THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:51

Ám ảnh nơi rốn lũ !

 

Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ bất cẩn

Mặc dù thông tin được cập nhật liên tục, dự báo về một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng, kèm theo lũ lụt và sạt lở đất có thể xảy ra tại Hà Tĩnh vào các ngày 14 đến 16/10,  song diễn biến của mưa lũ thật quá khôn lường, khiến người người trở tay không kịp. Ngay từ sáng sớm 14/10, mưa lớn bắt đầu xé toác màn trời phía cửa biển rồi vụt lên Trường Sơn hòa thành một thảm nước khổng lồ vây bủa hết miền Trung. Mưa sắc nhọn như gươm giáo thả sức đâm chém khắp nơi, mưa ào ào ập xuống thượng du, trung du, rồi hạ du  các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi và Rào Cái… mưa được tiếp sức bởi triều cường và gió giật xông thẳng vào những làng chài; mưa được tiếp tay từ những công trình thủy điện, giao thông, nhà máy và những dự án quy hoạch bất hợp lý trở chứng biến thành lũ ống, lũ quyét tràn qua bao phố phường, làng mạc… bất cứ ngóc ngách nào nước có thể len tới được là lũ dữ ư như xuất hiện tới đó.

Chỉ trong trong giây lát cả thành phố Hà Tĩnh, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thạch Hà- những nơi được coi là “đắc địa” chọn quy hoạch trung tâm đô thị từ thời Pháp cũng chẳng tự cứu được nổi mình, ngược lại bỗng hóa thành “trò hề” dưới trời mưa lũ. Giá như lúc này nếu ngồi trên máy bay trực thăng quan sát, chắc chắn chẳng ai phát hiện được những địa danh ấy nằm ở vị trí nào trên bản đồ Hà Tĩnh, bởi tất cả các tuyện đường giao thông nội thị, nội thành đồng loạt biến thành cả một hệ thống sông ngòi chằng chịt; các công sở, khác sạn, nhà hàng, khu dân cư, chợ búa… đồng loạt biến thành những “đảo chết”  giữa biển nước mênh mông. Hàng loạt những chiếc xe ô tô, từ loại đắt tiền sang trọng, cho đến chiếc xe máy đời cũ rích dành cho những bác xe ôm nghèo người điều khiển nó đành bỏ lại giữa dòng nước hung hãn, để tháo chạy lấy mạng người. Trong chớp mắt lũ xóa hết tất cả những khoảng cách giàu, nghèo và tự sắp xếp lại toàn bộ trật tự theo cách riêng của nó!..

Phía lòng hồ Thủy điện Hố Hô khi lũ về  

Trong lúc hàng chục vạn người dân thành phố Hà Tĩnh, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thạch Hà đang loay hoay trước miệng lũ, thì hàng chục vạn người dân khác ở Hà Tĩnh cũng phải vật lộn với cơn đại hồng thủy. Nếu huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có địa hình dốc nghiêng gần như phương thẳng đứng từ Tây sang Đông, có người từng nói đùa rằng, chỉ cần đứng trên dãy Hoành Sơn hắt một xô nước xuống thì lập tức nước được tống ngay xuống cửa sông Trí, sông Quyền ra tới biển. Vậy nhưng, bây giờ khi tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, những dự án lớn, những tuyến đường lớn được triển khai, nhưng lại bất hợp lý về việc xây dựng cầu cống, hệ thống thoát nước… vô hình chung biến nó trở thành những tuyến đê bao kiên cố ngăn lũ. Đến ngay cả những xã vùng cao trên thượng nguồn như Kỳ Thượng, Kỳ Sơn cũng bị lũ lụt ngập nặng và bị chia cắt nhiều nơi chứ chưa nói tới vùng trũng.

Oái ăm thay! Chiếc cầu Bến Sắt bắc qua sông Rào Trổ vốn là niềm mong ước bao đời của người dân xã Kỳ Thượng, mới khánh thành  vài năm nay, không ai nghĩ nó lại bị nhấn chìm dưới cơn lũ quét, bất chấp mọi sự tính toán của các nhà kĩ sư thiết kế lừng danh. Trước đây, hàng năm khi mùa mưa lũ đến bến Sắt này là cửa ngõ của thủy thần, cô lập hoàn toàn cả một vùng đất đai rộng lớn và dân cư đông đúc của thôn Phúc Thành 2  và thôn Bắc Tiến xã Kỳ Thượng, tới cả hàng tháng trời liền. Nỗi ám ảnh về cảnh tượng đói nghèo vây bủa và bao thế hệ con em học sinh của họ phải thất học qua bao mùa mưa lũ chưa qua, một lần nữa chợt tái hiện trở về. Và như một điềm gỡ báo trước cho họ về những tai ương có thể lại còn tiếp tục diễn ra, khi mà ngay như cả với những cây quýt xốp Kỳ Thượng nổi tiếng vốn chỉ biết tồn tại trên những mái đồi khô ráo từng thách đố bao mùa mưa lũ, giờ đây cũng đành thối gốc chết yểu khắp núi đồi. Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cũng phải thốt lên rằng, đến như cây quýt  mà còn bị chết thì ở Kỳ Thượng không có gì còn nói có thể tồn tại được với mưa lũ nữa rồi!

Mưa đã ngớt, nhưng tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê lũ vẫn còn bị cô lập

Không nghi ngờ gì nữa! Chưa ai dám nói cơn mưa lớn trên diện rộng vừa qua là trái với quy luật cua thời tiết, nhưng tác động một phần gây ra lũ lớn thì không thể nói không bởi có sự can thiệp của con người. Điều này càng thể hiện rõ nhất ở Hương Khê, nơi được coi là rốn lũ, thì mọi tính toán đều trở nên vô nghĩa, khi mà rừng tự nhiên bị thay thế bằng những diện tích cao su và cây gỗ nguyên liệu keo lá chàm. Ai nói cao su và keo lá chàm không nâng cao độ che phủ, nhưng để có những rừng cây này lên xanh, người ta phải dọn sạch các lớp thực bì giống như tổng dọn vệ sinh rừng, thì khác gì tháo cửa rừng cho giặc lũ tràn qua.

Đặc biệt,  với sự xuất hiện của Nhà máy Thủy điện Hố Hô nằm trên thượng nguồn con sông Ngàn Sâu, một con sông hầu như đã trao hoàn toàn bổn phận của nó cho vùng đất Hương Khê màu mỡ từ ngàn xưa, nay vô tình trở thành kẻ tội đồ, từ khi nhà máy ra đời từ tháng 11 /2004. Đây là một dự án quá nhỏ với công suất  13 Mw, mà tác hại thì quá lớn. Vậy nên, ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai đã có nhiều câu hỏi đã đặt ra rằng, phải chăng chỉ vì lợi nhuận nhỏ của doanh nghiệp mà bỏ qua lợi ích lớn của cộng đồng?

Bà con xã Hà Linh, huyện Hương Khê lùa trâu bò lên QL 15A để tránh lũ 

Nghịch lý nhãn tiền của Thủy điện Hố Hô mỗi khi mưa lớn đổ về là lập tức nước trên thượng nguồn dâng nhanh, nếu đóng không xả lũ kịp thời thì nước vượt qua thân đập ảnh hưởng đến công tác vận hành của nhà máy, hoặc nghiêm trọng hơn lũ có thể làm vai đập sạt lở bất cứ lúc nào. Nếu xả lũ thì lũ sẽ dâng cao ở vùng hạ du, cho dù được thông báo trước nhiều ngày thì thiệt hại vẫn đứng về phía người dân, bởi nhà cửa, ruộng vườn các mô hình trang trại chăn nuôi phát triển kinh tế… của học không thể đảo lộn được, ngoài việc bỏ của chạy người để bảo toàn tính mạng mà thôi.

Tuy vậy, nghịch lí lớn nhất chính là nguồn lợi từ lũ lụt lại bị đập Thủy điện cướp đi tất cả, chưa nói đến hiện tượng cướp dòng đã xuất hiện khi một số sông suối ở Hương Khê có dấu hiệu chảy ngược sang Lào; lượng phù sa nếu có cũng chỉ biến thành bùn lầy bồi lắng xuống vùng dưới lòng hồ, vì thế mỗi khi mưa lũ về cả một miền hạ du rộng lớn không những không đón nhận được bất cứ một hạt phù sa nào mà những lớp đất màu sót lại, sau khi sông bị ngăn thành đập thủy điện lại còn bị cuốn trôi ra biển, và mỗi ngày hai bên bờ sông chỉ trơ lại những bãi đất cằn.


Một góc T.P Hà Tĩnh trong lũ

Đã thế, mỗi khi lũ về, nhà máy Thủy điện Hố Hô lại không tuân thủ những quy định an toàn, thông báo cho  người dân chủ động phòng tránh lũ mỗi khi xả tràn. Quay lại thời năm 2007, khi nhà máy chưa khánh thành, song phần thân đập cơ bản đã thi công xong bỗng mưa lũ ập đến nhanh chóng, biến hàng trăm ha vùng lòng hồ thuộc 2 xã Hương Liên và Hương Lâm, huyện Hương Khê trở thành túi nước khổng lồ.  Và thế là lũ đã vượt qua thân đập vào ngay giữa đêm 7/ 8 năm đó, đẩy cả chiếc máy cẩu nặng cả trăm tấn sắt xuống dòng Ngàn Sâu ra xa tới hàng chục km, khiến cho nhiều người trở tay không kịp phải chịu chết một cách đầy oan uổng.

Không lâu sau đó, đến năm 2010, một lần nữa Thủy điện Hố Hô lại trở thành “hung thần”, khi lần đầu tiên người dân Hương Khê được nghe tới cái tên “lũ chồng lũ” lạ hoắc đã cướp đi bao sinh mạng con người và tài sản, biến Hương Khê trở thành một bãi bùn lầy hoang sau lũ như vừa trải qua một vụ thảm sát kinh hoàng của bom B52 trong chiến tranh! Rất lạ là cơn lũ này cũng xuất hiện vào ban đêm do sự tiếp tay của Nhà máy thủ điện Hố Hô tự ý xả lũ mà không thông báo trước.

 Thủy điện Hố Hô xả lũ trên Sông Ngàn sâu,(đoạn gần thân đập)  

Chúng tôi có mặt tại rốn lũ Hương Khê vào những ngày này, mà không thể không bị ám ảnh, bởi tiếng kêu ai oán của những người dân vô tội phải làm “vật tế thần” cho Dự án Thủy điện Hố Hô, trước 2 cơn lũ lịch sử năm 2007 và 2010!  Vậy nên khi vừa chạm tới đây hình ảnh của bao đứa trẻ khóc mẹ, khóc cha; bao người cha, người mẹ khóc con vì phải chết oan trong lũ dữ vẫn còn văng vẳng đâu đó!

Tôi còn nhớ như in hình ảnh chị Nguyễn Thị Viên, ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê trước cơn lũ dữ năm 2010, năm ấy chị  29 tuổi, không chồng, một mình  nuôi 4 đứa con còn trẻ dại, hoàn cảnh hết sức khó khăn; chị được ngân hàng cho vay tiền hỗ trợ lãi suất làm vốn nuôi được 10 con lợn đang trong thời ký phát triển, nhưng chưa kịp mừng thì ngay trong đêm 16/10, nhà máy Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ, nước dâng nhanh lên tận mái nhà cuỗm đi  tất cả. Rất may, giữa cơn nguy khốn đó bố đẻ của chị - ông Nguyễn Văn Viêm đã kịp chèo thuyền ba ván tới cứu 6 mẹ con chị thoát khỏi móng vuốt của thủy thần.

Vùng rốn lũ xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê sau khi lũ rút

Cũng tại nơi này, trong lúc chưa kịp hỏi thăm cuộc sống của chị Viên bây giờ ra sao, thì không ngờ chúng tôi gặp anh Quỳnh Văn Xưng (51 tuổi), một người dân làm nghề nuôi ong lấy mật từ Đồng Nai ra xã Hà Linh, huyện Hương Khê thuê đất rừng để hành nghề. Anh trở thành công dân của địa phương được 6 tháng nay và đã gầy dựng được hơn 300 lăng ong (tổ ong) đang kì cho lấy mật. Không ngờ, đêm 14/10 Nhà máy Thủy điện Hố Hô bất thình lình xả lũ, khiến anh không kịp trở tay. Lũ dâng quá nhanh đã cướp đi hơn 200 lăng ong, trị giá gần 300 triệu đồng của anh trong phút chốc. Vậy là giấc mộng làm ăn sinh sống nơi  đất khách quê người của anh Xưng bỗng tan thành mây khói! Chẳng biết làm gì hơn với đôi bàn tay trắng, anh đành ngửa mặt lên trời mà kêu than!

Khi mà những người dân còn chới với giữa lũ dữ, thì chiếc cầu phao Chợ Hôm bắc qua sông Ngàn Sâu nối liền xã Hà Linh và 2 xã Phương Điền, Phương Mỹ bất ngờ bị cuốn trôi, khiến cho công tác cứu hộ cứu nạn càng trở nên khó khăn, mực nước tại rốn lũ Phương Điền và Phương Mỹ có nơi dân cao hơn 10m, có hàng trăm nhà dân bị nước ngập lên tới trên 3 mét. Không có cách gì khác người dân vùng lũ chỉ biết cách tự cứu mình. Và trong phút giây sinh tử đó 4 con trâu của các gia đình ông Hồ Xuân Sinh, Hồ Đức Giang, Nguyễn Đình Hùng theo chủ chạy lũ lên đường tàu đoạn qua ga Thanh Luyện lánh nạn không may bị tàu hỏa cán chết, chấm dứt hoàn toàn dấu vết tài sản trong gia đình của họ gây dựng bấy lâu nay.

Kè sông Ngàn Sâu, nơi cơn lũ đi qua 

Không thể chần chừ lâu hơn được nữa, chúng tôi vội ngược về Nhà máy Thủy điện Hố Hô mới thấy được sự vô cảm của những người làm công tác quản lý ở đây, trong khi họ bất chấp tất cả, vẫn cho xả lũ một cách tự nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, có mặt tại Nhà máy vào chiều 17/10, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã yêu cầu nhà máy phải tuân thủ quy tắc chung trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhưng vẫn bị họ bỏ ngoài tai.  

Riêng xóm Hố Hô có hơn 20 nhà dân nằm sát dưới thân đập Thủy điện Hố Hô tưởng rằng an toàn, nhưng theo anh Phan Vũ Tiến (45 tuổi), người dân địa phương cho biết: Hàng ngày cả làng phải chịu sự tra tấn của tiếng ồn từ phía nhà máy phát ra; và mỗi khi nhà máy xả lũ, thì dù trời đã ngớt mưa, bà con cũng không được hưởng chút nắng, bởi bọt nước như một màn sương dày đặc bao phủ khắp làng. Đặc biệt những thửa ruộng màu mỡ nằm dưới chân đập đã bị sạt lở hết từ khi nhà máy đi vào vận hành năm 2014, nên cả làng phải bỏ ruộng đi làm thuê.

Lực lượng tình nguyện khắc phụ lũ lụt tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê

Được biết thì con số thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua tại Hà Tĩnh là hết sức khôn lường! Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ đã có 6 người chết trôi và thiệt hại 700 tỷ đồng về tài sản vật chất, trong đó địa phương bị thiệt hại lớn nhất chính là huyện Hương Khê. Giờ thì cơn lũ đã đi qua, đội ngũ những người làm công tác quản lý Nhà máy Thủy điện Hố Hô có nói gì đi chăng nữa, đã quá muộn rồi!

Bộ Công Thương  làm việc với Nhà máy Thủy điện Hố Hô trong đợt lũ 

Ghi chép của NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh