Ẩm thực - “Sứ giả ngoại giao” đặc biệt của văn hóa Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 20:40 - 06/07/2019
Trước đó, năm 2014, bánh mì Việt Nam tạo nên "cơn sốt" khi vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới theo bình chọn của Huffington Post. Năm 2017, bánh mì Việt cũng có mặt trong 10 món sandwich ngon nhất thế giới, theo Traveller.
Trang National Geographic từng đưa bún chả Hà Nội vào danh sách 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới năm 2014. Nem rán, phở và phở cuốn cũng có mặt trong top 10 và 50 món ăn ngon nhất thế giới, do CNN Travel xếp hạng năm 2015 và 2016. Cơm tấm Sài Gòn cũng thuộc top 10 món ăn xác lập kỷ lục châu Á theo bộ tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á".
Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn trên thế giới... Cũng trong năm này, gần chục món ăn Việt được báo chí nước ngoài ca ngợi. Không ít lần các đầu bếp nổi tiếng thế giới thực hiện chương trình truyền hình về ẩm thực Việt Nam.
Phóng viên báo chí quốc tế thưởng thức món ăn Việt Nam tại Trung tâm báo chí của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 2/2019, vẻ đẹp và sự hiếu khách của Hà Nội - thành phố vì hòa bình đã trở thành tiêu điểm của truyền thông thế giới. Trong đó, ẩm thực được coi là một trong những thành công lớn nhất của du lịch Việt Nam qua sự kiện này. Những ngày diễn ra Hội nghị, những người thợ pha cà phê giỏi nhất ở quán Cà phê Giảng đã phục vụ khoảng 3.000 ly cà phê trứng tại Trung tâm Báo chí, hàng nghìn bát bún thang, phở, bún chả cùng hàng chục món ăn đặc sắc khác đã tạo nên ấn tượng tuyệt vời về ẩm thực Việt trong mắt các phóng viên quốc tế đến Hà Nội trong dịp này.
Nói về văn hóa ẩm thực Hà Nội, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, nếu trước năm 1954, những món ăn nổi tiếng của Hà Nội không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như món bún thang thì không ở đâu có những bát bún thang mang hương vị và màu sắc đặc biệt như ở chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua. Còn hiện nay, rất nhiều món ăn ngon của Hà Nội đều là những món ăn dân dã đến từ các vùng quê xung quanh Hà Nội, cách xa Hà Nội vài trăm cây số, thậm chí có cả những món ăn ở tận cực Nam của Tổ quốc cũng góp mặt tạo thành gương mặt văn hóa ẩm thực Hà Nội.
“Tôi ví dụ, một món ăn mà các chị em ở Hà Nội ngày xưa rất thích đó là món ốc hấp gừng. Món ăn này lúc đầu không thuộc về Hà Nội mà có mặt ở các vùng quê. Tuy nhiên, khi lên Hà Nội, hội nhập vào phong cách sống, thông qua khẩu vị của người Hà Nội thì đã thay đổi, đã khác đi ngay từ bát nước chấm ốc. Thông qua cách nhìn ấy, chúng ta cũng có thể lý giải các món ăn khác như phở Nam Định dù đã rất nổi tiếng ở Nam Định khi đến Hà Nội đã trở thành phở Hà Nội với những hương vị rất tinh túy riêng có. Hay như món bánh cuốn, bánh cuốn Hà Nội nhìn cũng y như bánh cuốn ở các vùng quê khác nhưng bánh cuốn Thanh Trì với nước ấy, gạo ấy, ở vùng quê ấy đã tạo nên món bánh cuốn tráng rất mỏng, không nhân chỉ có một chút hành phi nhưng có hương vị rất đặc biệt. Có thể thấy, rất nhiều món ăn ở các vùng quê khác, bản chất đã rất ngon nhưng khi tới Hà Nội với cách thưởng thức của người Hà Nội đã tạo nên một hương vị khác mang đặc thù của Hà Nội, nhờ vậy đã tạo ra một vùng văn hóa ẩm thực Hà Nội khác biệt và tinh túy hơn”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phân tích.
Chè- món tráng miệng được nhiều phóng viên báo chí quốc tế ưa thích
Còn theo nghệ nhân ẩm thực Hà thành Phạm Thị Ánh Tuyết, người đã được TP. Hà Nội tôn vinh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 thì người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng sành ăn, cầu kỳ trong chọn nguyên liệu, tinh tế trong cách thức chế biến từ món ăn chính đến món tráng miệng. Với các món đặc sản của đất Hà thành, nghệ nhân Ánh Tuyết cũng đã trở nên quen thuộc với công chúng Mỹ, Nga và các nước trên thế giới qua kênh truyền hình: Discovery, BBC (Anh), SRG (Thụy Sĩ), CNN (Mỹ)... Đến nay, lớp dạy nấu ăn của bà đã đạt con số trên 14.000 lượt học viên đến từ nhiều quốc gia.
Nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, khi kinh doanh hàng hay mở các lớp dạy nấu ăn, bà chỉ muốn lan rộng những giá trị truyền thống của ẩm thực Hà Nội. Điều bà quan tâm hàng đầu là làm sao truyền lại được tất cả những kiến thức mà mình có để các bạn trẻ lĩnh hội được và tiếp tục phát huy những giá trị đó bằng ngọn lửa đam mê. Bởi sau này, chính họ sẽ là người lưu giữ, lan tỏa những giá trị đó.
“Mỗi người có một cái duyên trời định, tôi quan niệm nếu làm được những gì cho du khách, bạn bè quốc tế vui thì đó là hạnh phúc của tôi. Thông qua ẩm thực Hà Nội, tinh hoa của ẩm thực Việt Nam, du khách thêm hiểu, thêm yêu Việt Nam và đây cũng là phương thức quảng bá đất nước con người, văn hóa Việt Nam rất hữu hiệu”, nữ doanh nhân - nghệ nhân Hà thành chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Vietravel khẳng định: "Ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch".
CHÂU GIANG