Ấm áp mùa moi
- Dược liệu
- 02:38 - 28/12/2014
Lộc biển
Sáng sớm, những cơn gió bấc vi vu len lỏi qua từng ngôi nhà trên vùng ven biển Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), báo hiệu mùa moi biển đã bắt đầu! Thời gian này, vùng biển Nghi Thủy nhộn nhịp từ sáng tinh mơ cho đến chiều muộn. Ngư dân tất bật bên những mẻ moi mới cập bờ.
Những ngư phủ nhấc từng giỏ moi ra khỏi khoang thuyền, còn chị em phụ nữ nhanh nhẹn chuyển lên bờ, căn cứ vào “độ ngon” để nhẩm tính giá tiền...
Nâng niu “lộc biển” trên tay, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của chị Lê Thị Lương, ở khối 7, phương Nghi Thủy sáng lên niềm vui khi chồng chị - anh Hồ Văn Sơn, vừa trúng đậm chuyến săn moi trên biển trở về sớm hơn thường lệ. “Từ đầu tháng 10 âm lịch trở lại đây, hầu như chuyến nào cũng khá. Tính đến nay, gia đình tôi thu về khoảng một tấn rưỡi moi, bán được gần 20 triệu đồng” - chị Lương vui mừng chia sẻ.
Mỗi sáng sớm, ngư dân Thạch Long lại hồ hởi ra khơi đón nhận “quà của biển”.
Niềm vui được mùa moi không chỉ đến với gia đình anh Hồ Văn Sơn, mà cả vùng Nghi Sơn, ai cũng nhận được “quà của biển”. Đang thu cất lưới để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo, anh Nguyễn Văn Cương, hồ hởi nói: “Đều đặn mỗi ngày một chuyến, tôi cùng 2 bạn thuyền ra biển đánh bắt moi, tính trung bình thu được 4 tạ, sau khi trừ chi phí xăng dầu còn lời khoảng 6 triệu đồng. Mỗi người bỏ túi hai triệu ngon ơ...”. Theo anh Cương, mùa moi ở vùng biển miền Trung bắt đầu từ tháng 10 đến đầu tháng 1 âm lịch năm sau.
Chiều xuống, không khí trên bãi biển Nghi Sơn càng rộn rã. Ngư dân và thương lái bắt đầu cuộc trao đổi bán, mua. Chị Lê Thị Phương, thương lái ở TP Vinh cho biết: “Mỗi buổi chiều, thương lái chúng tôi thu mua được hàng chục tấn moi biển ngư dân đánh bắt được. Trước đây, moi chỉ là món ăn bình dân, thì nay lại trở thành một trong những loại đặc sản có giá.
Mỗi kilôgam moi biển tươi hiện có giá trên dưới 20 nghìn đồng, còn moi khô thì khoảng 100 nghìn đồng, bà con ngư dân đánh bắt, chế biến tới đâu, chúng tôi thu mua ngay tới đó.” Theo chị Phương, sở dĩ nói moi biển là đặc sản là bởi, moi tươi thường được các nhà hàng ở vùng biển miền Trung chế biến thành những món ăn rất ngon như canh moi nấu chua, moi xào khế hoặc xào hành ăn kèm bánh tráng.
Những mớ moi tươi rói mang lại thu nhập cao cho ngư dân Thạch Long.
Hiện nay, tiêu thụ moi biển nhiều nhất vẫn là các cơ sở chế biến mắm ruốc, được sử dụng như một gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình ở miền Trung. Các món ăn chế biến từ moi đã trở thành đặc sản tiêu thụ toàn quốc, và còn xuất khẩu ra nước ngoài...
Khấm khá nhờ moi
Cũng như vùng biển Nghệ An, tại các vùng bãi ngang tỉnh Hà Tĩnh, đến mùa moi, có đến cả nghìn hộ ngư dân “trên bến dưới thuyền” thi nhau kiếm tiền từ “quà của biển”. Ngày trước, moi chưa có giá, người dân sử dụng làm thức ăn cho heo, gà... Bây giờ, moi được giá, thu hút đông ngư dân tham gia đánh bắt, cũng là lẽ đương nhiên.
Ông Hồ Văn Trung, ở xã biển Thạch Long, (huyện Thạch Hà) cho biết: “Hơn hai tuần nay, tàu tôi mỗi chuyến cũng khai thác được 4-5 tạ moi tươi. Khi về bờ, có thương lái tiếp cận thu mua ngay, giá bán lại cao nên thu nhập cũng khá. Nhiều hộ, từ đầu vụ đến nay thu nhập cả trăm triệu đồng, nghề đánh bắt moi giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ”.
Theo ông Trung, toàn xã Thạch Long có đến hai phần ba hộ dân theo nghề biển. Mùa moi năm nay được mùa mang lại niềm vui cho bà con xã Thạch Long, đặc biệt với các hộ nghèo. Những người làm nghề biển phấn khởi khi gần đây, môi trường biển được cải thiện, nguồn lợi thủy sản có quanh năm, con moi xuất hiện ngày một nhiều, cho thu nhập khá, đời sống kinh tế ngày càng ổn định.
Nhộn nhịp cảnh mua bán moi trên bãi biển Nghi Thủy.
“Có thể nói, với những người quanh năm bám biển mưu sinh ở các xã bãi ngang như Thạch Long, Thạch Hải, (huyện Thạch Hà), xã Thạch Bằng, Thạch Kim, Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), thì ngoài những vụ cá chính, mùa moi biển năm nay được mùa, được giá là niềm vui bất ngờ không diễn tả thành lời...” - tâm sự của ngư dân Hồ Văn Trung góp thêm niềm vui vào không khí nhộn nhịp được “trộn” bởi tiếng máy nổ sình sịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và ngư phủ trong buổi hoàng hôn.
Giữa cái lạnh mùa đông nơi miền chân sóng, ai nấy đều cảm thấy ấm áp hơn bởi được mùa moi biển. Vùng bãi ngang Thạch Long và cả vùng biển miền Trung cứ mỗi buổi sớm mai, từng đoàn thuyền đánh bắt moi lại nhằm hướng khơi xa, và chiều về, trên khoang thuyền luôn đầy ắp những giỏ moi tươi rói...