THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Am Tiên - Nơi hội tụ sinh khí đất trời

 

Đền Bà Triệu trên đỉnh núi Nưa.

Kỳ bí lễ hội đền Nưa - Am Tiên

Đền Nưa - Am Tiên (dãy núi Ngàn Nưa), trong sử sách ghi lại trước đây thuộc địa phận huyện Nông Cống, từ tháng 2/1965, thuộc huyện Triệu Sơn, đến năm 2009 được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cứ mỗi mùa xuân về, cũng là lúc từng đoàn người tìm về khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Tiên, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt, con cháu thành danh.

Quần thể núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ rộng khắp trên diện tích 55km, có đỉnh cao nhất gần 600m so với mặt nước biển, xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh. Từ trên cao nhìn xuống, một vùng đồng bằng Nông Cống - Triệu Sơn mờ ảo trải dài ngút tầm mắt. Kia là dòng Lãn Giang nằm e ấp, cuộn mình trong sương sớm. Kia nữa núi Tía, núi Lễ Động, nơi đã ghi dấu ẩn sĩ Tu Nưa đã giúp dân ngăn sông vá trời. Trên dãy núi Nưa có giếng Tiên được nhắc đến như một kỳ bí. Tuy ở độ cao khoảng 585m, nhưng ở đây vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt và không bao giờ cạn, dân gian đặt tên là giếng Tiên. Giếng Tiên là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không giải thích được trên đỉnh Ngàn Nưa. Tương truyền là giếng dành riêng để Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, tương truyền là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân bà Triệu. Trên đỉnh Núi Nưa còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Ở nơi nên thơ và quyến rũ này còn có ngôi chùa cổ gọi là chùa Am Tiên, đền chúa Thượng Ngàn (Bà Triệu hoá thân theo dân gian) và miếu ông Tu Nưa thờ vị đạo sĩ thời Trần - Hồ. Sau này, người dân trong vùng thường lên giếng xin nước về để thắp hương cúng gia tiên. Có người còn cho rằng nước giếng Tiên có thể chữa khỏi bệnh đau đầu, lấy nước gội lên đầu lát sau thấy khỏi bệnh; hay người già trong làng khi ốm thường bảo con cháu lấy nước giếng Tiên về uống sẽ chóng khỏi bệnh.

Nơi được xem là “huyệt đạo” quốc gia.

Huyệt đạo quốc gia

Trên dãy núi Ngàn Nưa còn có một huyệt thiêng hay gọi là huyệt khí dương. Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào 150m sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 m2 được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ “Cầu cho quốc thái dân an”. Ông Lê Bật Sơn, chủ trì chùa dẫn chúng tôi lên huyệt thiêng đền Am Tiên cho biết: "Đất nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là chỗ này (tức đền Am Tiên, Núi Nưa - Thanh Hóa)”. Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay nơi mở cửa trời). Điểm huyệt thiêng là Thiên - Địa - Nhân - hợp - nhất, 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Theo sử sách, đây chính là một trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng!  Ngày 9 tháng giêng hàng năm là ngày mở cửa trời. Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại.

Giếng Tiên nằm ở độ cao hơn 500m nhưng nước không bao giờ cạn.

Am Tiên còn có những gam màu bí ẩn pha lẫn trải rộng trong không gian bao la, huyền ảo. Đứng giữa huyệt đạo sẽ thấy một chiếc chuông to treo lơ lửng, khi những tiếng chuông ngân lên nhắm mắt lại sẽ cảm nhận từ sâu lắng trong không gian những hào khí ngàn năm từ trong lòng đất Na Sơn vọng về. Theo ông Sơn, nhiều du khách đến đây thăm quan đã ngồi thiền trên vị trí huyệt thiêng, họ nhắm mắt, thả lỏng người, tâm trí không suy nghĩ và đã cảm nhận có những ánh sáng loáng qua, thể lực phục hồi nhanh sau những giây phút leo núi, đôi khi còn làm hưng phấn thêm. Khí hậu nơi đây mùa hè mát mẻ, trong lành, mùa đông bao phủ bằng lớp mây mù. Đứng trên huyệt đạo hướng đông thấy biển Sầm Sơn, phía nam thấy toàn huyện Như Thanh, sông Mực, Bến En; hướng bắc thấy toàn huyện Triệu Sơn, phủ Na; hướng tây thấy huyện Như Thanh kéo dài. Còn đứng ở giữa cảm nhận có năng lượng trường sinh học, có thể nhìn thấy 4 phương 8 hướng trời.

Núi Nưa - Am Tiên nơi Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa

Khu di tích lịch sử Am Tiên đã gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248 trước công nguyên. Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa điểm, địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò đống thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân), đồng kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân). Ngoài ra, ở đây còn có cả một khu vực thờ lộ thiên để thờ cúng thần núi Tản Viên Sơn Thánh. Theo dấu tích của nền móng cũ, trong gần 20 năm qua, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để dựng lại chùa Am Tiên, đền Bà Chúa, đền Tu Nưa để thờ phụng. Ở khu vực Am Tiên, nhân dân còn thu gom được nhiều hiện vật có giá trị minh chứng về sự tồn tại lâu đời của các loại hình kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo Phật - Đạo - Mẫu trên đỉnh núi cao này. Và cũng chính vì vậy mà khu vực Am Tiên trên đỉnh núi Nưa không chỉ là nơi luyện trí mài gươm của nghĩa quân Bà Triệu, mà còn là vùng huyệt đạo linh thiêng.

Các hiện vật được cho là binh khí của quân lính của Bà Triệu.

Ông Lê Bật Sơn cho biết: Khu di tích lịch sử này rất linh thiêng, đã có từ rất lâu đời. Những năm 40 của thế kỷ trước, ông nội của ông là Lê Bật Ong đã lên đây khai phá đất rừng để trồng cây tăng thêm thu nhập. Vào thời điểm cải cách ruộng đất, di tích bị bỏ hoang, tàn phế, không ai trông coi, giữ gìn, hương khói, thì ông Lê Bật Ong đã cùng với con trai của mình là Lê Bật Quy cắt tỉa lau lách, từng bước phục dựng lại di tích trên nền móng lộ thiên. Ban đầu, đền được phục dựng bằng xếp đá khan trên núi, sau đó đền được làm bằng tre khang trang. Đến năm 1982, đền bị đốt. Nhưng với lòng nhiệt huyết của mình, ông Quy tiếp tục lên khu di tích phục dựng lại khu đền rồi bám trụ trông coi. Khi ông Quy qua đời, vì căn duyên 3 đời, con trai ông là Lê Bật Sơn đã tiếp tục lên đây tiếp quản, kêu gọi nhân dân đầu tư phục dựng đền phủ khang trang và dần khám phá ra được vùng đất linh thiêng này.

Qua một quá trình phục dựng, đến ngày 27/3/2009, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh núi Nưa - Am Tiên, địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu đã được xếp hạng di tích lịch sử - thắng cảnh cấp quốc gia.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh