CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:51

Ấm áp Tết đoàn viên sau đại dịch Covid-19

Gói bánh chưng.

Gói bánh chưng.

Bâng khuâng ngày về

Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống trở nên khó khăn hơn, khiến hai cái Tết vừa rồi, anh Ngọc Đông (Đồng Nai) đành lỡ hẹn về nơi đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ) đón xuân cùng gia đình. Tết này, anh về quê sớm hơn so với mọi lần, với tâm trạng của người con xa quê từ rất lâu.

Trên quê hương thanh bình, không khí Tết ngập tràn ngõ xóm, những giai điệu về mùa xuân từ chiếc loa phát thanh khiến lòng người rạo rực, bâng khuâng. Anh Đông cho biết, là bộ đội nên thường xuyên xa nhà, dù vậy những Tết không phải trực, anh cố gắng thu xếp để ra Bắc, cũng là để phụ giúp bố mẹ nhiều việc trong những ngày giáp Tết vì ông bà tuổi đã cao, lại đau yếu triền miên.

Sắc xuân.

Sắc xuân.

Chỉ vào đống củi vừa bổ xong được xếp gọn, anh Đông vui vẻ: “Chỗ củi này đủ để mẹ tôi nấu nồi bánh chưng. Cuộc sống giờ đã khấm khá hơn, nhưng gia đình tôi vẫn duy trì phong tục gói bánh chưng dịp Tết. Có lẽ thích nhất vẫn là thời gian thức đêm để nấu bánh, nó thật sự ý nghĩa và đậm nét Tết quê. Bên bếp than hồng tiếng củi lửa tí tách, tiếng nồi bánh chưng sôi ùng ục là những củ khoai, củ sắn, bắp ngô được bọn trẻ vùi than nướng chín, thơm phưng phức. Tết nào cũng vậy, tôi và mẹ luôn thức đêm để canh nồi bánh, khi ấy ký ức tuổi thơ tôi luôn trở lại”.

Câu chuyện chưa muốn dứt, nghe tiếng bố gọi, anh Đông nhanh nhẹn vào nhà cùng bố lau dọn, bày biện ban thờ, sắp xếp lại giá sách, lau bằng khen, khung ảnh gia đình... Mọi thứ tạm ổn, anh chạy ra vườn phụ mẹ quét lá khô gom lại thành đống rồi đốt lấy tro bón cây. Những chậu hoa cúc, hoa hồng trước sân được anh xếp lại ngay ngắn và lau chùi sạch sẽ.

Nấu bánh chưng Tết.

Nấu bánh chưng Tết.

Nhìn cây đào đầu cổng đã có vài bông hoa khoe sắc sớm, anh Đông trầm ngâm: “Dù những tháng ngày ám ảnh Covid-19 đã qua, giờ đây sải bước nơi mảnh đất mình sinh ra mà ngỡ như mơ, khiến tôi càng thêm trân quý những giây phút sum họp bên gia đình”.

Sẻ chia, trao gửi yêu thương

Hơn mười lăm năm sinh sống và làm việc tại Bình Dương, dù cuộc sống cũng chỉ đủ ăn vì còn phải nuôi hai con ăn học, nhưng gần như Tết nào anh Nguyễn Thanh cũng cùng vợ, con về quê Yên Bái đón xuân bên gia đình. Món quà từ phương Nam theo anh ra Bắc chủ yếu là tình cảm, duy có hai thứ anh không bao giờ quên, đó là những bao lì xì màu đỏ, in hình hoa mai vàng để trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, anh mừng tuổi bố mẹ, người thân. Cùng với đó là những gói kẹo dừa Bến Tre được anh mang về làm quà cho gia đình và họ hàng. Bởi quê anh là đất chè, mà ngày Tết có đĩa kẹo dừa cùng ấm trà xanh thì tuyệt vời biết bao.

Bữa com Tất niên chiều cuối năm.

Bữa com Tất niên chiều cuối năm.

Anh Thanh bộc bạch: “Với tôi, mỗi độ xuân về, nỗi nhớ Tết quê luôn da diết. “Cây có cội, nước có nguồn”. Chỉ dịp Tết, những người con xa quê mới có cơ hội được đoàn tụ bên gia đình, để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, để truyền lại cho các con những giá trị của gia đình, tình thân, đó luôn là những điều thiêng liêng nhất. Tiếng cười, tiếng nói, lời hỏi han của các thành viên trong gia đình trong không khí của ngày Tết thật ấm áp biết bao…”. 

Anh Thanh kể, Tết năm nào cũng thế, dù về quê sớm hay muộn, anh vẫn dành thời gian ra chợ tìm mua cây quất sai quả, có hoa, có lộc về đặt ở hiên nhà, để trẻ nhỏ trang trí đèn nháy, dây kim tuyến cho lộng lẫy hơn, tăng thêm không khí Tết. Đồng thời, cũng là nơi để gia đình chụp những tấm ảnh kỷ niệm. Sau đó, bố con anh hì hụi gói giò lụa, giò chân và nấu nồi thịt đông thật to. Xong xuôi, anh giúp mẹ rửa lá dong, ngâm gạo, ngâm đỗ… chuẩn bị gói bánh chưng.

Ấm áp Tết đoàn viên.

Ấm áp Tết đoàn viên.

“Tuy bận rộn nhưng đó mới là Tết quê, Tết của sự đoàn tụ, của tình thân. Thiêng liêng nhất là thời khắc giao thừa, bố mẹ tôi ăn mặc chỉnh trang, thắp hương cúng tổ tiên. Tất cả các con, cháu đứng đằng sau thành kính hướng về bàn thờ gia tiên tưởng nhớ người đã khuất và cầu mong một năm mới bình an. Sau đó, bố tôi mở chai sâm banh, gói bánh, gói mứt ngon nhất để cả nhà cùng nâng cốc mừng xuân mới. Tiếp đến, bố mừng tuổi cho các thành viên cùng những lời căn dặn chúng tôi về công việc, học hành... Đến lượt anh em chúng tôi và các cháu mừng tuổi ông bà, bố mẹ và mừng tuổi nhau cùng lời chúc thành công, may mắn trong năm mới. Không khí rộn ràng trong thời khắc giao thừa thật vui nhưng cũng đầy sự nghẹn ngào của Tết sum vầy, đoàn tụ”, anh Thanh xúc động cho biết.

Tết đoàn viên sum vầy bên những người thân.

Tết đoàn viên sum vầy bên những người thân.

Tết sum vầy, đoàn viên ấm áp

Trong tâm trạng mong nhanh được về quê ăn Tết sau 2 năm gián đoạn không về vì dịch Covid-19, chị Như Thủy công tác tại TP. Hồ Chí Minh vui mừng khoe: Chị đã đặt vé máy bay, chỉ giữa tháng 12 âm lịch là về tới quê nhà ở Vĩnh Phúc để cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa và mua sắm Tết. Cây mai vàng phương Nam với nụ, hoa và lộc, chị đã đặt mua ở một nhà vườn sẽ cùng chị ra Bắc, là món quà chị tặng bố mẹ năm mới.

“Về quê ăn Tết luôn là mong ước của bất cứ ai đi làm ăn xa, đặc biệt là những người lập nghiệp ở Sài Gòn, nhưng rồi đại dịch Covid-19 đã cuốn những giấc mơ xa càng xa. Do vậy lần về quê này tâm trạng chị khác lắm, trong lòng cứ thấp thỏm, nôn nao rất khó diễn tả bằng lời. Covid-19 đã lấy đi của con người rất nhiều thứ, nhưng cũng là dịp để mọi người lắng lòng và suy nghĩ nhiều hơn về tình thân, biết tận dụng thời gian bên gia đình, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về”, chị Thủy trải lòng.

Nhớ về những ngày Tết sum họp bên gia đình, chị Thủy kể: Những ngày Tết ở nhà rất bận rộn, nhưng đổi lại là niềm hạnh phúc ấm áp bên những người thân yêu. Tết này chị về nhà sớm phụ bố mẹ dọn nhà, gói bánh gai, bánh lọc, bánh chưng và dựng cây nêu. Cả năm nhà cửa vắng vẻ là thế, nhưng đến ngày Tết, ngôi nhà 5 gian xây kiểu cổ của bố mẹ lại rộn rã tiếng nói cười. 

Lưu lại những tấm ảnh mỗi khi Tết đến xuân về.

Lưu lại những tấm ảnh mỗi khi Tết đến xuân về.

Cả năm làm ăn bươn chải, Tết đến các con được trở về ngôi nhà thuở ấu thơ, được ăn những món mẹ nấu, cốt để con cháu không quên cội nguồn. Trong giây phút thiêng liêng của đất trời, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, cả gia đình quây quần với cảm giác ấm áp ngập tràn hương xuân.

“Giờ đây “bão Covid-19” dần lùi xa, khép lại một năm với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp và lan tỏa khắp nơi. Cũng như tôi, những người con xa quê đang nóng lòng, khấp khởi mong muốn một cái Tết đoàn viên với gia đình”, chị Thủy nói với giọng đầy hứng khởi.a Cù

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh