THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:18

Ai 'vẽ' ra Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ trên Quốc lộ 1A?

Dự án chưa triển khai, vị trí đặt trạm BOT đã được quyết
Dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Phủ Lý (Hà Nam) và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn Km 215+775 đến Km 235+885 có tổng chiều dài 43,4km, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.046 tỉ đồng. Trong đó, đoạn tránh TP. Phủ Lý dài 23,3km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 20,1km được tăng cường theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC.
Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đặt "nhầm' trên quốc lộ 1A
Được khởi công từ tháng 10/2014, sau gần 2 năm thi công, đến tháng 11/2016 nhà đầu tư đã đưa dự án vào hoạt động và dựng trạm thu phí. Điều đáng nói vị trí đặt trạm không nằm trên tuyến đường tránh, mà lại nằm trên tuyến QL 1A thuộc Phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1, khiến cho những phương tiện không có nhu cầu đi qua đường tránh cũng phải chịu phí.
Bất ngờ hơn, trước khi dự án được triển khai, ngày 6/8/2014, UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản thống nhất, khôi phục, sử dụng lại vị trí đặt trạm thu phí Nam Cầu Giẽ trước đây, tức đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A với lý do là tiết kiệm chi phí. Điều này ngay sau đó đã được sự đồng thuận cao của Bộ GTVT. Mặc dù cách đó hơn một năm, ngày 30/4/2013, trạm thu phí này đã dừng hoạt động theo thỏa thuận xóa bỏ dần các trạm thu phí đường bộ khi thu phí bảo trì (đường bộ).
Và để cụ thể hóa vấn đề, ngày 24/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3591 cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (Km216+600), Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215+775 - Km235+885, tỉnh Hà Nam theo hợp đồng BOT.
Theo Quyết định này, các mức thu phí đường bộ đối với các phương tiện khi đi qua Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ như sau: Đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25 nghìn đồng/vé/lượt, 750 nghìn đồng/vé/tháng và 2,025 triệu đồng/vé/quý; xe 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 40 nghìn đồng/vé/lượt, 1,2 triệu đồng/vé/tháng và 3,24 triệu đồng/vé/quý… 

Trước khi dự án được triển khai, tỉnh Hà Nam đã đề xuất đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A

Một nghịch lý khác, lẽ ra để cho người dân nắm bắt được thông tin về giao thông, chủ đầu từ cũng như chính quyền địa phương nên đặt biển báo chỉ dẫn, tuy nhiên từ đầu tuyến đường tránh Phủ Lý hướng Hà Nội - Hà Nam và ngược lại hoàn toàn không có. Và nếu như không phải người địa phương hay tài xế thường xuyên qua lại tuyến đường này thì khó mà biết được “Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ” là để thu tiền cho dự án nào. 
Thậm chí, có người còn nhầm tưởng đây là một nhánh của Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong khi hai dự án này “chẳng có họ hàng ruột thịt hay liên quan gì với nhau”. Bởi vậy nên nhiều người cũng không biết sự tồn tại của tuyến tránh TP.Phủ Lý. Về việc này, cánh tài xế cho rằng sỡ dĩ có điều “lạ lùng” như vậy là do chủ đầu tư cố tình làm cho họ không biết, đi vào để thu tiền.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Thuấn, Phó TGĐ Cty CP Đầu tư Hạ tầng FCC. Ông cho biết: "Dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Phủ Lý (Hà Nam) và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 thuộc Bộ GTVT. Khi Bộ GTVT kêu gọi đầu tư, Công ty FCC đã tham gia vào dự án này. Về trạm thu phí, trước khi nhà đầu tư vào thì vị trí đặt trạm đã được phê duyệt.
Từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường tránh Phủ Lý đã giải quyết được nhiều vấn đề về giao thông cũng như KT-XH địa phương. Để chia sẻ với người dân và các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư dự án QL1 đoạn tránh TP Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 chúng tôi đã chủ động giảm 30% giá vé cho tất cả các loại phương tiện qua Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ. Đây là mức phí thấp nhất so với các trạm thu phí BOT trên tuyến QL1. Việc này ảnh hưởng đến doanh thu của dự án và nhà đầu tư sẽ chịu thiệt thòi bởi thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài hơn. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên".
Theo ông Thuấn, phương án ban đầu về thời gian thu phí là 15 năm 9 tháng, phụ thuộc vào mức tăng trưởng để tính thời gian thu hồi vốn. Hiện lưu lượng xe hàng ngày dao động từ 8000 đến 9000 xe, phần lớn là xe tháng, quý chiếm từ 50 đến 70%. Như vậy, với số tiền đầu tư bỏ ra hơn 2000 tỷ đồng, so với số tiền thu về nếu như mật độ phương tiện qua lại không tăng nhanh thì thời gian thu hồi vốn so với kế hoạch khó mà đạt được.
Liệu có lợi ích nhóm?
Bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân không hài hòa, khi vị trí trạm thu phí được hiểu là “đặt nhầm chỗ”, dẫn đến việc không sử dụng nhưng vẫn phải mất tiền. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ một, hai, mà rất nhiều người dân.
Mặt khác, câu hỏi đặt ra ở đây là tốc độ phát triển, lưu lượng, mật độ giao thông thành phố Phủ Lý có đến mức cần thiết phải xây dựng tuyến đường tránh hay không?, vì lâu nay, từ khi Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cũng như Quốc lộ 21 đi vào hoạt động đã giải quyết được rất tốt vấn đề này. Kể cả những dịp lễ, tết, ngoài ô tô thì các phương tiện xe máy cũng không đi hoặc rất ít vào đường tránh. Do đó tuyến đường tránh Phủ Lý hiện nay chưa phát huy tác dụng... và nếu có chăng thì “mới chỉ” góp phần đẩy giá đất dọc tuyến này lên cao, trong khi một tuyến đường được đầu tư quy mô, bài bản, lại có dấu hiệu “lãng phí”.
Nếu đặt câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm trong việc đặt vị trí Trạm thu phí Nam cầu Giẽ trên Quốc lộ 1A không?, chắc chắn các đơn vị liên quan sẽ trả lời “không có”, nhưng có điều rằng câu trả lời này khó mà thuyết phục được những người dân đang hàng ngày phải “còng lưng” đóng phí khi đi qua đây.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh