Ấm áp Đồi nhân ái
- Dược liệu
- 07:03 - 25/01/2020
Ngôi làng đặc biệt
Bước chân trên nền gạch phủ màu rêu xanh, giữa rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ, hoài niệm lại trỗi dậy trong tâm thức bà Ka Rượu. Trải qua 71 mùa xuân, bà Rượu thấm thía những đớn đau khi gánh trên mình bệnh tật. Hơn ai hết, bà hiểu tận cùng hai chữ hạnh phúc khi được cứu rỗi từ vực thẳm của đớn đau.
Lần hồi ký ức bà Rượu cho biết: "Đồi nhân ái" là cách gọi thân thương của nhiều người dành cho Trại phong Di Linh (Trung tâm điều trị phong Di Linh). Một ngày xuân năm 1926 khi rong ruổi qua nhiều vùng đất miền Thượng để nghiên cứu, trái tim của vị giám mục, bác sĩ người Pháp Cassaigne (1895 - 1973) đã trỗi lên những khát vọng đậm tình bác ái khi tận mắt ông thấy những thân phận đầy mặc cảm, chân tay lở lói, thấy người lạ là chạy hút vào rừng sâu như thể những nơi cô quạnh, hẻo lánh nhất mới là thế giới của họ.
Suốt nhiều đêm không ngủ, ông Cassaigne xuyên rừng cầm những bàn tay rỉ máu, những bàn chân rụng dần từng đốt để băng bó, chữa trị, ý tưởng thành lập trại phong hình thành. Năm 1929, trại phong Di Linh được khai sinh.
Từ một ngôi nhà nhỏ giữa bạt ngàn cà phê và xanh thẫm cây rừng dành cho một số bệnh nhân phong đầu tiên sinh sống, điều trị, những người Mạ, Cơ ho, Ranglai, Chill, Kinh từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận… nhanh chóng được Cassaigne cùng các y tá gom về. Số bệnh nhân tăng dần, chọn những vị trí bằng phẳng trên đồi cơi nới, xây thêm nhà, chẳng mấy chốc mang vóc dáng của làng.
Cuộc đời nọ nối tiếp cuộc đời kia ở trại phong Di Linh nhớ từng câu trong lời tuyên bố của Cassaigne khi ông chịu nhiều áp lực, cản ngăn vì việc làm của mình. Nguyện hết cuộc đời gắn với những bệnh nhân phong, ông luôn khẳng định: Chúng ta không thể vì bảo thủ nguyên tắc vệ sinh theo lối mô phạm khắt khe mà giày xéo lên tình người. Tôi phải đứng ra lo cho họ vì họ quá khốn khổ. Không chữa trị, những người bệnh phong sẽ cụt chân, cụt tay, họ sẽ gục ngã trong cô quạnh…
Trước khi trút hơi thở cuối cùng năm 1973, bác sĩ Cassaigne vẫn thều thào: Hãy thương lấy nhau. Rồi những mùa xuân ấm áp lại về, những bệnh nặng lẫn nhẹ sẽ tiếp tục được cứu chữa.
Khi trái tim ông ngừng đập, quả "Đồi nhân ái" nức nở trong nước mắt. Trọng trách chăm chút, điều hành trại phong được giao lại cho nữ tu, cán bộ y tá Mai Thị Mậu. Không quản ngày đêm, sơ Mậu xem mỗi bệnh nhân như người ruột thịt của mình.
Trong trí nhớ của ông K'Bai, bà K'Blang và nhiều bệnh nhân cao tuổi ở trại phong Di Linh: Không có khái niệm ngày xuân, ngày nghỉ với sơ Mậu, tình thương của bà bao trùm cả quả đồi này. Bà nhớ tên, hiểu bệnh từng người. Chẳng những chăm lo sức khỏe, sơ Mậu còn xoay xở đủ đường để lo dinh dưỡng, tổ ấm cho mấy trăm cư dân bị phong nơi này. Chuyện ma chay, cưới xin, học hành của những người làng phong đều do sơ lo. Suốt thời tuổi trẻ sơ băng rừng rậm, vượt suối sâu đi tìm bệnh nhân phong về chữa. Có những ngày kiệt sức, nhưng sơ Mậu vẫn trăn trở là cuộc sống của các bệnh nhân đã tốt hơn chưa. Nhớ nhất với nhiều cư dân ở trại phong là mùa xuân năm 1975 - 1976, khi đó một số buôn làng còn lạc hậu, thấy ai mắc bệnh là đuổi đi. Họ nghĩ rằng, ngày vui tuyệt nhiên không cho những người "ma hành" đó bén mảng tới. Sơ Mậu lại lóc cóc đạp xe mang cơm nắm tìm đến người bệnh để an ủi kịp thời. Có người tưởng sơ Mậu đuổi theo để bắt về buôn nên càng trốn kỹ khiến cuộc tìm kiếm càng thêm cực nhọc. Biết tin nhiều bệnh nhân ở xa, sơ Mậu còn nhảy xe đò đến đưa họ về để điều trị.
Gần như cả cuộc đời sơ Mậu dốc cạn tâm lực vì người khác, nên năm 2005 sơ Mậu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận xét về sơ Mậu: "Với bà Mai Thị Mậu, phải phong 3 lần Anh hùng mới xứng đáng". Niềm vui trong những ngày xuân ấy rạng ngời trên từng khuôn mặt của tất cả bệnh nhân phong. Khi sức khỏe như chuyến tàu trượt về ga cuối, ở tuổi ngoài 80, sơ Mậu giao việc điều hành, chữa trị ở trại phong cho bà Nguyễn Thị Tiến, Lê Thị Kim Thùy.
Những mạch nguồn ấm áp
Xa lắm rồi những tháng ngày cô độc, mặc cảm, lẻ loi, mùa xuân này đi trong Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh như đang trong ngôi làng ngập tràn yêu thương, ấm áp.
Chia làm 2 khu, với gần 90 gia đình, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, những căn nhà bình dị với nhiều lứa tuổi sinh sống xen kẽ trong những thửa vườn tốt tươi hoa trái, sức sống mới đang từng ngày được bồi đắp.
Sau mỗi bậc cửa, những đứa trẻ được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh đã biết chăm chút, tu bổ căn nhà của mình. Những cụ già ngồi nhẩm đếm tháng ngày đi qua, biến cố nhường lại cho niềm tin. Bao bọc quanh "Đồi nhân ái" còn có khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, trường mẫu giáo, nhà ăn, nhà thờ.
Liên tục có con đạt danh hiệu học sinh giỏi, K'Đang cho biết: Gọi là "Đồi nhân ái" hay "Làng phong" cũng được. Chúng tôi sống như một đại gia đình, nỗi buồn nhà này cũng là của nhà kia. Không ganh ghét, đố kỵ. Tiếng "làng" rất đặc biệt với gần 90 gia đình nơi đây. Xuất thân từ đâu không còn quan trọng, bị hắt hủi từ vùng đất nào dạt tới đây… tất cả đều thành làng với nhau rồi, xem đây là quê hương. Người khỏe mạnh sẵn lòng sống cùng người bệnh để chia sẻ buồn vui. Thậm chí, mấy mùa xuân trước thanh niên khỏe mạnh rang rộng vòng tay lập gia đình với người bị hủi ăn mấy ngón chân. Những đứa con sinh ra lành lặn như sợi dây bền chặt, thắp thêm lửa cho sự kết nối gia đình.
Hân hoan như thấy rõ sau mỗi mùa xuân hạnh phúc lại lớn dần thêm, bác sĩ K'Brinh bộc bạch: Mình sinh ra và lớn lên trong trại phong này nên thấu hiểu những thiệt thòi, tủi phận và nghị lực vươn lên của nhiều số phận. Chính vậy nên tôi luôn tự nhủ phải học thật giỏi để thành bác sĩ quay về chữa trị cho người bị phong trên "Đồi nhân ái" này.
Từ bỏ tất cả nơi phồn hoa, ngay khi tốt nghiệp Đại học Y TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ K'Brinh khoác ba lô về lại trại phong lao vào chăm sóc sức khỏe cho người thân lẫn người làng mà từ ấu thơ anh đã xem như ruột thịt. Cũng như K'Brinh, bác sĩ K'Đỉu sau những tháng ngày miệt mài đèn sách đã trở về "Đồi nhân ái" - nơi anh từng bao đêm khóc cạn nước mắt vì chứng kiến người thân quằn quại trong đau đớn bởi những con vi rút han xen.
Như sự tiếp nối mạch nguồn yêu thương và khát vọng khôi phục sức khỏe cho những bệnh nhân phong, nhiều thanh niên ở "Đồi nhân ái" vượt qua mặc cảm, trở thành những y tá, y sĩ của làng như: Ka Thủy, Ka Rụng, Ka Riềm…
Vui không khí những ngày Tết cổ truyền, nhiều gia đình trong khu điều trị bệnh phong Di Linh lần lượt đứng trước nhà thờ giữa đồi và mộ phần bác sĩ, linh mục Cassaigne để cầu bình an. Dẫu đã bị rụng mất 3 ngón tay nhưng năm nào K'Đang cũng phụ giúp các gia đình sửa chữa nhà cửa, phát quang bụi rậm để vui xuân. K'Đang ước vọng: Một ngày nào đó căn bệnh này chỉ còn trong dĩ vãng. Với sự tận tâm của các y, bác sĩ tình trạng bệnh phong đã cải thiện rất nhiều. Người trẻ sinh ra hầu như không còn bị bệnh nữa. Ngày Tết, ngay cả đêm giao thừa, nhân viên y tế vẫn túc trực bên bệnh nhân nặng nên ai cũng cảm thấy ấm lòng. Dưới những tán cây đang bật chồi non, những cư dân thôn Ka Rọt, Rờ Màng… sống cạnh Khu điều trị bệnh phong Di Linh rộn rã tâm tình cùng các bệnh nhân. Họ thuộc nhiều nhánh đường, ngôi nhà trên "Đồi nhân ái", xem việc tìm đến nhau như một nghĩa cử sống chan hòa, bình đẳng. Những đứa trẻ của các gia đình bệnh phong hòa nhập với cộng đồng, lớn dần lên với ý nghĩ và niềm tin về mọi điều tốt đẹp đang vẫy gọi phía trước.