THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:49

Hình ảnh đẹp trên đỉnh Langbian

 

Không biết khung cửi, không phải phụ nữ

 Phải thừa nhận, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm - nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Nam Tây Nguyên nói riêng đã bị mai một khá nhiều.

Đến các buôn làng ngày nay, rất ít khi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi trước khung dệt tỉ mẩn với từng sợi tơ màu chàm được làm từ cây bông vải. Tuy nhiên, không ai bảo ai, những phụ nữ làm mẹ trong những buôn làng ấy vẫn cứ thỉnh thoảng ngồi trước khung dệt để dạy cho con gái mình cách dệt tấm ui, dệt chiếc khố, cái áo khoác chui đầu của đàn ông và dệt tấm áo có cài nút của đàn bà...

Họ, những người phụ nữ ấy, "hành nghề" không vì miếng cơm manh áo thường nhật, mà đơn giản vì đó là cái nghề truyền thống không bỏ được. Với lại, với người phụ nữ các dân tộc như Mạ, Cơho, Churu, Cill, Lạch... không biết ngồi trước khung cửi thì không phải là phụ nữ.

Một trong những làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua là làng dệt thổ cẩm Bnơ C, thuộc xã Lát (huyện Lạc Dương). Chị Mbon Ka Đa, cán bộ phụ nữ của xã Lát, nói: "Chị em dân tộc thiểu số ở xã Lát dệt thổ cẩm trước hết là để giữ nghề truyền thống, chứ nói để đổi lấy gạo thì khó lắm!”.

Bà Cill Mup Ha Bông (thôn Bnơ C, xã Lát, Lạc Dương) bên khung dệt.Bà Cill Mup Ha Bông (thôn Bnơ C, xã Lát, Lạc Dương) bên khung dệt.

Theo lời chị Mbon Ka Đa, có những chị ở làng Bnơ C được Hội phụ nữ huyện, xã đưa về tận làng dệt Chăm ở Ninh Thuận tập huấn..., khi trở về tay nghề thuộc đẳng cấp cao trong làng nhưng vẫn không sống được bằng nghề dệt thổ cẩm. Một trong những phụ nữ có tay nghề cao ở Bnơ C đó là chị Ka Chương (năm nay hơn 40 tuổi), con dâu của bà Cill Mup Ha Bông (73 tuổi).

Hôm chúng tôi tìm đến, nhà Ka Chương đóng cửa. Bà Ha Bông bảo: "Đang vào vụ thu hoạch cà phê, cả hai vợ chồng nó ở miết trên rẫy”. Chúng tôi hỏi: "Ka Chương được đưa đi học ở Ninh Thuận, chả nhẽ bỏ nghề?". Bà Ha Bông xua tay: "Ơ, không đâu! Ngày nào rảnh, nó vẫn dệt và còn chỉ bảo cho mấy đứa con gái nhỏ làm dệt nữa đấy”.

Hình ảnh đẹp trên đỉnh Langbian

 Theo lời bà Ha Bông, ở Bnơ C, khi dân làng không sống được bằng nghề dệt thổ cẩm thì một nhóm người mang cả khung dệt lên đỉnh núi Langbian, một điểm du lịch có đông du khách ghé thăm, để "dệt biểu diễn" và bán hàng ngay tại chỗ cho khách du lịch.

Công việc này của những người phụ nữ Cill, Lạch khá phập phù, nhưng nếu ai đó chịu khó quan sát thì dễ nhận ra điều này: Cho dù cả ngày không bán được món hàng nào thì trên gương mặt những người phụ nữ đó vẫn giữ vẻ bình thản một cách lạ thường. Đơn giản là họ được làm nghề và giới thiệu với du khách rằng, người Lạch, người Cill dưới chân núi Langbian có nghề dệt thổ cẩm rất độc đáo!

Cô bé Chil Ben năm nay chưa đến 10 tuổi nhưng có đến hơn 5 năm theo mẹ lên đỉnh Langbian vào những ngày không phải đến lớp để "phụ mẹ bán hàng" (lời của cô bé). Có hôm, cả ngày chúng tôi lang thang trên đỉnh Langbian để quan sát, thấy Chil Ben lúc mải mê ngồi dệt những sợi dây trang trí một cách thuần thục, lúc lại "phụ mẹ bán hàng".

Thế rồi, du khách cầm hàng lên xem và đặt trả xuống chẳng một ai mua món hàng nào. Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi thoáng buồn cho họ, nhưng ngay sau đó, hình ảnh Chil Ben bé xíu ngồi trên đỉnh Langbian dưới cái lạnh se sắt với đôi tay thoăn thoắt trên khung dệt be bé, xinh xinh đã lấn át tất cả.

Diện trang phục thổ cẩm đến ngày hội của buôn làng.

Diện trang phục thổ cẩm đến ngày hội của buôn làng.

Cần nhiều hơn nữa những tấm lòng...

Tại Lâm Đồng có rất nhiều làng nghề, với các nghề rất đặc trưng như: Dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, làm nhẫn bạc... Con số khá ấn tượng với chúng tôi là các làng nghề mỗi năm thu hút gần 200.000 lao động địa phương! Với riêng nghề dệt thổ cẩm, cho đến nay, cả tỉnh Lâm Đồng có 7 làng nghề phi nông nghiệp - dệt thổ cẩm được công nhận là làng nghề truyền thống, gồm các làng nghề:

Bnơ C (xã Lát, Lạc Dương), Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà), Đạ Nghịch (Lộc Châu, Bảo Lộc), Buôn Go (Đồng Nai, Cát Tiên), khu phố 6 Đồng Nai (Cát Tiên), thôn 4 Phù Mỹ (Cát Tiên) và mới đây là thôn 3 Lộc Tân (Bảo Lâm). Cách đây khá lâu, trong một chuyến công tác, chúng tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Đức Hải, ở thôn 3, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) – địa phương có hầu hết là người dân tộc thiểu số sinh sống.

Tình cờ nhưng mà chủ động làm quen, bởi anh Hải đã dám từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở phố thị để lội vào vùng sâu Lộc Tân, mục đích duy nhất là khôi phục nghề dệt truyền thống của người Mạ. Rồi sau đó, cách nay vài năm, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy anh Hải lên Đà Lạt dựng nhà kiểu nửa sàn nửa trệt ngay trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng để đưa nghệ nhân người dân tộc thiểu số từ Lộc Tân lên dệt vải và làm rượu cần.

Tranh đề tài dân tộc thiểu số với chất liệu thổ cẩm được du khách ưa chuộng.Tranh đề tài dân tộc thiểu số với chất liệu thổ cẩm được du khách ưa chuộng.

Thật thú vị khi biết đó là kết quả của cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh Hải với ông Giám đốc Bảo tàng Phạm Hữu Thọ. Trong một chuyến công tác về Lộc Tân, thấy mô hình "bảo tồn văn hóa người Mạ" của anh Hải khá độc đáo, ông Thọ ngỏ lời mời anh lên "lập làng" ngay trong khuôn viên Bảo tàng ở Đà Lạt. Có lẽ không nên đặt nặng vấn đề hiệu quả kinh tế từ những mô hình đó, mà chỉ nghĩ đến tấm lòng của những người như anh Hải là chúng ta đủ để nhen nhóm hy vọng về sự hồi phục của các làng nghề dệt thổ cẩm.    

Thi Hoàng Lâm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh