Ai cũng đã có cơm ăn, áo mặc
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:45 - 02/09/2016
Bà Chu Thị Hạnh.
“Việt Nam giờ không có người thiếu đói. Vào tháng giáp hạt, chỉ một số vùng có hộ thiếu đói...”. Bà Chu Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo LĐ&XH về những kết quả giảm nghèo hiện nay so với mục tiêu “Ai cũng có cơm ăn áo mặc” của Bác năm 1946....
Ham muốn tột bậc của Bác: Ai cũng có cơm ăn áo mặc
Chăm lo cho an sinh xã hội để “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” là mong muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những ngày đầu tiên đất nước độc lập, với cương vị người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc chỉ đạo diệt giặc đói. Người coi giặc đói cũng nguy hiểm như giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Người khẳng khái chỉ rõ: "Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn khi ấy, Người chỉ đạo Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, rồi mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. Giải pháp cấp bách kịp thời này đã cứu đói cả triệu đồng bào. Chỉ sang đầu năm 1946, sản lượng hoa màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc, bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Nhờ vậy, giặc đói dần bị đẩy lui.
Chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào là tâm huyết suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trước lúc đi xa, Người vẫn đặc biệt lưu ý về việc này. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhịn ăn, nhường cơm sẻ áo cho chiến sĩ đồng bào. Người từng khẳng định: "Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon ngủ không yên".
Việt Nam trở thành tấm gương trong cuộc chiến chống đói nghèo
Theo bà Chu Thị Hạnh, trong mấy thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Quốc hội, Chính phủ, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã không ngừng được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Nhiều cơ chế, chính sách đã được luật hóa, tác động đa chiều đến sản xuất và đời sống của người dân nói chung, người nghèo nói riêng. Vừa có chính sách chung vừa có chính sách đặc thù, vừa quan tâm đến diện, vừa quan tâm đến điểm. Đặc biệt quan tâm ưu tiên đối với những vùng nghèo nhất, vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sống còn nhiều khó khăn. Trong mọi điều kiện, dù thuận lợi hay khó khăn về kinh tế, Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn lực cao nhất cho an sinh xã hội và giảm nghèo. Cùng với nguồn lực nhà nước, đã huy động được nguồn lực không nhỏ của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân trong nước, sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã huy động được sự quan tâm, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.
Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, đưa tỷ lệ nghèo đói chung của cả nước từ khoảng 58% năm 1993 xuống còn dưới 4,25% vào cuối năm 2015, về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ “giảm một nửa số người nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015”. Việt Nam đã xóa hoàn toàn tình trạng đói từ năm 2000 và đã chuyển trọng tâm sang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tê - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận như là một tấm gương sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.
Song bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nghèo hiện nay tập trung chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc, các huyện vùng cao của duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, từ trên 50 % năm 2011 xuống còn khoảng 28% cuối năm 2015 ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi hiện tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60 - 70%; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Hạ tầng yếu kém, thu hút đầu tư hạn chế, sản xuất, lưu thông hàng hóa chưa phát triển; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp, phong tục tập quán sản xuất lạc hậu; thời tiết, khí hậu diễn biến hết sức phức tạp; thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, nguy cơ tái nghèo cao.
Các chính sách giảm nghèo hiện hành tuy toàn diện, tác động đa chiều đến sản xuất và đời sống của người nghèo nhưng còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống. Nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều hạn chế, bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không
Để thực hiện những mục tiêu yêu cầu cao hơn trong giảm nghèo và an sinh xã hội, theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào các giải pháp có tính đột phá.
Giảm chính sách cho không, người nghèo tự quyết định cách thức giảm nghèo.
Việc đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; việc phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo mang tính tổng thể, toàn diện hơn. Tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều dựa trên tiêu chí về thu nhập và các tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Thu thập thông tin, quản lý dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo làm căn cứ thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách giảm nghèo bền vững đến năm 2020 theo hướng tập trung chính sách, phù hợp với nguồn lực và đặc thù của vùng dân tộc và miền núi. Trong đó có các chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ giữa hộ nghèo, vùng nghèo với nhà khoa học và doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương đã có nhiều mô hình giảm nghèo sáng tạo và hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông để người nghèo hiểu và quyết định cách giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương và gia đình.
Sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia, theo hướng: Thay đổi cơ chế lập và giao kế hoạch, chuyển từ cơ chế giao kế hoạch hàng năm sang giao kế hoạch trung hạn; quy định rõ hơn về cơ chế lồng ghép, sử dụng nguồn vốn để địa phương lồng ghép nguồn vốn, đầu tư tập trung dứt điểm theo từng năm. Bà Chu Thị Hạnh cho biết thêm, một trong những điểm mới của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là coi Chương trình là chất xúc tác, là cú hích để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ hay ỷ lại vào Nhà nước. Đặc biệt là phát huy nội lực giảm nghèo của cộng đồng. Theo đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng sẽ quyết định cách thức giảm nghèo. Không có chuyện cán bộ dắt bò, mang cây trồng đến tận nhà phát cho người dân. Thay vào đó, người dân muốn được thụ hưởng những hỗ trợ của Nhà nước, thì phải có vốn đối ứng và được vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để phát triển sản xuất, chăn nuôi... tìm hướng thoát nghèo. Hết thời hạn hỗ trợ phải trả lại nguồn hỗ trợ của Nhà nước để chuyển nguồn hỗ trợ đó cho người khác. Với cách làm này, người nghèo buộc phải có ý thức với nguồn vốn đầu tư của mình và nguồn vốn của Nhà nước không bị mất đi mà quay vòng giúp nhiều người cùng được thụ hưởng.