THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:47

Âm thanh mới qua những chuyến đi

 

Có đúng thế không nhỉ?.Chả đúng!. Bài (hoặc tin) của họ có thể y chang về thời gian, địa điểm, sự kiện, số liệu, các đối tượng, nhân vật... nhưng không thể giống nhau về  cách viết, cách thể hiện nội dung, quan điểm. Bởi mỗi nhà báo là một cá tính sáng tạo, họ có cách nhìn nhận vấn đề riêng, đánh giá riêng về một sự việc, sự kiện. Không những thế, mỗi báo lại có chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích khác nhau, nên rất khó cho “những tư tưởng nhớn” gặp nhau, viết bài giống nhau như anh em sinh đôi. Còn viết bài bê nguyên thông cáo báo chí của các đối tác đưa (gửi) để tuyên truyền, quảng bá, là nhà báo xin đừng gắn tên mình vào.

Tôi còn nhớ khoảng 30 năm trước, trong lễ tổng kết cuối năm của Cảng Hàng không nọ, ngồi cạnh tôi là nhà báo, phó ban ban kinh tế của một tờ báo ra hàng ngày (Cách đây 30 năm chỉ có 4 tờ báo ra hàng ngày: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng). Thấy anh gạch xóa, biên tập bản báo cáo, tôi thầm nghĩ cái ông này theo dõi kỹ thật, nhà báo phải thế mới phát hiện ra những cái mới, cái hay của vấn đề, sự kiện. Nhưng tôi nhầm, khoảng 30 phút sau, anh quay sang tôi thở phào một cách khoan khoái, cười rồi nói: “Thế là xong bài nộp tòa soạn”. Hóa ra, anh lấy báo cáo cắt đầu, cắt đuôi, đặt tít, biên tập câu chữ, gắn tên các cán bộ chủ chốt của đơn vị vào một số đoạn trong báo cáo. Hôm sau đọc bài báo ký tên anh, tôi thấy buồn... cười. Càng buồn hơn cho đến hôm nay, nhiều nhà báo vẫn viết theo kiểu ấy. Họ lệ thuộc vào những thông cáo báo chí, báo cáo tổng (sơ) kết, rời các văn bản ấy là khoảng trống, là sự hụt hẫng, là những “điểm đen”, càng ngẫm càng buồn!

Phát sinh cái khoảng trống, tạo nên sự hụt hẫng ấy là do thiếu tri thức, hạn chế về đời sống xã hội, văn hóa chưa đến tầm. Ngoài cái năng khiếu, ngoài những kiến thức học được trên ghế nhà trường, nhà báo cần có những hiểu biết thấu đáo về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và thế giới, nhất là nhạy bén với các biến động của thời cuộc. Nhà báo không thể tách rời đời sống, phải bám chặt vào đời sống. Đi vào cuộc sống, thâm nhập vào đời sống, nói nôm na là phải luôn đi và học mới cho nhà báo những kiến thức để  sáng tạo các tác phẩm báo chí không chỉ phản ánh xã hội, mà còn góp phần cải tạo xã hội, xây dựng xã hội. Có kiến thức vững vàng, có vốn sống ngồn ngộn mới giúp nhà báo tự tin với nghề.

Cách đây không lâu, Báo LĐ&XH  đăng bài: “Hồi ức về hiệp sĩ Thu Bồn” của nhà thơ, nhà báo Ngô Minh. Trong bài có nêu chuyện, tình cờ có được bản báo cáo thành tích của nữ anh hùng Trần Thị Tâm, Thu Bồn đến quê của nữ anh hùng ở Triệu Hải, Quảng Trị, gặp một số người thân của nữ anh hùng trong ít ngày. Chỉ vậy thôi, Thu Bồn đã viết nên tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc”(2 tập). Nếu không có hiểu biết về chiến tranh, nếu không thông hiểu địa lý, con người, phong tục, tập quán, ngôn ngữ,... của vùng đất Triệu Hải nói riêng và Quảng Trị cũng như miền Trung, thì văn có tài đến mấy, chỉ mấy ngày đi thực tế cùng với mấy trang  báo cáo thành tích, Thu Bồn cũng khó có thể viết nên tác phẩm như  tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc”.

Các nhà báo tác nghiệp tại Mộc Châu (Sơn La).

Chắc nhiều người biết giai thoại về đối thoại của họa sĩ nổi tiếng với người mua tranh. Người mua thắc mắc, bức tranh con tôm chỉ vẽ trong ít phút mà ra giá cao thế. Họa sĩ thản nhiên trả lời, chẳng cao đâu, giá của nó được tính vài phút đó cộng với cuộc đời họa sĩ.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà văn, nhà báo chưa một lần đặt chân đến đảo Cồn Cỏ, chỉ nghe nhân chứng kể đã viết chuyện Cồn Cỏ thành sách, thành những bài báo được bạn đọc đón nhận. Bởi ngoài tài văn, họ có kho kiến thức đồ sộ về biển đảo, có hiểu biết sâu sắc về  các hoạt động cũng như đời sống thường ngày trên các đảo. Nhà văn Phùng Quán khi viết: “Vượt Côn Đảo” cũng vậy. Chưa ra Côn Đảo, nhưng sóng của Côn Đảo, sóng gió của biển đảo Việt Nam đã thành “bão” ở trong máu thịt của ông. Qua các nhân chứng, ông đã sáng tạo nên tác phẩm làm mê hoặc bao thế hệ độc giả.

Ông cha khuyên: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, “Có bột mới gột nên hồ”. Trong tay chúng ta có “một sàng khôn”, hay vài “sàng khôn”, cũng như  có vài lon bột dùng rồi sẽ hết, dùng mãi cũng chán, cũng nhàm. Đừng quá tự tin, chủ quan vào vốn sống, sự hiểu biết của mình, cuộc sống “thiên hình vạn trạng”, núi này cao còn có núi khác cao hơn. Ca dao có câu: “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Hay nói như nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Cứ đi, cứ đi sẽ nghe nhiều âm thanh mới lạ”. Xin được lấy ý của câu thơ trên làm tít cho bài viết nhỏ này.   

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh