấy nó quen quen như đồ đã nhìn thấy ở nhà mấy người bạn chơi đồ cổ tay ngang ở Hà Nội của tôi.

Học gì thì học, chứ dứt khoát không học Mỹ về ăn...

Ra đường, nhìn thấy đầy rẫy người béo phì, mà béo phì đến độ kinh hãi, dị dạng cơ. Đó là do cái kiểu ăn của Mỹ, quá sạch sẽ, quá hợp lý, nhiều calo, đầy dinh dưỡng, dễ tiêu hoá... Đồ ăn ở Mỹ thật phong phú, đủ các món Tàu, Tây, ấn, Mexico, Thái Lan... Cách bán cũng phong phú như: chọn món tính tiền, theo mẫu bày gồm một cơm, mỳ với hai món mặn chọn tuỳ thích, bán cùng giá, hoặc bán cân. Thường thì các bữa ăn nhiều thịt, ít rau, và rau thì ở Mỹ khá đắt. Hôm ăn ở Bảo tàng Newsuem, tôi được món hời. Chả là ở đây chọn các món ăn xếp lên đĩa rồi ra cân và tính tiền. Tôi chọn toàn các loại rau sống, rắc ít muối, sốt mayone với trứng luộc, ra cân nhẹ hều, chỉ mất chưa tới 3 đô, lại được ăn rau thoả mái, trong khi bạn tôi phải trả cùng bữa ăn ấy tới 20 đô.

Khổ cái thân tôi, sáng nào cũng ăn phở thành ra quen. Mãi tận cuối hành trình, về tới San Francisco, bọn tôi mới tìm thấy mấy quán phở Việt, cũng nổi tiếng lắm, cũng gầu, cũng nạm, cũng tái, lại thêm sách và gân nhừ, rồi cả phở gà... Tất nhiên, các loại phở ấy về Hà Nội thì còn lâu mới lấy vé tới được ngoại thành. Phở có tô nhỏ, tô vừa, tô lớn, giá từ 6,5 đến 7,5 đô/tô, cộng cả thuế và boa nữa là chừng 10 đô. Người Mỹ ăn một bữa rất nhiều. Một xuất sườn rán gồm cả tảng sườn bự với khoai tây, phải hai người ta ăn vẫn ngắc ngư không hết. Phở thì họ thường ăn tô lớn, mà phải gọi là chậu phở mới đúng bởi cái bát phở nó to như cái chậu tắm cho trẻ sơ sinh lại cao thành hơn. Chả trách Mỹ lắm người béo phì thế.

Đi Mỹ cũng như đi nhiều nước khác, nhớ phở, nhớ chè chén vỉa hè... Về tới Hà Nội là lại phải lên ngay Bát Đàn làm bát phở sáng, sau đó ghé quán vỉa hè làm chén trà, hút điếu thuốc, tổng cộng chưa tới 30 ngàn đồng, quy ngược từ tiền Việt ra tiền Mỹ chưa tới 2 đô, chả thấy “bão giá” là cái đinh gì.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh